Mô hình kinh tế Nuôi Cá Lóc, Kẻ Cười Người Khóc

Nuôi Cá Lóc, Kẻ Cười Người Khóc

Publish date Saturday. May 31st, 2014

Nuôi Cá Lóc, Kẻ Cười Người Khóc

Mấy năm trở lại đây, cá lóc trở thành vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, trong khi người nuôi cá vui vì có thu nhập khá thì những hộ dân xung quanh lại phải “gánh” nỗi lo vì môi trường bị ô nhiễm.

Nín thở vì hồ cá

Hơn 20 hộ dân thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) phát triển mô hình nuôi cá lóc đã hơn 10 năm nay. Cá lóc dễ nuôi lại lớn nhanh, nên sau 3-4 tháng, bình quân một ao 200m2 có thể thu về được 5 - 6 tấn cá. Vì vậy, nhờ vào cá lóc, mà nhiều hộ dân đã thoát được nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Thế nhưng, cũng vì cá lóc, mà “người cười kẻ mếu” khi các hộ dân nuôi cá thì được lợi còn các hộ dân sống gần các trại nuôi lại khổ sở vì mùi hôi thối bốc ra nồng nặc.

Tìm đến trại cá của anh Nguyễn Văn Trung, thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, bên cạnh hai hồ nuôi cá rộng khoảng 500m2 là hồ chứa nước thải đen ngòm.

Do diện tích hồ chứa nước thải chỉ bằng 1/10 hồ nuôi có lóc, nên không thể nào chứa hết lượng nước thải ra. Anh Nguyễn Văn Hòa, làm việc tại trại cá này chia sẻ: “Tuân thủ quy trình nuôi, mỗi ngày, chúng tôi phải thay nước hồ 2 lần. Dù không muốn thải ra vườn, nhưng lượng nước nhiều vậy, không biết đổ đi đâu”.

Thêm vào đó, bình quân mỗi ngày, hồ cá lóc của anh Trung ngốn khoảng 4 tạ thức ăn, chủ yếu là cá vụn. Bởi thế, lượng thức ăn thừa đọng lẫn vào nước, rồi lại được đưa thẳng ra vườn, khiến người dân sống xung quanh phải “nín thở” vì không chịu được mùi hôi. “Giờ có đường bê tông còn đỡ.

Trước đây còn đường đất, mặt đường thấp. Nước từ ao cá ngày nào cũng xả ra nên bùn ngập tới gối”, một người dân thôn Phú Long cho hay.

Không riêng gì người dân tại xã Phổ Khánh, mà gần 20 hộ dân xóm Cát, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh cũng phát triển mô hình nuôi cá lóc từ nhiều năm nay. Không xả thẳng ra vườn nhà như một số hộ dân thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, người dân xóm Cát đầu tư đường cống và đổ thẳng ra đầm An Khê. Cách làm này chỉ mới đưa được chất thải ra khỏi khu dân cư, nhưng về lâu dài, việc xả thải thẳng ra đầm sẽ khiến môi trường nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cần giải pháp lâu dài

Ông Nguyễn Thanh Xuân, ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh đầu tư đường ống, âm sâu vào lòng đất để đưa chất thải ra xa khu dân cư. Ngoài số tiền gần 10 triệu đồng phục vụ cho việc xử lý chất thải, ông Xuân còn kết hợp nuôi cá trê để cá ăn bớt chất cặn bã trong nước thải, trước khi dẫn ra Cửa Lỗ.

Nhờ thực hiện tốt việc nuôi trồng với đảm bảo vệ sinh môi trường, nên dù nuôi đến 12 hồ, nhưng gần 10 năm nay, ông Xuân chưa một lần bị người dân xung quanh phàn nàn. Theo ông Xuân, cá lóc là loại cá ăn tạp, tiêu thụ khối lượng thức ăn lớn nhưng lại phải thay nước liên tục, nên rất khó để có thể “lọc sạch” được khối lượng nước thải khổng lồ.

Đã có nhiều trường hợp, do người dân xung quanh bức xúc trước tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước từ chất thải của hồ cá lóc và liên tục phản ứng, phàn nàn, nên nhiều người nuôi đành chấp nhận bỏ hồ. Còn tại xã Phổ An, cách đây không lâu, một số hồ nuôi cá lóc tại thôn An Thổ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, địa phương đã phải yêu cầu các hộ dân tạm dừng việc nuôi trồng, để bảo vệ môi trường.

Bà Võ Thị Tranh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phổ Khánh trăn trở: “Không thể phủ nhận hiệu quả do mô hình nuôi cá lóc mang lại. Nhưng để có thể bảo vệ được môi trường, người dân rất cần được hướng dẫn biện pháp xử lý nước thải để có thể tiếp tục duy trì và phát triển bền vững mô hình này”.


Ngành Cá Tra Cung Đã Vượt Cầu Ngành Cá Tra Cung Đã Vượt Cầu Đệm Lót Sinh Học Mô Hình Mới Cần Quan Tâm Đệm Lót Sinh Học Mô Hình Mới Cần…