Mô hình kinh tế Nóng Dần Thu Hoạch Mía Chạy Lũ

Nóng Dần Thu Hoạch Mía Chạy Lũ

Publish date Monday. October 20th, 2014

Nóng Dần Thu Hoạch Mía Chạy Lũ

Điệp khúc giá mía thấp nên người dân chưa muốn bán, thương lái đang có dấu hiệu mua cầm chừng cứ lập lại, trong khi nhiều diện tích mía đã bị ngập nước và theo dự báo thì đỉnh lũ năm nay sẽ xuất hiện vào khoảng giữa tháng 11 tới. Do đó, nguy cơ vùng mía ngập lũ ở huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục chịu thiệt hại nếu như không có giải pháp hiệu quả trong lúc này.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao trong những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích mía, nhất là ở những vùng trũng bị ngập cục bộ, từ đó gây không ít khó khăn cho người dân trong quá trình thu hoạch. Hiện toàn huyện đã thu hoạch hơn 3.500/8.345ha. Trong số diện tích mía chưa thu hoạch thì có khoảng 700ha mía bị ngập nước, tập trung ở xã Hòa Mỹ, Hòa An, Phương Bình, Phương Phú,… với độ ngập từ mặt liếp lên cây mía là 10-15cm và kéo dài hơn 10 ngày qua.

Tranh thủ thu hoạch mía bị ngập

Xã Hòa Mỹ là địa phương có diện tích mía bị ngập nước nhiều nhất của huyện Phụng Hiệp. Qua thống kê của ngành chức năng xã Hòa Mỹ, hiện toàn xã đã thu hoạch hơn 300/600ha mía, các diện tích mía còn lại đa phần đã bị ngập hơn một tuần qua. Để tránh thiệt hại do lũ, hiện người dân đang tranh thủ đốn mía bán cho thương lái.

Ông Trần Văn Hoằn, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Thấy nước dưới sông bắt đầu lên trong những ngày gần đây nên gia đình tôi cùng nhiều hộ khác tiến hành đốn mía bán cho thương lái.

Do khu vực này liếp cao nên khi giá mía vào đầu vụ thấp (chỉ 780-800 đồng/kg), từ đó bà con đã neo thêm một thời gian để mía vừa đạt chữ đường vừa bán được giá cao nhằm có lợi nhuận. Hiện nay, nước lũ cũng bắt đầu về nên nhiều người tiến hành đốn mía, dự kiến khoảng vài ngày nữa khu vực này sẽ thu hoạch dứt điểm”.

Năm nay, gia đình ông Hoằn canh tác 1ha mía (giống ROC 16), hiện mía gần 12 tháng tuổi, thương lái mua với giá 910 đồng/kg, ước năng suất 110 tấn/ha, sau khi trừ chi phí sẽ cho nguồn lợi nhuận trên dưới 15 triệu đồng/ha. Theo ông Hoằn, năng suất mía năm nay thấp hơn cùng kỳ, bình quân giảm 2 tấn/công. Nguyên nhân là do tình hình sâu bệnh phát triển nhiều, nhất là giai đoạn mía từ 6-7 tháng tuổi bị sâu đục thân tấn công mạnh.

Còn người dân ở ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ cũng không ít nỗi lo khi hầu hết diện tích mía chưa thu hoạch ở khu vực này đều bị ngập nước từ 10-15cm và kéo dài hơn 10 ngày qua. Tuy nước ngập nhưng một số hộ vẫn chưa muốn bán mía trong lúc này vì giá còn thấp, nguồn lợi nhuận ít.

Anh Võ Văn Hành, là một trong những hộ đang neo mía tại ấp Long Trường, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này là các rẫy mía ở đây đều bị ngập nước, nguyên nhân là do khu vực này là vùng trũng. Hiện hộ nào trồng các giống mía chín sớm hoặc có điều kiện khó khăn thì bán trước, riêng những hộ trồng các giống mía thuộc nhóm K (K88-92, KK3, KK6,…) thì còn neo lại, chứ bán giá 810-820 đồng/kg thì coi như không có lãi”.

Cũng theo anh Hành, mặc dù mía đã bị ngập nước nhiều ngày, nhưng chưa có dấu hiệu xuống sức, vàng lá. Theo kinh nghiệm trồng mía nhiều năm, các giống mía thuộc nhóm K, điển hình như giống K88-92 mà gia đình đang trồng thì khả năng chịu ngập nước khá tốt, thường là hơn 20 ngày.

Tuy nhiên, trước tình hình giá mía được dự báo sẽ khó tăng trong thời gian tới, trong khi nước lũ ngày càng lên cao như hiện nay, khả năng vài ngày nữa gia đình anh Hành cũng như nhiều hộ khác sẽ đốn mía nhằm tránh tình trạng sốt nhân công, giá thuê công đốn mía tăng. Và năng suất mía có thể giảm do trong quá trình thu hoạch, nhân công chỉ đốn mía từ mặt nước, còn phần ngập trong nước thì bỏ lại.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, cho biết: Mặc dù mía chưa bị ảnh hưởng, nhưng nếu tiếp tục kéo dài khoảng nửa tháng nữa mà không thu hoạch hết thì tình trạng mía bị thiệt hại do lũ sẽ khó tránh khỏi. Do đó, địa phương đang vận động người dân, nhất là ở khu vực ấp Long Trường nên tranh thủ bán trước khi đỉnh lũ về. Theo dự kiến, khoảng 20 ngày nữa, xã Hòa Mỹ sẽ thu hoạch hết diện tích mía trên địa bàn.

Thương lái mua cầm chừng

Trong khi ngành chức năng đang tìm mọi giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nông dân phải thu hoạch mía chạy lũ, thì các thương lái chỉ thu mua cầm chừng chứ không sôi động như thời điểm đầu tháng 10.

Lý giải vấn đề này, anh Nhâm, một thương lái mua mía tại huyện Phụng Hiệp chở về bán tại Xí nghiệp đường Vị Thanh, cho rằng: “Vào đầu vụ, nhà máy đo chữ đường (CCS) bình quân từ 10-11 CCS, có ghe hơn 12 CCS, từ đó thương lái nào cũng có lời nên ai nấy đều tất bật đi mua mía trong dân.

Thế nhưng, thời gian gần đây, chữ đường đo tại các nhà máy lại giảm liên tục, hiện giống ROC 16 chúng tôi mua trong dân với giá 910 đồng/kg (vì mía gần 12 tháng tuổi, CCS sẽ cao), nhưng chở ra nhà máy thì chữ đường chỉ có 9,4 CCS nên giá còn 860 đồng và đành chấp nhận bị lỗ nặng. Do nhiều lần bị thua lỗ nên cánh thương lái đang e ngại mua mía cho bà con”.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng: Sở dĩ đầu vụ chữ đường cao là do công ty chủ yếu mua giống mía ROC 16. Qua một tháng vào vụ sản xuất nên giống mía ROC 16 đã cơ bản thu hoạch gần dứt điểm. Hiện bà con đang chuyển sang đốn các giống mía thuộc nhóm K và QĐ 11, từ đó chữ đường phần nào có giảm.     

Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ nay đến cuối năm sẽ còn 2 đợt triều cường biển Đông. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 14 đến 19-11; đợt 2 từ ngày 21 đến 25-11, mực nước có khả năng vượt báo động III từ 20-25cm. Do đó, việc thương lái đang có dấu hiệu mua mía chựng lại trong lúc này là điều khiến cho nhiều nông dân không khỏi lo lắng.

Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho hay: Để không tái diễn cảnh thu hoạch mía chạy lũ như các năm, bên cạnh hoàn chỉnh hệ thống đê bao để khép kín cho 5.000ha mía thì ngay đầu vụ sản xuất, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các nhà máy đường trong việc khoanh vùng thu hoạch mía. Trong đó, tập trung vào những vùng trũng và các giống mía chín sớm, đồng thời đề ra kế hoạch thu hoạch bao nhiêu diện tích mía vào từng thời điểm cụ thể.

Hiện nay, tuy mực nước đã bắt đầu lên và có nhiều diện tích mía bị ngập, nhưng tỷ lệ ảnh hưởng không lớn. Nhưng để chủ động đối phó với đỉnh lũ, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương không nên chủ quan mà tiến hành vận động người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, nhất là những khu vực đã có mía bị ngập, bằng mọi giải pháp làm sao giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người trồng mía…


Định Hướng Dài Hạn Nhằm Thu Hút Vốn FDI Vào Nông Nghiệp Định Hướng Dài Hạn Nhằm Thu Hút Vốn… Hoa Quả Việt Nam Từng Bước Chinh Phục Thị Trường Thế Giới Hoa Quả Việt Nam Từng Bước Chinh Phục…