Nuôi Dê Trên Đất Cảng
Thời gian gần đây, xã Trân Châu (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) nuôi một giống dê mới lai giữa dê Bách Thảo và giống dê cỏ của địa phương đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đây được coi là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi không chỉ ở Cát Hải mà trên toàn thành phố.
Xã đảo Trân Châu là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi dê phát triển. Ở đây, dê là đối tượng nuôi chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Thịt dê là món ăn đặc sản của du khách và người địa phương, giá bán từ 200.000 - 250.000 đ/kg, cao hơn thị trường ở đất liền 15 - 20%.
Hiện xã Trân Châu có 35 hộ nuôi dê với trên 1.200 con, chiếm 40% tổng đàn dê của huyện Cát Hải (3.000 con), 1/9 tổng đàn dê thành phố (10.000 con). Dê ở đây được nuôi theo phương thức chăn thả, nguồn thức ăn từ tự nhiên, chỉ bổ sung thêm khoáng (tảng đá liếm).
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch và nền kinh tế nói chung, nhu cầu về dê thương phẩm ngày càng tăng. Khi đó, chăn nuôi dê ở Cát Hải nói chung và xã Trân Châu nói riêng gặp một số khó khăn để phát triển.
Dê tại huyện đảo Cát Hải chiếm tới 95% là giống dê cỏ, năng suất thấp, tỷ lệ thịt xẻ không cao. Bên cạnh đó, do đặc điểm tự nhiên của xã đảo, cách biệt với đất liền nên đàn dê đực chậm được đổi mới, hiện tượng giao phối cận huyết thường xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn dê.
Một trong những giải pháp tốt nhất hiện nay được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng thành công là lai kinh tế giữa dê cái địa phương với dê đực có tầm vóc lớn, sinh trưởng nhanh tạo con F1 để nuôi thương phẩm. Một số hộ nuôi dê tại Trân Châu đã thử lai dê cỏ với các giống dê ngoại nhập nhưng không thành công.
Dê cỏ tại Trân Châu có tầm vóc nhỏ, khối lượng trưởng thành chỉ đạt 20 -30 kg/con. Trong khi đó, các giống dê chuyên thịt nhập nội có tầm vóc quá lớn, khối lượng trưởng thành 90 - 100 kg/con, gấp 3 lần dê cỏ nên rất khó để lai giống khi nuôi theo phương thức bán chăn thả.
Khắc phục những khó khăn này, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng KH&CN (nay là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng) đã phối hợp với UBND xã Trân Châu thực hiện dự án lai tạo dê Cỏ và dê Bách Thảo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn dê hiện có.
Dê Bách Thảo có tầm vóc to hơn dê cỏ, con cái trưởng thành nặng 40 - 45 kg, con đực 60 - 65 kg. Giống dê này có khả năng cho thịt tốt, tỷ lệ thịt xẻ cao (40 - 45%). Nhiều người ưa chuộng thịt dê Bách Thảo vì chất lượng thịt ngon, hàm lượng mỡ trong thịt thấp.
Hơn nữa, dê Bách Thảo có nhiều đặc tính tốt như khả năng chịu đựng kham khổ, ít bệnh tật; khả năng sinh trưởng, sinh sản cũng hơn hẳn dê cỏ. Còn dê cỏ mặc dù nhỏ con nhưng nuôi con khéo, leo trèo trên núi đá rất tốt, thích hợp với nuôi quảng canh ở vùng núi đá Cát Bà.
Kết quả lai tạo giữa dê đực Bách Thảo và dê cái cỏ cho kết quả tốt. Tỷ lệ thụ thai, tỷ lệ dê con sơ sinh còn sống đạt cao. Con lai F1 có thân hình cao, dài, tai to vừa phải, bụng thon. Đây là những đặc điểm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và khắc phục được những nhược điểm về ngoại hình của giống mẹ (dê cỏ chân thấp, thân hình ngắn, tai nhỏ dựng, bụng to).
Từ sơ sinh đến 8 tháng tuổi, cả con đực và con lai F1 đều cao hơn khối lượng trung bình dê cỏ. Thời điểm 8 tháng tuổi, ở cùng phương thức chăn nuôi như dê cỏ thì khối lượng con lai F1 xấp xỉ khối lượng giết thịt của dê cỏ.
Như vậy, F1 giúp rút ngắn thời gian chăn nuôi. Khả năng cho thịt của F1 cũng khá tốt: Tỷ lệ thịt xẻ tương đối cao (gần 48%), thịt tinh hơn 67%, tỷ lệ phủ tạng thấp. Đặc biệt, con lai F1 thích ứng tốt với môi trường sống ở xã đảo.
Theo ông Nguyễn Đình Sơn (thôn Bến, xã Trân Châu), để đầu tư cho một đàn dê 20 dê cái cỏ và 1 dê đực Bách Thảo như gia đình ông thì tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 70 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, cần thêm các chi phí như mua thức ăn bổ sung (tảng khoáng liếm), thuốc thú y, nhân công.
Tuy vốn đầu tư cho nuôi dê đực Bách Thảo và dê cỏ cao hơn so với chỉ nuôi dê cỏ nhưng lợi nhuận thu được hàng năm cao hơn khoảng 17 triệu đồng/năm so với nuôi dê cỏ. Như vậy, trong cùng điều kiện, phương thức chăn nuôi như nhau nhưng việc thay đổi con giống đã góp phần nâng cao đáng kể thu nhập.
Mô hình được nông dân đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Một số hộ ở Trân Châu đã mua thêm dê đực Bách Thảo để cải tạo đàn dê cỏ của gia đình. Ông Nguyễn Đức Dũng, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (UBND huyện Cát Hải) đánh giá, sản phẩm con lai F1 có khối lượng tốt hơn, đảm bảo tăng năng suất trong chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Hiện một số xã của Cát Hải đã nuôi giống lai F1 này và đang phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Văn Hoãn, Phó trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Hải Phòng) cho rằng, việc ứng dụng phương pháp lai kinh tế cải tạo đàn dê cỏ của địa phương là hướng đi đúng nhằm tiếp tục duy trì và phát triển đàn dê của huyện đảo.
Đàn dê của Cát Hải cũng như toàn thành phố chủ yếu là dê Cỏ nên kết quả dự án trên là cơ sở để nhân rộng không chỉ ở Cát Hải mà còn định hướng nhân rộng trên toàn thành phố.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao