Mô hình kinh tế Nuôi Cá Lóc Trong Vèo

Nuôi Cá Lóc Trong Vèo

Publish date Saturday. March 15th, 2014

Nuôi Cá Lóc Trong Vèo

Nhằm từng bước đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ. Nhiều năm qua TTKN Vĩnh Long đã triển khai nhiều mô hình nuôi các đối tượng thủy đặc sản như: ếch, lươn, cá lóc đạt hiệu quả cao.

Cá lóc sống phổ biến ở đồng ruộng, kênh rạch, ao hồ, lung đìa và sông, thích nghi được cả với môi trường nước đục, tù, có thể chịu đựng được ở nhiệt độ trên 30 độ C. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Nhu cầu cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng là rất lớn.

Trước lợi thế của con cá này, trong những năm qua nông dân xã Phú Thành, huyện Trà Ôn đã tận dụng diện tích mặt nước quanh nhà để nuôi cá lóc trong vèo lưới. Hiện nay, toàn xã có trên 20 hộ nuôi cá lóc, với diện tích vèo thả nuôi trên 4.000 m2.

Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Cát ngụ ấp Mái Dầm, xã Phú Thành cho biết, vừa rồi anh thả nuôi 20.000 con giống cá lóc trong vèo (quy cách vèo 10 m x 20 m), sau 4,5 tháng nuôi anh thu được 4,4 tấn, kích cỡ 700 g/con, với giá bán 30.000 đ/kg, lợi nhuận thu được khoảng 60 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá lóc trong vèo mang lại lợi nhuận khá hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi còn gặp nhiều rủi ro, có hộ thu lời rất thấp và thậm chí không lợi nhuận do trong quá trình nuôi bà con ít quan tâm tới việc cải tạo ao, mật độ nuôi và xử lý nước định kỳ dẫn đến thường xuyên xảy ra bệnh làm cá hao hụt nhiều và tăng chi phí. Qua trao đổi với các hộ nuôi cá lóc tại xã Phú Thành, để đạt hiệu quả cao trong quá trình nuôi bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Trước khi thả nuôi phải cải tạo ao bằng cách vét hết bùn đáy, bón vôi với lượng 10 - 15 kg/100 m2.

- Cá giống phải đồng cỡ, có kích thước từ 6 - 7 cm trở lên, không bị dị tật hay xây xát và mua ở các cơ sở SX giống có uy tín.

- Mật độ nên thả nuôi từ 60 - 80 con/m2.

- Thức ăn cho cá phải tươi, kích cỡ thức ăn phải phù hợp cỡ miệng cá, thành phần dinh dưỡng đảm bảo đầy đủ theo từng giai đoạn nuôi, khi cho cá ăn phải rải đều trong vèo nhằm hạn chế cá tranh dành thức ăn để tránh việc phân cỡ cá khi nuôi.

- Trong tháng đầu nên cho ăn cá tạp xay nhuyễn, có thể trộn thêm thức ăn viên với hàm lượng đạm trên 35%.

- Cần kiểm tra thường xuyên biểu hiện cá bắt mồi, các hoạt động khác của cá để kịp thời xử lý.

- Định kỳ 2 tuần/lần xử lý nước trong ao bằng thuốc tím (KMnO4) với lượng 3 - 5 g/m2.

- Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn để kích thích tăng trưởng và sức đề kháng cho cá.

Phú Thành là một xã thuộc cù lao Mây, nằm ven sông Hậu nên có nguồn nước khá tốt, thích hợp cho việc phát triển nuôi các đối tượng thủy sản, việc phát triển mô hình nuôi cá lóc trong vèo lưới ở đây là rất khả thi, nhất là trong mùa lũ.

Mô hình này còn góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng đa dạng các đối tượng thủy sản, thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển và hạn chế việc khai thác thủy sản từ nguồn lợi tự nhiên.

Tuy nhiên, để việc nuôi cá lóc ở địa phương được phát triển bền vững các hộ nông dân cần có sự đầu tư về kỹ thuật, chất lượng con giống tốt và có sự kết hợp với thương lái để có đầu ra ổn định.


Nhận Biết Tôm Bị Bệnh Qua Quan Sát Nhận Biết Tôm Bị Bệnh Qua Quan Sát Xây Dựng Thành Công Mô Hình Nuôi Cua Thương Phẩm Xây Dựng Thành Công Mô Hình Nuôi Cua…