Nuôi Cua Biển Trong Rừng Ngập Mặn Ở Quảng Ninh
Từ thực tế, anh Thiều Văn Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh) đã bắt tay nghiên cứu mô hình nuôi cua biển trong rừng ngập mặn nhằm tìm ra giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay của hình thức nuôi cua biển trong các ao, đầm nước lợ, vùng cửa sông ven biển, đồng thời bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trao đổi với chúng tôi, anh Thành bộc bạch, là người làm khoa học, công tác ở đơn vị chuyển giao kỹ thuật, anh luôn muốn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất, tiến bộ nhất giúp bà con nông dân phát triển sản xuất. Đã rất nhiều năm hoạt động trong nghề, anh thấy trên thực tế việc nuôi cua biển trong các ao đầm, nước lợ, vùng ven biển cửa sông người dân thường phải bỏ chi phí đầu tư tương đối lớn, chỉ tính riêng chi phí đào đắp ao, đầm phải từ 250 đến 300 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, nuôi cua biển trong các ao đầm, nước lợ, vùng ven biển cửa sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học vùng triều, cửa sông ven biển và sinh kế của hàng vạn hộ dân ven biển do chặt phá rừng ngập mặn để đào đắp ao, đầm. Trong quá trình nuôi cua biển trong ao, sử dụng phần lớn thức ăn là tôm, cá tạp, hệ số chuyển đổi cao, tính chủ động thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và gia tăng áp lực khai thác tôm, cá nhỏ, làm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.
Ngoài ra, việc bổ sung một số loài nhuyễn thể sống như: vẹm, don, dắt, hầu, hà… làm thức ăn cho cua, trong điều kiện nước ao nuôi ít được trao đổi, cua ăn không hết, loại thức ăn này sẽ chết, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Hình thức nuôi cua truyền thống không tận dụng được tiềm năng vùng trung triều thấp, vùng hạ triều để phát triển nuôi trồng thuỷ sản do chi phí đầu tư quá lớn, độ an toàn không cao. Chính vì lý do đó đã khiến anh mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cua biển trong rừng ngập mặn.
Tháng 4/2010, mô hình được triển khai đầu tiên tại thôn Nam, xã Vạn Ninh (TP Móng Cái), sau đó tiếp tục triển khai thêm một mô hình nữa tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà). Sau một thời gian nuôi trồng cho thấy trên cùng 1 diện tích, cua nuôi trong rừng ngập mặn có tỷ lệ sống, năng suất nuôi cao hơn; thời gian nuôi ngắn hơn và hệ số chuyển đổi thức ăn thấp hơn đặc biệt là cua ít bệnh dịch hơn so với nuôi cua trong ao, đầm. Sau 3 - 3,5 tháng, cua được nuôi trong rừng ngập mặn đạt năng suất bình quân 900-1.000 kg/ha, màu sắc cua tươi sáng, tự nhiên. Qua đó, lợi nhuận của nuôi cua biển trong rừng ngập mặn thường cao gấp 1,7 lần so với hình thức nuôi truyền thống hiện nay.
Mô hình nuôi cua biển trong rừng ngập mặn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân mà còn góp phần tích cực vào việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển bởi vùng nuôi trồng phải có độ che phủ rừng ngập mặn (rừng tự nhiên hoặc trồng mới) từ 50 đến 70% diện tích mặt bãi. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó tốt với các hình thái thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Nuôi cua biển trong rừng ngập mặn làm giảm chi phí đầu tư từ 10-15%, tăng năng suất nuôi từ 10 đến 12% và nâng cao tỷ suất lợi nhuận nuôi cua biển từ 15 đến 17,5% so với hình thức nuôi trong ao, đầm. Vì vậy đang được bà con ngư dân các vùng ven biển, nơi có rừng ngập mặn tiếp thu và nhân rộng, mô hình này đang góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế hộ gia đình của các địa phương ven biển.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao