Nuôi dê boer cho hiệu quả kinh tế khá
Ban đầu, anh Nguyễn Hoài Hận ở khóm Phú Hưng khởi nghiệp với 4 con dê bách thảo. Sau đó, anh được nghe nói về giống dê boer, có nhiều ưu điểm hơn so với giống dê anh đang nuôi. Với sự nhạy bén, ham học hỏi, năm 2011, anh mạnh dạn đi tham quan, học tập kinh nghiệm và tìm mua dê boer về nuôi. Từ 5 con ban đầu, đàn dê của anh đã phát triển có lúc hơn 50 con. Anh vừa bán dê thịt (giá 95 ngàn - 120 ngàn đồng/kg), vừa bán dê giống. Những năm gần đây, nhu cầu thịt dê của thị trường tăng nên thương lái từ nhiều nơi tìm đến tận nhà mua. Trung bình mỗi năm, anh Hận lãi hơn 100 triệu đồng từ nghề nuôi dê.
Qua mấy năm nuôi dê boer, anh Hận chia sẻ: “Dê boer là loài vật dễ nuôi, sức đề kháng cao, ăn tạp, lớn nhanh, cho sản lượng thịt nhiều hơn các loại dê thông thường. Vòng sinh sản của chúng rất ngắn, trung bình 2 năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 1 - 4 con. Dê giống (3 tháng tuổi) bán với giá hơn 6 triệu đồng/con, có khi giá còn cao hơn. Nuôi dê ít công chăm sóc, trung bình mỗi ngày chỉ mất khoảng 2 giờ nếu chủ động được nguồn thức ăn. Để dê phát triển tốt, xây dựng chuồng sàn cao từ 7 tấc đến 1 thước cho thoáng mát, thức ăn khô ráo, sạch sẽ”.
Người nuôi cần chủ động nguồn thức ăn, tiêm phòng đầy đủ một số bệnh thông thường. Con giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của nghề nuôi dê, cần chọn những con giống tốt, khỏe mạnh. Dê boer có nguồn gốc ở Nam Phi, lần đầu tiên nhập vào nước Úc trong những năm 80 (nên thường gọi là dê boer Úc). Giống dê boer Úc và boer Thái rất giống nhau về ngoại hình nên người nuôi cần chú ý phân biệt, tránh nuôi nhằm dê boer Thái. Dê boer Thái có đặc điểm chân nhỏ, cổ ốm, cao...; nuôi lâu hớn, nhỏ con nên hiệu quả kinh tế không bằng dê boer Úc.
Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi dê boer của anh RamasamyTin (cha là người Ấn Độ) đang ở khóm Phú Hưng, thị trấn Cái Tàu Hạ. Anh RamasamyTin nuôi dê boer kết hợp trồng ổi và sầu riêng. Ổi vừa bán, vừa cho dê ăn; phân dê thì dùng bón cho cây. Anh RamasamyTin phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng cam nhưng thất bại do bị bệnh vàng lá gân xanh. Lúc đó, chẳng những mất hết vốn tích lũy mà còn lâm vào cảnh nợ nần (số tiền trên 200 triệu đồng). Năm 2012, tôi làm liều, vay tiền để đầu tư nuôi dê boer. Chính nhờ con dê boer mà đến nay, tôi đã trả gần hết nợ ngân hàng, sửa nhà, mua sắm vật dụng gia đình...”.
Theo ông Lê Văn Tiếp - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Tàu Hạ, nuôi dê boer có hiệu quả kinh tế cao hơn dê truyền thống. Vì dê boer lớn nhanh, thịt nhiều, dê boer rặc trưởng thành nặng từ 60 - 100kg/con... Từ vài hộ nuôi dê ban đầu, đến nay toàn thị trấn có hơn 14 hộ nuôi dê, chủ yếu là giống dê boer, với tổng đàn trên 250 con. Địa phương đã thành lập được Tổ hợp tác chăn nuôi dê có 9 thành viên. Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi dê cho người dân; tạo điều kiện cho bà con được vay vốn đầu tư nuôi dê.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao