Mô hình kinh tế Nông Dân Tìm Cách Giảm Chi Phí Trong Chăn Nuôi Heo

Nông Dân Tìm Cách Giảm Chi Phí Trong Chăn Nuôi Heo

Publish date Friday. August 16th, 2013

Nông Dân Tìm Cách Giảm Chi Phí Trong Chăn Nuôi Heo

Để nuôi heo có thể sinh lãi, nhiều nông dân đã tìm cách phối trộn cám, tự sản xuất con giống, giúp hạ chi phí đầu vào.

Theo tính toán của ông Hoàng Minh Hải, chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu), một con heo đến lúc xuất chuồng ăn hết 9 bao cám các loại. Với giá cám bình quân 300 ngàn đồng/ bao 25kg, để có được 1 tạ heo hơi xuất chuồng phải tiêu tốn 3,7 triệu đồng. Cộng với tiền heo giống, tiền công, vắc xin phòng bệnh, khấu hao chuồng trại và những phí tổn khác, chi phí nuôi 1 con heo khoảng 4 - 4,1 triệu đồng.

Với giá heo hơi hiện nay thì người chăn nuôi mới huề vốn, chưa có lãi. Chính vì vậy, các trang trại chăn nuôi đã phải tính toán tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để giảm chi phí đầu vào. Cách phối trộn thức ăn đơn giản là kết hợp giữa cám đóng gói và bắp, khoai mỳ, tấm gạo…

Nắm được công thức cám trộn có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với cám hỗn hợp mà giá thành lại rẻ hơn nên đầu năm 2013, ông Lương Đức Duy, ở xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) đã sử dụng loại cám này thay cho thức ăn công nghiệp bán sẵn trên thị trường. Ông Duy mua loại cám 11 ngàn đồng/kg, trộn với bắp. Khi heo lớn khoảng 50 - 60 kg, ngoài bắp, ông Duy trộn thêm với một số chất khác như khoai mỳ, tấm gạo...

Ông Duy cho biết, việc sử dụng cám trộn thay cho thức ăn công nghiệp sẽ giảm chi phí rất nhiều, thường rẻ được khoảng 3.000 đồng/kg thức ăn. “Với quy mô trang trại 100 con heo thịt, mỗi ngày dùng 3.000kg cám trộn sẽ tiết kiệm được từ 20 - 30% so với dùng thức ăn công nghiệp. Trong thực tế hiện nay, việc dùng các phụ phẩm như: đậu, bắp, mì… là những nguyên liệu dễ tìm và giá thành lại rẻ”, ông Lương Đức Duy cho hay.

Ngoài việc dùng cám trộn, các trang trại hiện nay cũng bắt đầu hướng tới quy mô chăn nuôi khép kín như tự sản xuất con giống, học cách tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho heo. Nhờ đó, họ đã giảm được chi phí chăn nuôi, đặc biệt là giảm lỗ trong những thời điểm heo hơi rớt giá.

Ông Mai Thi, chủ trang trại chăn nuôi heo tại ấp Thạnh Sơn 2B, xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) cho biết, để cầm cự và có lãi, người chăn nuôi phải tự học cách phòng chống dịch bệnh, sản xuất con giống… Do đó, ông vừa nuôi heo thịt vừa nuôi heo nái theo quy mô khép kín.

Để phòng ngừa dịch bệnh cho heo, chuồng trại phải bố trí từ hướng Đông sang Tây và trồng cây che mát để tránh ánh nắng buổi chiều, nền chuồng có độ dốc 2%, cột chuồng có chiều cao tối thiểu từ 2,5 - 3m, mái phải dài và cách chuồng 0,8 m để tiện phủ bạt khi mưa gió lùa vào chuồng. Vị trí chuồng phải cách xa giếng, nguồn nước ngầm, xa khu dân cư để tránh bị ô nhiễm môi trường…

Heo nái, heo cai sữa và heo thịt phải tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. “Ngoài ra, gia đình tôi còn là nhà phân phối chính thức thức ăn gia súc, gia cầm của công ty Dinh dưỡng Á Châu, do đó không phải mua thức ăn chăn nuôi qua đại lý. Với mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, khép kín, mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi heo thịt, heo nái đẻ và kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình tôi là gần 450 triệu đồng”, ông Mai Thi cho hay.

Theo Ts. Vương Nam Trung, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, giá bán nhiều loại thức ăn chăn nuôi trong nước hiện đang cao hơn khu vực từ 20 - 25%, giá thành sản xuất heo cao hơn 10 - 15%. Trong khi đó, tỷ lệ heo chết cao hơn 35%, khả năng sinh sản thấp hơn 10-15%. Do đó, việc người chăn nuôi phải tính toán, tìm cách hạ giá thành chăn nuôi là việc làm cần thiết để bảo đảm sự ổn định cho sản xuất.


Thanh Hao Hoa Vàng - Được Mùa Nhưng Mất Giá Thanh Hao Hoa Vàng - Được Mùa Nhưng… Nuôi Chim Bồ Câu - Lợi Và Hại Nuôi Chim Bồ Câu - Lợi Và Hại