Nông dân nhận lương trên ruộng
Ít đất vẫn giàu
Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất cà chua ghép trong nhà lưới của ông Nguyễn Văn Đề, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường), một trong những người đầu tiên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Mô hình của ông Đề rộng khoảng 5.000m2, được thiết kế bằng khung kẽm thay vì bằng cây tre nứa như trước, với hệ thống điều hòa và đèn chiếu sáng rất hiện đại. Ông Đề cho biết, ông đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng rau màu, đặc biệt là sản xuất giống cà chua ghép.
Sản xuất giống cà chua ghép trong nhà kính tại mô hình của ông Nguyễn Văn Đề, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
“Năm 2014, tôi được dự án hỗ trợ mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ 200 triệu đồng, tôi đầu tư thêm 600 triệu đồng nữa xây dựng hệ thống nhà kính để sản xuất giống cà chua ghép và khoảng 20 loại rau màu khác. Ngoài ra, do diện tích ở đây hạn chế, tôi phải lên Tam Đảo thuê hơn 2ha để sản xuất” - ông Đề cho hay.
Sau 1 năm triển khai, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao năng suất, thu nhập lên 20 - 30% so với trồng thường trước đây. Không chỉ vậy, mô hình của anh còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đến tháng, bà con được nhận luôn tiền lương trên ruộng...
Khác với mô hình của ông Đề, anh Phạm Văn Cương, 33 tuổi ở xã Tề Lỗ (Yên Lạc) lại chọn cho mình mô hình trồng khoai tây, bí đỏ, dưa hấu, ớt… Anh Cương cho biết, anh đã tốt nghiệp 2 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Về quê, thấy bà con bỏ ruộng hoang nhiều quá, tiếc đất anh thầu lại 50ha với bà con trong xã, với mức khoán 150kg thóc/năm để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
“Tôi đầu tư trồng khoai tây, dưa, ớt… mùa nào thức ấy. Sau khi trừ chi phí lãi 50 triệu đồng/ha, lãi ít những diện tích lớn, nên thu nhập cũng kha khá. Vừa qua tôi thuê thêm 35ha ở xã Đồng Tâm (TP.Vĩnh Yên) để mở rộng thêm quy mô sản xuất. Hiện trang trại tôi đang tạo việc làm cho hơn 40 lao động, với thu nhập 3 – 5 triệu đồng/người/tháng”.
Cái hay, mới của mô hình anh Cương, là anh nhận hầu hết những lao động đã quá tuổi lao động, không thể đi làm công ty vào làm cho anh, do đó bà con vẫn được canh tác trên mảnh ruộng của mình, có thu nhập cao, mà không phải lo đầu tư, mất mùa. Cứ đến tháng là bà con lại nhận lương ngay tại chân ruộng.
Đột phá từ nông nghiệp công nghệ cao
Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương của tỉnh, nhằm đáp ứng xu thế mới là hướng đến năng suất, chất lượng, an toàn.
Dự án hỗ trợ mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao, là mô hình có sự phối hợp của Sở KHCN và Sở NNPTNT Vĩnh Phúc, với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng thực hiện trong hai năm 2014 và 2015 cho 18 mô hình. Hiện đã có 7 hộ gia đình ở huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo… được hỗ trợ 200 triệu đồng/mô hình, với diện tích từ 500m2 nhà lưới trở lên.
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Vĩnh Phúc, quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngoài việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ưu tiên các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh sẽ đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và coi đây là bước đột phá trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Hiện chúng tôi đang xây dựng mô hình hợp tác trồng rau, quả sạch trong nhà kính với công nghệ cao của Israel trên diện tích 10ha, tại Trại Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao tại xã Kim Long và một số mô hình khác. Chỉ có thể áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì nông nghiệp ở Vĩnh Phúc mới có thể tạo thành bước đột phá lớn, đáp ứng được xu thế hiện nay” – ông Dũng cho hay.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao