Mô hình kinh tế Nông hộ nhỏ, thách thức lớn

Nông hộ nhỏ, thách thức lớn

Publish date Tuesday. September 1st, 2015

Nông hộ nhỏ, thách thức lớn

Tại khu vực ASEAN, nông hộ nhỏ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức.

Đó là những thông tin được đưa ra tại diễn đàn “Nông hộ nhỏ trong hội nhập ASEAN”, do Tập đoàn Syngenta vừa tổ chức tại TP.HCM.

Theo ông Kumaradev Datta, Tổng GĐ Cty Syngenta Việt Nam, người nông dân luôn cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhằm giúp họ tổ chức lại SX và tiếp cận với TBKT, công nghệ mới để làm sao sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng thêm thu nhập, cũng như bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho bản thân và gia đình.

Đồng thời, doanh nghiệp và các tổ chức cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển các nhu cầu của thị trường đến với nông dân, nhằm giúp bà con nâng cao tính tự lập và ổn định đời sống.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị đang triển khai cánh đồng lớn cho rằng, không chỉ đơn thuần đưa KHKT hay tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn mà cần phải tổ chức SX theo chuỗi giá trị khép kín để giải quyết khó khăn cho nông dân.

Đồng thời, hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm và phân chia lợi nhuận sao cho hợp lý nhất.

Hiện mô hình cánh đồng lớn đang được triển khai tại vùng ĐBSCL có gần 25.000 hộ nông dân tham gia với diện tích hơn 100 ngàn ha đều có sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và nông dân.

Theo ông Thòn, nông dân rất cần các giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ về cơ sở SX phù hợp với điều kiện SX nhỏ. Từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, đem sản phẩm về nhà máy, sấy khô và nhập kho.

Nông dân có quyền quyết định bán nông sản của mình trong thời điểm nào phù hợp nhất. Qua đó sẽ làm thay đổi vị thế cho người nông dân, quyền thương lượng từ thấp tuyệt đối sang quyền quyết định tuyệt đối khi mua bán với DN.

Hơn nữa, khi đi vào SX theo đơn đặt hàng từ thị trường được hỗ trợ kỹ thuật, vốn và giúp nông dân ít gặp rủi ro hơn.

Để hướng đến sinh kế bền vững, vấn đề tiếp theo là cần nghiên cứu để có sản phẩm chế biến sâu, giúp nâng cao giá trị hàng hóa với mục tiêu đảm bảo cuộc sống cho nông hộ nhỏ. 

Thực tế, nông hộ nhỏ đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng vị trí của nông nghiệp và nông dân, nhất là nông hộ nhỏ luôn ở vị trí thấp trong xã hội.

Người dân SX ra lương thực nhưng sản phẩm tốt nhất phải bán đi và chỉ dám ăn loại lương thực mà người tiêu dùng thành thị “chê”.

Bà Anni Mitin, GĐ cao cấp, Ủy ban An ninh lương thực và giao thương công bằng khu vực Đông Nam Á là con của một nông dân ở Malaysia.

Khi về thăm quê mình, nhiều nông dân gặp bà đều thắc mắc vì sao giá nông sản liên tục giảm xuống? Vì sao nông dân bán nông sản giá thấp mà người tiêu dùng lại phải mua giá cao?

Bà Anni Miti đặt vấn đề: “Người nông dân, cụ thể là những nông hộ nhỏ lẻ hưởng được gì sau năm 2015? Nông dân sẽ sống thế nào, khó khăn gì họ sẽ gặp phải và phải làm gì để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao?

Đó là vấn đề mà mỗi quốc gia cần phải quan tâm để giúp nông dân vượt qua những thách thức này”.

Cần giúp nông dân vượt qua khó khăn thách thức trên thị trường

Theo bà Anni Miti, những nông hộ nhỏ vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức để ổn định cuộc sống gia đình trong thời “bão giá”.

Do vậy, chúng ta cần phải quan tâm hỗ trợ cho nông dân điều gì để giúp họ thích nghi với thị trường và nâng dần vị thế của nông hộ?

Theo ông Kumaradev Datta, để có nguồn sinh kế bền vững cần xét đến 5 yếu tố: Tài nguyên tự nhiên như đất đai, nguồn nước sử dụng ra sao; tài sản vật chất như nhà cửa, phương tiện đi lại thế nào; tài chính và khả năng đầu tư để mua vật tư nông nghiệp có không; có kiến thức, kỹ năng gì của người lao động; mối quan hệ xã hội với chính quyền, tổ chức hay HTX (nhà kho, cự ly vận chuyển…).
Căn cứ trên 5 yếu tố này sẽ có cơ sở đánh giá tính bền vững.

Với tất cả các nước trong ASEAN, cho dù mỗi quốc gia đều có những đặc điểm riêng, nhưng khó khăn của nông hộ nhỏ khá giống nhau.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào giúp cho nông hộ nhỏ tiếp cận được nguồn vốn và thị trường hay những TBKT mới để các nông hộ có được sinh kế bền vững.

Theo ông Rick Van Der Camp, chuyên viên tài chính cao cấp mảng nông - lâm nghiệp, Tổ chức Hợp tác tài chính quốc tế, trong hơn 10 năm qua, các ngân hàng thương mại ở các nước đều có nhiều chương trình cho nông dân vay vốn SX.

Tuy nhiên, thông thường những điều kiện để các ngân hàng chọn đối tượng cho vay phải thỏa mãn 3 yếu tố: Cho vay số tiền lớn, ít mạo hiểm và chi phí vận hành thấp.

Song các nông hộ nhỏ thường khó đạt được những điều trên. Vì thực tế nông dân không thể đưa sản phẩm đến thị trường mà phải qua khâu trung gian là thương lái. 

Hơn nữa, điều kiện cần hiện nay là nông sản phải đạt chuẩn, có “giấy thông hành” như chứng nhận GAP, GlobalGAP… mới đáp ứng nhu cầu về an toàn thực phẩm, nhưng đa số nông dân thiếu thông tin thị trường nên rất bị động và phụ thuộc nhiều vào thương lái.

Do vậy, để giải quyết những bất cập này cần phải giúp các nông hộ nhỏ lẻ liên kết lại để giảm các loại chi phí trong chuỗi SX.


Điểm mới canh tác lúa ở Sóc Trăng Điểm mới canh tác lúa ở Sóc Trăng Cao thủ nuôi heo Cao thủ nuôi heo