Nuôi cua Nuôi Cua, Chạch Trong Ruộng Lúa

Nuôi Cua, Chạch Trong Ruộng Lúa

Publish date Friday. February 28th, 2014

Nuôi Cua, Chạch Trong Ruộng Lúa

Cua và chạch là món ăn truyền thống dân dã của người dân Việt, nay đã trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn là bài thuốc có tác dụng chữa trị được rất nhiều bệnh. Chúng sinh trưởng phát triển tự nhiên trong các ao, hồ, sông, rạch, mương, đồng ruộng…

Trong các năm gần đây do sự phát triển nhanh chóng của ốc bươu vàng và sâu bệnh hại cây trồng, dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngày một nhiều hơn gây ô nhiễm môi trường nước, làm cho động vật thủy sinh ngày càng cạn kiệt.

Cua, chạch là nguồn lợi tự nhiên có giá trị kinh tế cao cũng đang bị khan hiếm dần do tác động của con người. Nuôi cua, chạch trong ruộng lúa là một hướng đi mới rất khả quan, được nhiều người quan tâm do vốn bỏ ra ban đầu ít, dễ nuôi, hầu như không bị bệnh, thức ăn sẵn có trong tự nhiên…

Được sự hỗ trợ của Trung tâm KN-KN Quốc gia và Trung tâm KN-KN TP Hà Nội, Trạm KN-KN Ứng Hoà đã triển khai mô hình nuôi cua, chạch trong ruộng lúa tại HTX Đống Long - Hoà Lâm - Ứng Hoà; trong quá trình theo dõi chúng tôi đã ghi chép lại để trao đổi cùng bạn đọc tham khảo.

1. Đặc điểm sống của cua, chạch

Chạch là loài có tập tính thích sống chui rúc vào trong bùn. Cua thích nghi với lối sống bò dưới đáy mặt nước và đào hang để sống hoặc chui rúc vào các bụi, rễ gốc cây. Có khả năng bò trên cạn và di chuyển rất xa, mỗi lần lột xác trọng lượng của cua tăng 20 - 50%.

Hai loài này đều có đặc điểm chung là: Ưa hoạt động về đêm, không thích ánh sáng mạnh. Nên ban ngày chỉ ở trong hang hoặc rúc dưới bùn ít khi ra ngoài, chỉ khi trời tối chúng mới ra ngoài kiếm ăn. Thức ăn: tôm, tép, cám, ốc, giun… Nhiệt độ nước thích hợp từ 20 - 29 độ C; độ pH 6,5 - 8. Vào mùa mưa tháng 3 - 4, tháng 6 - 8 cua, chạch phát triển và sinh sản nhiều.

2. Chuẩn bị ruộng nuôi

Tùy theo diện tích của ruộng nuôi, có thể từ 500 m2 - 10.000 m2 trở lên. Ruộng lúa xuân khi thu hoạch, cắt lúa để rạ dài làm lúa chét tận dụng làm nguồn thức ăn cho cua chạch. Sau đó kích nước vào ruộng cao 50 - 70 cm.

Để nuôi được cua, chạch, không bị thất thoát thì phải chuẩn bị ruộng nuôi trước khi thả giống. Ruộng nuôi cua, chạch phải được kè bằng Pro-ximăng thẳng đứng xung quanh ruộng để cua không đi mất (chôn sâu xuống khoảng 20 cm), hoặc đơn giản - tiết kiệm có thể bao nilon xung quanh (loại cứng, khổ rộng 1,2 m; chôn sâu khoảng 25 cm).

Tuy nhiên dùng nilon không bền do mưa gió có thể làm đứt nilon và mất công phải buộc lại. Tốt nhất nếu có điều kiện xây gạch, hoặc kè bê tông theo chiều thẳng đứng. Khi xây hoặc kè chú ý, cần làm cao hơn mặt bờ đi lại khoảng 30 - 40 cm, đề phòng trời mưa làm ngập bờ cua, chạch thoát ra ngoài.

Trong quá trình chuẩn bị ruộng nuôi, cần làm cống cấp và thoát nước. Hai cống này nên làm ở hai bờ ruộng đối diện nhau, miệng cống hơi lệch nhau để cho nước vào ruộng chảy được khắp ruộng. Ở các miệng cống phải làm lưới chắn loại mắt nhỏ để tránh cá tạp theo dòng nước vào và khi thoát nước cua,chạch theo dòng nước không ra ngoài được. Cống được đóng mở khi cần thiết (chế nước hoặc hoặc thu hoạch).

Đối với cua cần phải làm bờ phụ cho cua đào hang trú ẩn, bờ rộng khoảng 1m, cao hơn mặt nước 30 - 40 cm, trên bờ rắc hạt điền thanh để cua tránh nắng khi thời tiết ngoài trời nhiệt độ cao. Do vậy, bờ ruộng càng rộng càng chắc chắn và sau này điền thanh tốt có bộ rễ phát triển gió to không làm bờ bị lật đổ. Tùy theo hình dáng và kích thước ruộng nuôi mà có thể làm bờ cho cua trú hình chữ thập hay đường song song.

Mùa nóng hoặc rét, chạch cần có chỗ để tránh. Ngoài những hố đất đã đào để làm bờ cho cua trú, chạch có thể xuống đó thì trong ruộng nên thả thêm bèo tây hoặc bè rau muống ở ruộng để chạch trú ở dưới.

Trước khi thả 1 - 2 tuần, thì tháo cạn và dọn ruộng đồng thời bắt sạch cá tạp trong ruộng nuôi, sau đó dùng chế phẩm sinh học khử trùng nước. Rồi tháo nước vào, mức nước tùy vào ruộng nuôi khoảng 50 - 70 cm.

3. Chọn giống

Hiện nay trên thị trường chưa có đơn vị nào chuyên sản xuất giống cua, giống chạch. Để có được giống thả có thể đặt mua gom của các thương lái. Khi mua cần chú ý: Chọn mua ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo chất lượng con giống theo yêu cầu (khỏe mạnh, không xây xát, không mất nhớt, không gãy càng…); không mua ở chợ đặc biệt là chạch, nếu không để ý dễ mua nhầm phải chạch bị kích điện, xương sống của chạch bị tổn thương, chạch vẹo mình. Khi nuôi sẽ chậm lớn làm giảm hiệu quả kinh tế.

4. Thả giống

Mùa vụ thả thích hợp là tháng 3 - 4 (đối với ruộng chuyên nuôi cua chạch) hoặc thả vào tháng 5 - 6 khi thu hoạch lúa xuân xong. Sau thả khoảng 3 - 4 tháng sẽ được thu hoạch. Mật độ thả: Chạch: 15 - 20 con/m2, cua: 7 - 10 con/m2. Chỉ cần thả giống một lần, các vụ sau không cần thả thêm. Tốt nhất là thả giống vào buổi sáng và chiều mát.

5. Chăm sóc

Cua chạch là loài có sức chống chịu với điều kiện môi trường rất tốt, hầu như không bị bệnh. Thức ăn tự nhiên rất sẵn như: ốc bươu vàng chúng ta có thể tận dụng nguồn thức ăn này rất tốt, bởi hàm lượng đạm trong ốc khá cao. Khi cho thức ăn này thì không phải bổ sung thêm thức ăn đạm khác nữa. Ngoài ra còn có thể sử dụng thức ăn: tôm, tép, giun, cám gạo, cám ngô, bột sắn…

Chúng ta có thể tự chế biến thức ăn dạng viên hỗn hợp gồm: lúa xay + bột cá + ốc bươu sau đó cho vào máy ép thành viên phơi sấy để cho cua chạch ăn dần.

Cách cho ăn: thức đạm và tinh cho ăn cùng với nhau, 2 ngày cho ăn một lần vào thời gian nhất định chiều tối hoặc sáng sớm. Lượng thức ăn bằng khoảng 5% trọng lượng cơ thể cua, chạch.

Thả giống xong sau 1 - 2 ngày mới cho ăn. Lúc đầu cho ăn rải đều khắp ruộng, sau đó thu hẹp dần diện tích cho ăn, cuối cùng cho ăn ở một vài điểm cố định để cua, chạch ăn quen thuận lợi cho việc thu hoạch sau này.Ngoài ra có thể bón thêm phân hữu cơ với lượng từ 25 - 30 kg/100 m2/tháng để động vật phù du phát triển làm thức ăn cho cua chạch.

Chú ý: Ở những điểm cho ăn nên đặt các tấm lưới mắt thật nhỏ ở dưới đáy ruộng, có diện tích khoảng 1 - 1,5 m2 sau đó bỏ ốc đã được đập làm 3 - 4 vào lưới. Áng chừng thời gian cua, chạch ăn hết ốc thì kéo lưới lên và bỏ vỏ ốc ra ngoài.

Vì là các loài hoạt động về đêm nên cho ăn vào chập tối, cho ăn vào điểm - khu vực định đánh bắt. Căn cứ vào mức nước đã bị bay hơi mà thường xuyên bơm nước vào ruộng để giữ môi trường nước trong sạch, duy trì mức nước 50 - 70 cm. Ruộng nuôi cua, chạch tuyệt đối không được dùng thuốc BVTV.

6. Thu hoạch

Sau thả khoảng 3 - 4 tháng có thể thu tỉa, sau 5 - 6 tháng có thể thu hoạch toàn bộ bằng cách: Cua: Đặt dọ ở những điểm cho ăn; Chạch: Trước khi thu hoạch dừng cho ăn 1 ngày, đặt vó thả thính ở những điểm cho ăn vào khoảng 2 - 3 giờ sáng hoặc 7 - 9 giờ tối.

Cũng có thể tháo nước chảy từ từ, chạch sẽ bơi theo dòng nước, ở chỗ cống nước đặt vó hoặc lưới. Trong quá trình thu hoạch con to thì bắt bán thương phẩm, còn con nhỏ thả xuống làm giống.


Kỹ Thuật Nuôi Cua Thương Phẩm Trong Ao Đất Kỹ Thuật Nuôi Cua Thương Phẩm Trong Ao… Nuôi Cua Biển Trong Thùng Nhựa Nuôi Cua Biển Trong Thùng Nhựa