Nuôi cá chẽm hiệu quả nhưng đầu ra chưa ổn định
Ông Nguyễn Thế Như ở ấp Hòa Khởi, xã Hòa Đông, chia sẻ: "Ở đây người dân chủ yếu sống nhờ vào nuôi tôm. Nhưng mấy năm nay, tôm thường xuyên bị dịch bệnh, thiệt hại nhiều, có vụ nuôi tổn thất lên đến cả trăm triệu đồng.
Vì vậy, tôi và một số hộ ở đây quyết định chuyển một phần diện tích nuôi tôm sang nuôi cá chẽm. Tôi thấy cá chẽm cũng dễ nuôi, ít bệnh, phát triển ổn định, bán cũng được giá, nên cách đây vài tháng, tôi thả nuôi thêm 1 ao với diện tích 6.500m2 ".
Hiện gia đình ông Như có 1 ao sắp thu hoạch, dự kiến sẽ thu được khoảng hơn 10 tấn cá, nuôi trong 8 tháng, ông Như ước tính chi phí khoảng 500 triệu đồng. Nếu bán với giá trung bình 60.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận cũng khoảng 100 triệu đồng.
Ông Như cho biết: "Ngoài ao cá sắp xuất bán và 1 ao mới thả nuôi, tôi còn 2 ao cá đã nuôi được gần 7 tháng. Đến nay, trọng lượng trung bình cũng được gần 1kg/con. Với giá 60.000 đồng/kg như hiện nay là vẫn chưa cao, nên tôi tiếp tục neo lại đến khi nào có giá mới thu hoạch bán đồng loạt".
Ông Nguyễn Văn Đồng ở ấp Hòa Khởi, xã Hòa Đông, cho biết: "Thay vì phải bỏ hoang ao nuôi, tôi chuyển sang nuôi cá. Lúc đầu, tôi chọn nuôi cá lóc thấy cũng có lãi, nhưng mấy vụ sau thu được lãi rất thấp.
Qua tìm hiểu, biết cá chẽm dễ nuôi, bán có giá, nên tôi đã thả nuôi thử 1 ao cá chẽm. Nuôi cá chẽm đầu tư tuy lớn, gấp 7 - 8 lần nuôi tôm; thời gian nuôi kéo dài 8 tháng hoặc 1 năm. Nhưng do cá ít bị dịch bệnh nên mình cũng yên tâm hơn, chứ không như nuôi tôm. Gia đình tôi đầu tư nuôi 15.000 con cá giống trên diện tích 0,5ha.
Đến nay, cá sắp xuất bán, tỷ lệ hao hụt thấp. Nếu như giá cá giữ vững được từ 60.000 đồng/kg trở lên thì ao nuôi này sẽ cho lợi nhuận cũng kha khá. Vì vậy, không chỉ có gia đình tôi, nhiều người dân ở đây cũng chuyển ao tôm sang nuôi cá chẽm, đợi khi điều kiện thuận lợi chúng tôi cũng sẽ nuôi tôm trở lại".
Theo nhiều hộ nuôi cá chẽm tại xã Hòa Đông, với giá cá hiện nay, trung bình 1ha nuôi cá chẽm có thể cho nông dân lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng chính là thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cá chẽm lên xuống thất thường, nhất là khi cá chẽm được thu hoạch rộ, giá sẽ bị ép xuống thấp.
Thêm vào đó, ở địa phương không có thương lái như các loại thủy sản khác, cho nên trước khi thu hoạch, người dân phải tự đi tìm thương lái để bán. Khó khăn khác là đầu tư nuôi cá chẽm cần vốn lớn, nhiều gia đình dù muốn đầu tư cũng không đủ vốn…
Hiện nay, xã Hòa Đông có trên 40ha nuôi cá; trong đó, diện tích nuôi cá chẽm 19,65ha, với số lượng giống thả nuôi là 465.800 con. Ông Dương Hoàng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, cho biết: Do nuôi tôm thua lỗ từ những năm trước, nên thay vì bỏ hoang ao, người dân đã chuyển sang nuôi các loại cá khác nhau. Trong các loài nuôi, cá chẽm mang lại hiệu quả cao nhất.
Cá có khả năng chịu đựng được tốt với điều kiện môi trường, phù hợp với nhiều loại thức ăn nên là đối tượng nuôi thích hợp cho người dân. Có thể nói, mô hình nuôi cá chẽm được xem là giải pháp kinh tế khá khả thi, góp phần đa dạng hóa các loài thủy sản nuôi, nếu như đầu ra của cá chẽm thương phẩm được ổn định.
Do vậy, để phát triển mô hình này, trước mắt cần mở rộng việc liên kết với các ngân hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tìm nguồn hỗ trợ vốn đầu tư và bao tiêu đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao