Nuôi cá trên các hồ chứa cần phát huy tối đa tiềm năng
Hiệu quả ban đầu
Đến hồ thủy lợi Khe Lời, xã Thủy Phù (TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) mới thấy mô hình nuôi cá điêu hồng, ba sa, cá rô đầu vuông… được các chủ nuôi xây dựng khá bài bản, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao.
Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Lộc Bổn (Phú Lộc) đến thuê mặt nước hồ thủy lợi Khe Lời để nuôi cá đã mấy năm nay.
Ban đầu ông Bình chỉ nuôi cá giống để cung ứng nhu cầu cho các địa phương, song nhận thấy tiềm năng rất lớn nên chuyển sang nuôi cá thương phẩm.
Năm đầu tiên chỉ nuôi một số lồng, đến nay ông Bình phát triển đến 54 lồng.
Ông Bình nhẩm tính: “Mỗi lồng rộng 36m2, thả nuôi 5 ngàn con giống, trừ các khoản chi phí lãi ròng 8 triệu đồng.
Với 54 lồng, lãi bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Ngoài nuôi bằng lồng, ông Bình còn thả nuôi hàng triệu con cá rô, chép, trắm, lóc… trong lòng hồ.
Với phương thức nuôi tự nhiên, không cần phải đầu tư thức ăn nên lãi tương đối cao.
Trên hồ thủy lợi Khe Ngang, xã Hương Hồ (TX Hương Trà) cũng có một số hộ nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Hoàng Ngọc Thanh ở phường Xuân Phú (TP Huế) nắm bắt thông tin về tiềm năng ở các hồ chứa đã tìm đến hồ Khe Ngang thuê mặt nước đầu tư nuôi cá.
Bước đầu thử nghiệm, ông Thanh mạnh dạn nuôi đến mấy chục lồng cá điêu hồng, ba sa… Trừ các loại chi phí con giống, thức ăn, thuốc men… mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng.
Môi trường trong lành, hồ chứa rộng nên nguồn nước rất mát là điều kiện cho cá phát triển nhanh, không xảy ra dịch bệnh.
Qua mấy vụ nuôi, hầu như không có vụ nào xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp chỉ khoảng 10%.
Nói về đầu ra, ông Thanh tỏ ra rất yên tâm: “Đến vụ thu hoạch, chỉ cần gọi điện thoại, các lái buôn đến tận hồ thu mua.
Giá tuy không cao nhưng tương đối hợp lý, lãi khá.
Các mùa vụ khan hiếm thủy sản do nhiều nơi dịch bệnh, mất mùa thì cá nuôi ở hồ chứa thủy lợi bán rất được giá…”.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đánh giá cao tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Đến nay, phần lớn các hồ chứa đều có người dân thuê mặt nước đầu tư nuôi cá lồng, kết hợp thả cá nuôi tự nhiên, như các hồ Khe Ngang, Thọ Sơn, Hòa Mỹ, Khe Lời, Năm Lăng, thủy điện Bình Điền, hồ Tả Trạch...
Lợi thế lớn là môi trường ở các hồ chứa rất tốt, phù hợp với các loại thủy sản phát triển.
Thị trường tiêu thụ thuận lợi, bán được giá nên hầu hết các hộ nuôi đều có lãi từ trăm triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.
Chưa có sự đầu tư quy mô lớn
Tiềm năng về mặt nước nuôi cá tại các hồ chứa trên địa bàn rất lớn.
Tổng diện tích thủy vực nước ngọt toàn tỉnh gần 5.300 ha, gồm hồ tự nhiên, thủy lợi, thủy điện, các trằm, bàu trên vùng cát và các ô ruộng trũng ngập nước.
Qua khảo sát trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 98 hồ chứa, trong đó có 55 hồ thủy lợi, 4 hồ thủy điện và 39 hồ tự nhiên.
Dung tích chứa các hồ thủy điện trên 1.050 triệu m3, với lưu vực rộng lớn rất thích hợp cho việc nuôi cá lồng, gồm các loại cá có giá trị kinh tế cao như chình, lăng nha, trắm cỏ.
Các hồ chứa thủy lợi có dung tích 128 triệu m3, có độ sâu bình quân gần 10m, diện tích lưu vực rộng lớn, thuận lợi nuôi cá rô phi, diêu hồng và nuôi tự nhiên các loại cá truyền thống.
Mặc dù tiềm năng các hồ chứa rất lớn, nhưng việc khai thác, nuôi cá trên các hồ chứa hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư quy mô lớn.
Việc tận dụng mặt nước, khai thác tiềm năng chưa có quy hoạch, định hướng rõ ràng nên lãng phí tài nguyên.
Trong khi đó, việc nuôi cá trên các hồ chứa được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã từng quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi từ cách đây 3 năm trước.
Sở Nông nghiệp và PTNT mới đây đã xây dựng đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, giải pháp quan trọng là công tác quy hoạch sản xuất hợp lý, gắn với chính sách hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm.
Đối tượng được hỗ trợ là các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng, đăng ký nuôi cá tại các hồ chứa, mỗi hộ được hỗ trợ một lần, mỗi lồng được hỗ trợ không quá 10 triệu đồng.
Tỉnh còn có chính sách hỗ trợ con giống, máy móc phối trộn và chế biến thức ăn cho các hộ nuôi...
Từ nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án sẽ thực hiện việc thả cá trên lòng hồ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Các tổ chức, cá nhân đăng ký nuôi trồng thủy sản còn được hưởng chính sách cấp đất, mặt nước sử dụng lâu dài, miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước theo quy định; trợ giá việc thuần hóa giống nhập nội, sản xuất giống thủy sản có chất lượng; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi cho người dân và tư vấn, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Mục tiêu đề án nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa giai đoạn 2016 - 2020: Từ năm 2016 - 2017, có khoảng 300 lồng nuôi với diện tích tối thiểu 12 ngàn m2, sản lượng khoảng 200 tấn; đến năm 2020 khoảng 1.000 lồng, sản lượng trên 1.000 tấn sản phẩm.
Đối với nuôi sinh thái, năm 2016 - 2017, có khoảng 10 hồ chứa nuôi với tổng diện tích 150 ha, sản lượng 150 tấn; đến năm 2020 khoảng 50 hồ với khoảng 700 ha, sản lượng 500 tấn sản phẩm…
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao