Nuôi cá trong ruộng bậc thang ở vùng cao Hà Giang
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa được đồng bào các dân tộc Nùng, Mông, Dao, Na Chí… tại Hà Giang phát triển mạnh trong vụ lúa mùa sớm, thu về lợi nhuận kinh tế khá cao và ổn định.
Bắt cá chép trong ruộng lúa tại Hà Giang. Ảnh BHG
Thông tin từ Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang, huyện vùng cao Hoàng Su Phì có địa hình chủ yếu là đồi núi cao, chia cắt mạnh nên người dân Hoàng Su Phì chỉ canh tác lúa một vụ trên các thửa ruộng bậc thang, phải lệ thuộc vào nước trời (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm,). Thời gian còn lại, người dân nơi đây chỉ có thể trồng ngô và rau màu. Được biết hiện diện tích lúa canh tác hàng năm của huyện đạt gần 3 nghìn ha.
Trong những năm gần đây, người nông dân Hoàng Su Phì đã tự phát triển và nhân rộng mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Ngoài thu nhập bình quân từ 4 – 5 tấn thóc/ha, người dân còn có thêm nguồn thu nhập từ nguồn cá chép nuôi trong ruộng từ 80 – 100 kg/ha/vụ; giá bán cá bình quân 100 nghìn đồng/kg đã mang lại nguồn thu từ 8 – 10 triệu đồng/ha lúa/vụ.
Cá chép nuôi trong ruộng lúa của người dân Hoàng Su Phì là giống cá địa phương có trọng lượng nhỏ, từ 0,45 – 0,6 kg/con nhưng lại có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao, bình quân 100 nghìn đồng/kg. Khi lúa đến giai đoạn đẻ nhánh (khoảng trung tuần tháng 5) là thời gian người dân tiến hành thả cá giống vào ruộng lúa (cá giống có trọng lượng từ 0,1 – 0,15 kg/con). Sau thời gian từ 3,5 – 4 tháng, là thời kỳ lúa bước vào chín đỏ đuôi, người dân tiến hành tháo nước ruộng và thu hoạch cá trước khi thu hoạch lúa.
Do cá được nuôi trong điều kiện tự nhiên hoang dã nên chất lượng thịt thơm ngon và được người tiêu dùng, nhất là đối với du khách khi đến du lịch tìm mua. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hoàng Su Phì, trong những năm gần đây, mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa được đồng bào các dân tộc Nùng, Mông, Dao, Na Chí… phát triển mạnh trong vụ lúa mùa sớm (còn gọi là lúa hè thu). Mô hình nuôi cá trong ruộng lúa được tập trung phát triển mạnh tại các xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Nam Sơn, Nậm Khoa. Sau khi thu hoạch lúa mùa sớm, người dân thường nuôi dưỡng cá qua đông tại các ao, hồ của gia đình để tạo nguồn cá giống cho vụ lúa mùa của năm sau.
Nhận thấy mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân và là sản phẩm ẩm thực đối với các du khách khi đến du lịch, nhiều năm gần đây, UBND huyện Hoàng Su Phì đã có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ người dân về kỹ thuật nhân nuôi, tạo giống và phòng trừ dịch bệnh trên cá nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của các mô hình.
Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì cho biết: Do nuôi cá trong ruộng lúa nên một số đối tượng sâu hại lúa cũng được không chế và hầu như không phát sinh thành dịch. Điều đó giúp người nông dân không phải sử dụng thuốc trừ sâu, giảm chi phí trong canh tác lúa và đảm bảo môi trường, góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo. Bên cạnh đó, nuôi cá trong ruộng lúa cũng giúp người dân quan tâm chăm sóc lúa tốt hơn, nhất là vấn đề điều tiết mực nước trong ruộng lúa.
Phát triển nuôi cá trong ruộng lúa cũng giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo và duy trì một sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương, đó là cá chép ruộng. Nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, trong những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp – PTNT hỗ trợ người dân về kỹ thuật nhằm mở rộng và không ngừng nâng cao hiệu quả của các mô hình phát triển nuôi cá chép trong ruộng lúa.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao