Nuôi cá tra công nghệ cao
Theo ước tính, nhu cầu giống cá tra chất lượng của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hơn 2,5 tỷ con mỗi năm. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao chưa tới 50%. Trên thị trường giống, phần lớn sản xuất theo kiểu truyền thống, nguồn giống không được chọn lọc xét nghiệm sẽ dẫn đến cận huyết, dễ nhiễm các dịch bệnh trên cá nuôi.
Xuất phát từ thực tế này, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng các công nghệ hiện đại để sản xuất ra những đàn cá tra bố mẹ và cá giống chất lượng. Trong đó đi đầu là Tập đoàn Việt Úc với Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại cồn Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu.
Anh Võ Minh Khôi – Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc, thuộc Tập đoàn Việt Úc cho biết, mục tiêu của Tập đoàn Việt Úc là phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao để cho ra những sản phẩm có chất lượng cao nhất. Với diện tích đất hơn 100ha tại cồn Vĩnh Hòa, Việt Úc đã xây dựng hoàn thành 18 nhà màng và đang theo dõi, chăm sóc 2000 con cá tra bố mẹ. Khi đi vào hoạt động chính thức, mỗi năm dự kiến cung ứng thị trường từ 200 đến 300 triệu con cá giống chất lượng cao. Mỗi nhà màng có diện tích 500m2, bạt che phủ được nhập từ Israel, bên trong là bể nuôi được thiết kế với đầy đủ các hệ thống xử lý nước, làm mát. Tất cả các khâu nghiên cứu, chăm sóc đều được thực hiện thông qua công nghệ di truyền phân tử, công nghệ di truyền số lượng, công nghệ bắn chíp điện tử vào cá để chọn lọc ra được những con cá ưu tú nhất làm bố mẹ cho những thế hệ tiếp theo.
Hệ thống chíp điện tử trên cá, giúp theo dõi sự sinh trưởng, phát triển cũng như dịch bệnh của con cá tra, giúp định danh cụ thể, chính xác con cá muốn lựa chọn. Đối với công nghệ di truyền phân tử, công nghệ này cho phép các kỹ sư so sánh sự đa dạng di truyền giữa các giống nhằm nâng cao hiệu quả lựa chọn giống cá tra bố mẹ so với các kỹ thuật truyền thống. Áp dụng công nghệ di truyền phân tử, ADN của cá tra sẽ được phân tích để thông báo về sự đồng huyết, cận huyết, nguồn gốc, sự tăng trưởng, phát triển của cá. Kết hợp với công nghệ di truyền, theo dõi thông qua công nghệ thông tin, nhờ đó những khuyến cáo về các con giống đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn sẽ được máy tính đưa ra.
Cùng với đó, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cá tra sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Nuôi cá tra theo phương thức truyền thống nguồn nước hay bị ô nhiễm và không đảm bảo khiến tình hình dịch bệnh trên cá diễn ra thường xuyên. Điều này làm tăng chi phí điều trị bệnh, chất lượng cá không đảm bảo, tồn dư kháng sinh… môi trường xung quanh cũng từ đó bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm bệnh.
Với công nghệ lọc nước tuần hoàn, những vi khuẩn có lợi được sử dụng để xử lý chất thải của cá. Sau khi xử lý, nước sẽ được bơm ngược trở lại bể nuôi. Từ đó góp phần hạn chế ô nhiễm nguồn nước, sản xuất cá tra theo hướng hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Khu sản xuất cá tra công nghệ cao tại cồn Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu sẽ là tiền đề để góp phần phát triển nghề nuôi cá tra của vùng đất đầu nguồn sông Tiền, giúp người nuôi cá tra Tân Châu giàu lên từ cá. Và đó sẽ là bước chuyển mình, đưa An Giang trở thành “thủ phủ” cá tra trong tương lai.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao