Tin nông nghiệp Nuôi bò nhốt chuồng bền vững, mỗi năm thu 300-400 triệu

Nuôi bò nhốt chuồng bền vững, mỗi năm thu 300-400 triệu

Author Lệ Quyên – Đại Nghĩa, publish date Wednesday. October 17th, 2018

Nuôi bò nhốt chuồng bền vững, mỗi năm thu 300-400 triệu

Anh Lê Xuân Thuyền (48 tuổi, ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) xây dựng trang trại với quy mô lớn hơn, đầu tư bài bản và tăng số lượng đàn bò lên đến 40-50 con trong một đợt nuôi, bình quân sau khi trừ các chi phí còn lãi từ 300-400 triệu đồng/năm”

Nhiều nông dân ở Quảng Ngãi có thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng nhờ chăn nuôi bò thịt. Ảnh: Đ.N

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Quảng Ngãi xác định chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt ở đồng bằng, chăn nuôi trâu bò hướng thịt ở miền núi và ưu tiên phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại, gia trại; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ, gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường để tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.

Thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm

Quảng Ngãi đang tập trung phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững đã giúp cho hàng nghìn nông dân trên địa bàn có thu nhập khá ổn định. Nhiều mô hình chăn nuôi bò thịt đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, thậm chí có những mô hình cho thu nhập 300 – 400 triệu đồng/năm.

Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi xác định chăn nuôi bò thịt là sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Định hướng đến năm 2020 tổng đàn bò ổn định khoảng 320.000 con, có khoảng 65% là bò lai. Các vùng chăn nuôi bò được phân bổ tập trung ở các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ và một số huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long…

Anh Lê Xuân Thuyền (48 tuổi, ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) là một trong những điển hình nông dân tiêu biểu ở Quảng Ngãi về chăn nuôi bò thịt khá hiệu quả. “Gia đình tôi những năm trước đây ngoài việc làm ruộng còn nuôi thêm 1- 2 con bò thịt, mỗi năm thu nhập từ 10-12 triệu đồng. Nhận thấy nghề nuôi bò thịt bằng phương pháp vỗ béo nhanh có hiệu quả, lại đảm bảo tính an toàn nên đến đầu năm 2012 tôi quyết tâm đầu tư mạnh nghề chăn nuôi bò thịt” – anh Thuyền chia sẻ.

Theo anh Thuyền, để chăn nuôi bò hiệu quả, ngoài kinh nghiệm của bản thân, anh đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nuôi bò từ những mô hình khác ở các địa phương trong tỉnh như: Tịnh An, Nghĩa Dũng, Hành Tín, Phổ An, Phổ Hòa… Anh cũng tìm hiểu và biết được thị trường tiêu thụ bò thịt không những trong tỉnh mà còn ở các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, nguồn phụ phẩm cho chăn nuôi bò ở địa phương rất phong phú như bã bia, bã đậu nành, bã mì… với giá rẻ.

“Từ đó gia đình tôi quyết định xây dựng trang trại với quy mô lớn hơn, đầu tư bài bản và tăng số lượng đàn bò lên đến 40-50 con trong một đợt nuôi, bình quân sau khi trừ các chi phí còn lãi từ 300-400 triệu đồng/năm” – anh Thuyền phấn khởi.

Theo anh Thuyền, để có được hiệu quả như vậy, trước khi bắt tay vào nuôi bò thịt, các khâu chọn giống, làm chuồng trại, phối trộn thức ăn, cách nuôi dưỡng, chăm sóc, xử lý chất thải, phòng bệnh cho bò... quyết định đến sự thành bại. Anh chọn mua giống bò lai Cha rolais, RedAngus … là loại bò gầy nhưng khỏe mạnh, mông vai cân xứng, thời gian nuôi thường từ 10 - 12 tháng.

Năm 2020 phấn đấu có trên 65% là bò lai

Theo chia sẻ của anh Thuyền, để có được mức tăng trọng tốt cho bò, chất lượng thịt cao, giá thành thức ăn thấp, anh tự pha trộn thức ăn với công thức: Bã bia + bã đậu nành + cám gạo + bắp  + bột cá + bánh dầu, trong giai đoạn đầu trung bình cho ăn từ 20 - 22kg/con/ngày. Tỷ lệ pha trộn: 10kg bã bia + 4-5kg bã đậu nành + 3kg cám gạo, cám bắp, bột cá, bánh dầu. Thời gian sau, khi bò phát triển nhanh, anh tăng dần lượng thức ăn lên từ 30-40kg/con/ngày và cho ăn thêm cỏ tươi từ 5-7kg/ngày.

Theo nhiều nông dân chăn nuôi bò lâu năm ở Quảng Ngãi, khâu chuồng trại, vệ sinh thú y cho bò khá quan trọng; xây chuồng phải kiên cố, thoáng mát, máng ăn, máng uống quy củ và làm giáo chia ô cho bò (4m2/con). Để tránh ô nhiễm môi trường, cần xây hầm biogas để xử lý chất thải của bò và làm chất đốt cho gia đình. Việc chăn nuôi bò hiện nay ở Quảng Ngãi rất thuận lợi do có nguồn thức ăn từ các nhà máy trong tỉnh (xác bia, mì, đậu nành), người chăn nuôi ít tốn thời gian, có thể vừa nuôi bò và vừa làm các việc khác.

Theo kinh nghiệm của anh Thuyền, để nghề chăn nuôi bò thực sự mạng lại hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo tính bền vững, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các yều cầu về kỹ thuật nhằm phát huy khả năng sinh trưởng của bò. Bên cạnh đó hiệu quả nuôi cũng phụ thuộc vào các yếu tố như giống, tuổi xuất bán, một số tác động của môi trường và mức độ chênh lệch về giá mua và giá bán…


Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 16 – 22/10) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong… Trồng rau nhà lưới: Mặc trời nắng nóng, vườn vẫn mướt xanh Trồng rau nhà lưới: Mặc trời nắng nóng,…