Tin nông nghiệp Nông sản ở Nghệ An với khả năng cạnh tranh thời hội nhập

Nông sản ở Nghệ An với khả năng cạnh tranh thời hội nhập

Author Trân Châu, publish date Tuesday. September 20th, 2016

Nông sản ở Nghệ An với khả năng cạnh tranh thời hội nhập

Nhận diện hạn chế, yếu kém

Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, hiện Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Sản lượng lương thực lớn, có nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, nhiều vùng nông sản hàng hóa lớn như ngô, lạc, lúa, diện tích lúa chất lượng cao đã chiếm 1/3; hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: vùng nguyên liệu chè khoảng 8.000 ha ở các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, chè Shan Tuyết chất lượng cao ở Kỳ Sơn; vùng cao su ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Anh Sơn,... vùng mía nguyên liệu 26.000 ha ở các huyện: Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn... vùng lạc xuất khẩu trên 20.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gần 2.000 ha.

Mặc dù vậy, nông nghiệp, nông thôn Nghệ An vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nông nghiệp tuy tăng trưởng khá, nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp; cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm. Tuy tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức 4 - 5 %/năm, nhưng dễ bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Cơ cấu kinh tế đã có chuyển biến nhưng còn chậm, trồng trọt vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.

Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn kém phát triển, nên chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp. Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu. Như đối với gạo, hầu hết người dân vẫn tiêu thụ gạo ngon từ miền Nam hoặc gạo Lào, Thái Lan. Ngay cả con tôm Nghệ An mỗi năm sản xuất ra hàng ngàn tấn song vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa.

Bên cạnh đó, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp. Liên kết giữa 4 nhà còn nhiều hạn chế trong việc tạo ra được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Từ đó sản phẩm nông sản của Nghệ An nhiều nhưng chưa “mạnh”, nông sản xuất khẩu đang rất hạn chế, thiếu tính cạnh tranh trong hội nhập.

Tình trạng sản xuất thâm canh, sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng và tạo ra nhiều chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung,... tạo ra dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, làm tăng khả năng chống chịu và đột biến của sâu bệnh; tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng, đặc biệt ở các làng nghề và chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Thực trạng đó đòi hỏi phải đổi mới sản xuất trong nông nghiệp, nhằm tạo ra hàng hóa đáp ứng cạnh tranh.

3 hướng đột phá phát huy lợi thế

Xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ trong đó nhu cầu của người tiêu dùng được quan tâm hàng đầu là hướng đi mới và là giải pháp được quan trọng hàng đầu. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Tâm Nguyên (TP. Vinh) đã đột phá trong việc xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.


Mô hình rau sạch ở xã Nam Tân (Nam Đàn) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Tâm Nguyên.

Từ khâu chuẩn bị sản xuất, sản xuất đến tiếp thị, bán hàng, tiêu thụ đã được công ty thực hiện một cách chuyên nghiệp. Với quyết tâm, công ty đã thuê đất của nông dân ở xã Nam Tân (Nam Đàn), xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) trồng rau sạch (rau cải, rau dền, xà lách, cà chua...), nuôi lợn sạch và hình thành các chuỗi cửa hàng cung ứng rau sạch trên địa bàn thành phố. Doanh nghiệp cũng đã được một công ty ở Nhật Bản nhận liên kết để trồng các sản phẩm cà chua bi.

Với những nỗ lực khép kín trong sản xuất và tiêu thụ, mô hình của Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Tâm Nguyên đang được đánh giá cao. Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An cũng đã xây dựng được chuỗi giá trị từ sản xuất gạo đến xây dựng nhà máy chế biến và tiêu thụ. Đây là doanh nghiệp duy nhất trong tỉnh thực hiện thu mua, đầu tư nhà máy chế biến gạo nâng cao giá trị hạt gạo để tiêu thụ.

Giải quyết tốt khâu bảo quản, chế biến là một hướng đi tất yếu phải nỗ lực thực hiện. Mỗi năm, Nghệ An sản xuất ra gần 1,2 triệu tấn lương thực. Ngoài ra còn 28.000 - 29.000 ha mía, sản lượng đạt trên 2.000.000 tấn, 110.000 - 130.000 tấn chè búp tươi, 54.000 tấn cam, 30.000 tấn chanh leo, 300.000 tấn rau, tổng đàn trâu, bò đạt khoảng 780.000 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 30.000 tấn. Tuy nhiên khâu bảo quản, chế biến còn rất thủ công, hầu như nhờ trời. Mới chỉ số ít được đầu tư công nghệ vào chế biến như chè búp, mía, chanh leo.

Đặc biệt là địa phương có tổng sản lượng bò, trâu lớn nhất cả nước, nhưng chưa hề có nhà máy chế biến thực phẩm nào. Sản lượng thịt lợn hơi cũng vậy, đang hoàn toàn mổ xẻ bán thịt tươi chưa có nhà máy chế biến. Đối với cây ngô cũng vậy, toàn tỉnh hiện có 55.000 ha ngô, song khâu chế biến, bảo quản chủ yếu nhờ trời. Cơ chế hỗ trợ chế biến của tỉnh chưa đi vào cuộc sống.

Nghệ An hiện đã ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư cho nông dân trong chế biến nông, lâm, thủy sản, song cơ chế chưa đủ mạnh nên người dân không có điều kiện đầu tư. Bất cập này đã tồn tại lâu nhưng vẫn chưa được tháo gỡ. Khâu nhà nông - nhà khoa học - nhà nước - doanh nghiệp thể hiện lúng túng ở đây.


Thu hoạch chè ở Thanh Chương. Ảnh TL

Nhà khoa học chưa thể hiện được vai trò trong việc giúp người dân tạo được một sản phẩm có giá trị cao hơn sau chế biến. Bởi vậy, vấn đề này cần thu hút đầu tư để đảm bảo gia tăng được giá trị sản phẩm sau khi sản xuất. Cho kinh tế hộ được vay vốn mua máy chế biến, hỗ trợ lãi suất hoàn toàn hoặc hỗ trợ 1 phần lớn giá trị của máy...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng: Hiện tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu, trồng các loại cây có giá trị cao nhằm tăng cao hiệu quả trong sản xuất và tăng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Trong 100.000 ha đất lúa, sẽ cơ cấu 35% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, dần dần tăng diện tích này lên 40 -50% diện tích lúa chất lượng cao. Đối với cây trồng hàng hóa, đảm bảo yêu cầu hội nhập TPP như cam Vinh, rau sạch, hoa quả sạch. Đối với chăn nuôi, tập trung trâu, bò hàng hóa và bò sữa. Trong nuôi trồng thủy sản, đối tượng tập trung là tôm và tập trung cho dân vay vốn đóng mới tàu đánh bắt thủy sản và tham gia bảo vệ biển đảo. Đối với trồng rừng, tập trung trồng rừng gỗ lớn để có nguyên liệu chế biến công nghiệp. Làm sao để đạt mục tiêu của ngành Nông nghiệp là phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc ứng dụng KHKT, đầu tư hạ tầng cơ sở tốt và phát triển kinh tế biển, gia tăng hoạt động phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng cần chú trọng hơn.

Cam, bò hàng hóa, bò sữa, chè, lúa chất lượng cao, rau sạch, dưa sạch... sẽ là những sản phẩm nông nghiệp được tỉnh chọn lọc và khuyến khích người dân đầu tư để tạo nguồn cung lớn đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, đối với đàn bò sữa của Tập đoàn TH, Vinamilk ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, TX. Thái Hòa..., thì đàn bò hàng hóa của người dân cũng đang phát huy hiệu quả cao, nhất là một số trại bò Úc mới du nhập vào. Những diện tích chè đang thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trong đó nhà đầu tư ở Nhật Bản cũng đang nghiên cứu, đầu tư.

Rau sạch luôn có thị trường rộng mở nhưng nguồn cung đang rất hạn chế, và những mô hình quả sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có thị trường lớn là thị trường nội địa. Ông Phạm Văn Tiến - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Tâm Nguyên cho rằng: Sản xuất rau sạch là một hướng đi đúng mà doanh nghiệp đang tích cực thực hiện. Giai đoạn đầu chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự ủng hộ của người tiêu dùng công ty tin rằng sẽ thành công.


Đắt ngang đá quý, vì sao sâm Mỹ vẫn được lùng mua ở châu Á? Đắt ngang đá quý, vì sao sâm Mỹ… Tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng kinh tế hợp tác Tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng…