Nuôi Cá Hồi Làm Giàu
Nếu so với các tỉnh như Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn... thì mô hình nuôi cá hồi nước lạnh ở Thanh Hóa, còn khá mới lạ. Nhưng nó đang mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân miền núi xứ Thanh.
Tìm "nơi ở" cho cá
Ông Lê Minh Hành - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) nói dí dỏm rằng: "Giống cá hồi vân nước lạnh này kén thức ăn và nơi ở lắm, nhiều người bảo, đó là loài cá công tử”. Với các điều kiện nuôi vô cùng khắt khe về môi trường nước, độ lạnh, khí hậu, thức ăn v.v... thì việc nuôi cá hồi quả là khó khăn.
Trong chuyến khảo sát có sự tham gia của đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, đã chọn được suối Tá, thuộc làng Năng Cát, xã Trí Nang (Lang Chánh) hội đủ điều kiện để ứng dụng, triển khai mô hình nuôi cá hồi thương phẩm, vì nơi đây có độ cao trên 1.000m, khí hậu mát mẻ, đặc biệt nguồn nước suối có nhiệt độ nước trung bình năm dưới 23oC, không bị ảnh hưởng ô nhiễm từ các hoạt động dân sinh và công nghiệp, hoàn toàn phù hợp cho cá hồi sinh trưởng, phát triển.
Sau khi khảo sát, Sở KH&CN Thanh Hóa giao cho huyện Lang Chánh triển khai mô hình nuôi cá hồi vân nước lạnh tại khu vực này. Người xung phong tham gia thực hiện mô hình này là ông Hà Khắc Sâm- Giám đốc Công ty TNHH Hà Dương đang đóng trên địa bàn thị trấn Lang Chánh.
Mô hình được triển khai với tổng số vốn gần 3,1 tỷ đồng. Trong đó, Sở KH&CN hỗ trợ con giống, chuyển giao công nghệ và 50% thức ăn cho cá. Đây là mô hình được áp dụng công nghệ nuôi cá hồi mới nhất hiện nay ở nước ta, nhằm tạo ra sản phẩm cá hồi thương phẩm cho thị trường.
Mở hướng làm giàu mới
Những khó khăn bước đầu về các điều kiện để phát triển mô hình nuôi cá hồi ở Lang Chánh đã được khắc phục tạm ổn. Một hệ thống đường ống cấp, thoát nước lấy từ trong lòng suối tự chảy không bị ô nhiễm, được thiết kế theo đúng kỹ thuật và sử dụng bể xi măng (chia thành 3 bể), với tổng diện tích mặt bằng của dự án là 16.000m2; xung quanh các thành bể được bọc lót bằng inox để giữ độ lạnh cho nước và chống rong rêu; cá giống vận chuyển từ Sa Pa (Lào Cai) về nuôi.
Nếu thực hiện nuôi đúng quy trình kỹ thuật, mỗi kg thức ăn sẽ cho thu hoạch từ 1-1,2 kg cá thương phẩm. Với giá cá hồi thương phẩm hiện nay ở ngoài thị trường từ 250.000 - 450.000 đồng/kg, trừ chi phí, người nuôi còn lãi khá cao. |
Trao đổi với NTNN, ông Hà Khắc Sâm cho biết: Do quá trình khảo sát, điều tra trước khi xây dựng mô hình được thực hiện nghiêm ngặt, nên tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá khá cao. Với số lượng cá giống được thả 5.000 con, sau hơn 2 tháng đưa cá vào nuôi, đến nay chúng đang lớn nhanh, trung bình mỗi con tăng từ 400 - 500gram.
Tuy nhiên, để phát triển rộng được loại hình kinh tế này ở Lang Chánh, trước mắt rất cần sự đầu tư của tỉnh như: Xây dựng hệ thống đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào nuôi cá hồi, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Về lâu dài, huyện Lang Chánh cần hướng tới xây dựng mô hình du lịch sinh thái (xung quanh khu vực nuôi cá hồi và thác Ma Hao- một điểm du lịch nổi tiếng xứ Thanh), để thu hút du khách đến đây tham quan, nghỉ dưỡng và thưởng thức món cá hồi vân nước lạnh.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao