Nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học: Mô hình đạt hiệu quả cao
Mô hình được triển khai thực hiện tại xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc với 3 hộ dân tham gia
Ông Lê Văn Năm ở ấp Bến Xoài, xã Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc) thu hoạch trứng gà.
Nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân ứng dụng vào các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật và các địa phương triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như: mô hình khắc phục hiện tượng nứt trái chôm chôm; nuôi lươn có bùn trong bể lót bạt tại Châu Thành; mô hình sử dụng khí ASP ủ phân hữu cơ quy mô nông hộ ở Chợ Lách; mô hình nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học… Trong đó, mô hình nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học đã đạt hiệu quả khá cao.
Mô hình được triển khai thực hiện tại xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc với 3 hộ dân tham gia gồm: ông Lê Văn Năm ở ấp Bến Xoài, ông Trịnh Ngọc Điệp và bà Nguyễn Thị Út Lớn ở ấp Giồng Trôm. Tổng nguồn vốn của mô hình là 199 triệu đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp khoa học 36,6 triệu đồng hỗ trợ nông dân mua 400 gà mái hậu bị giống gà Bình Định. Vốn dân 173 triệu đồng mua thức ăn, chuồng trại và thảm sinh học. Ngoài ra, tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 9-2016, đến nay, gà đã đẻ với tỷ lệ từ 80 - 90%.
Là một trong 3 hộ dân tham gia mô hình nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học, ông Lê Văn Năm được hỗ trợ vốn nuôi 250 gà mái hậu bị. Với trên 20 năm kinh nghiệm nuôi gà, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và Sở Khoa học và Công nghệ, đàn gà của ông Năm phát triển tốt. Theo ông Năm, để nuôi gà đẻ thành công, trước hết phải chọn con giống tốt, khỏe mạnh. Ngoài ra, người nuôi phải thường xuyên quan sát, chăm sóc tốt đàn gà, tiêm phòng đúng quy trình, cung cấp đầy đủ thức ăn và nước sạch cho gà uống hàng ngày.
Từ tháng 12-2016, gà bắt đầu đẻ, ông bán được 5 ngàn đồng/trứng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, giá trứng xuống còn 3 - 4 ngàn đồng/trứng; đến tháng 6 còn 2 ngàn đồng/trứng. Hiện nay, giá trứng đã bắt đầu tăng trở lại, bình quân 3 ngàn đồng/trứng. Ông Năm cho biết, với giá 3 ngàn đồng/trứng, sau khi trừ chi phí thức ăn, người nuôi còn lãi từ 500 - 1.000 đồng/trứng. Để gà có đủ chất dinh dưỡng, đẻ sai và duy trì đẻ lâu, ông cho gà ăn thức ăn công nghiệp và lúa ủ lên mộng. Thời gian cho ăn được thực hiện như sau: bắt đầu từ 3 giờ chiều đến đêm, ông cho gà ăn thức ăn công nghiệp; buổi sáng, ông cho ăn thêm lúa đã ủ lên mộng. Với cách cho ăn như thế, gà đẻ với tỷ lệ cao, đạt 80 - 95%. Ông Năm cho biết, mô hình nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi trên nền chuồng không sử dụng đệm lót. Trong đó, ưu điểm nổi bật nhất là người nuôi không phải tốn công quét dọn chuồng hàng ngày; không gây ô nhiễm môi trường, do không có mùi hôi…
Từ mô hình nuôi gà đẻ trên thảm sinh học bằng phương pháp thả lan, bà con đã đầu tư thêm vốn nuôi gà đẻ trên lồng, phía dưới là thảm sinh học. Nuôi gà trên lồng tốn công chăm sóc bằng cách phải di chuyển gà trống đến các ô chuồng gà mái (một gà trống, 6 gà mái), vốn đầu tư cao, bình quân 80 ngàn đồng/lồng và máng uống cho mỗi con gà, nhưng người nuôi kiểm soát được lượng thức ăn, dễ chăm sóc, phòng trừ bệnh và trứng bán được giá cao hơn.
Mô hình nuôi gà đẻ trứng trên thảm sinh học bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình, hạn chế gây ô nhiễm môi trường; giúp nông dân có thêm lựa chọn trong phát triển kinh tế nông hộ. Vì thế, từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay, xã Nhuận Phú Tân đã dần phát triển kinh tế theo mô hình này.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao