Nuôi ghép thủy sản
Hiện, nuôi ghép là hình thức phổ biến được áp dụng trong nuôi thủy sản, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc. Bởi đây là hình thức có năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Nguyên tắc
Thông thường, ao nuôi thủy sản được phân chia thành 3 tầng: tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Nguyên tắc của việc nuôi ghép là dựa vào tính ăn và tập tính sống của cá là chủ yếu. Cá sống ở tầng nước khác nhau trong một ao sẽ tận dụng được nguồn thức ăn (kể cả thức ăn sẵn có trong nước và thức ăn nhân công) ở các tầng nước khác nhau, phát huy được mối quan hệ “cùng nhau chung sống, phát triển giữa các loài cá”. Ngoài ra, hình thức nuôi này cũng giúp tận dụng triệt để không gian sống, từ đó cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong ao nuôi ghép, cần tuân thủ một số yêu cầu như: Số loài nuôi dưới 4 loài; Đối tượng nuôi chính trên 50% tổng các loại cá, còn lại là các đối tượng ghép thêm; Các loại cá thả ghép phải tương đối đều cỡ nhau và thả cùng thời gian; Các loài cá ghép phải không cùng tính ăn và không gian sống; Thời gian nuôi và giá cá thương phẩm các loài cá gần bằng nhau để dễ bán.
Các loại cá
Trong mô hình này, lựa chọn cá nuôi là khâu quan trọng nhất bởi cần chọn các loài cá không cạnh tranh về không gian sống, về thức ăn. Hơn nữa, đối tượng chọn làm nuôi chính phải thích hợp với điều kiện ao nuôi, khả năng phát triển tốt nhất và cho hiệu quả cao. Việc lựa chọn loài nuôi thích hợp, cần phải cân nhắc dựa trên 3 vấn đề sau: Thức ăn: khả năng cung cấp thức ăn là tự có hay mua. Mục đích sử dụng: nuôi để bán hay nuôi để ăn. Tùy từng vùng sinh thái khác nhau mà chọn loài cá nuôi cho phù hợp. Ví dụ vùng khó thay nước hay mô hình VAC có thể nuôi cá trê, tra…; vùng phèn có thể nuôi cá rô đồng, sặc rằn, trê… Từ cơ sở đó mà người nuôi có thể chọn loài cá nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, để có thể tận dụng hết những tiềm năng sẵn có tại nông hộ.
Hiện, các loài cá đang được nuôi phổ biến như: cá mè (loài thích sống ở tầng nước trên và ăn chủ yếu là sinh vật phù du); cá trắm cỏ (ưa sống ở nước trong sạch, sống ở tầng nước giữa gần bờ, ăn cỏ, rau, rong, bèo…); cá trôi gồm trôi Việt Nam, trôi Ấn độ, Mrigan (ưa thích sống ở tầng nước giữa và dưới, ăn tạp mùn bã hữu cơ, côn trùng, ấu trùng…); cá rô phi (là loại ăn tạp song chủ yếu là mùn bã hữu cơ, thức ăn nhân tạo); cá chép (thích sống ở tầng nước đáy, ăn động vật đáy như giun, ấu trùng, côn trùng, thóc ngâm, khô dầu, bã đậu…). Đây là những đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh, nhờ đó quy trình kỹ thuật nuôi cũng ít phức tạp. Hơn nữa, nguồn thức ăn cũng có thể tận dụng được từ những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở gia đình (mối, giun, lá mì, cỏ, cám gạo...).
Ngoài ra, để đạt hiệu quả tốt nhất, người nuôi cần cân nhắc tỷ lệ nuôi ghép, mật độ thả phù hợp với điều kiện ao nuôi, nguồn thức ăn và phân bón, nguồn cung cấp cá giống của địa phương…
Có thể tham khảo một số công thức thường được nuôi phổ biến như sau:
Công thức 1: Cá rô phi làm chính thả ghép thêm các loài cá khác với tỷ lệ sau: cá rô phi 50%, cá rô hu hoặc Mrigan 20%, cá mè trắng 15%, mè hoa 5%, cá trắm cỏ 5%, cá chép 5%.
Công thức 2: Cá rô hu là loài chính, thả ghép các loài cá khác trong đó: cá rô hu 50%, Mrigan 20%, mè trắng 20%, trắm cỏ 5%, cá chép 5%.
Công thức 3: Chọn cá trắm cỏ làm đối tượng nuôi chính, thả ghép thêm các loài khác, trong đó: cá trắm cỏ 50%, mè trắng 20%, rô hu hoặc Mrigan 18%, cá Rô phi 7%, cá chép 5%.
Chăm sóc
Tùy theo cơ cấu đàn nuôi ghép trong ao và loài nuôi chính để cung cấp thức ăn cho cá đảm bảo phù hợp cho các loài, đầy đủ dinh dưỡng và chi phí hợp lý. Tuy nhiên, thông thường vẫn sử dụng các loại thức ăn chính, cụ thể:
Thức ăn xanh: Cần băm nhỏ và cho vào khung cho cá ăn.
Thức ăn tự chế: Thường được bổ sung thêm, gồm 70 - 80% bột ngũ cốc và 20 - 30% bột cá, tôm, cua ốc, nhái, giun… Trộn đều các thành phần này và nấu chín, đùn thành viên dạng sợi hoặc nắm rồi bỏ vào sàng cho cá ăn.
Thức ăn công nghiệp: Khi cho ăn cần rải đề khắp mặt ao để tránh hiện tượng con ăn quá nhiều, con ăn ít.
Định kỳ 2 tuần 1 lần bón phân chuồng ủ kỹ, phân xanh để duy trì thức ăn tự nhiên cho cá; lượng bón như bón để gây màu nước.
Từ tháng thứ 2 trở đi phải thay nước định kỳ cho cá (lượng nước thay khoảng 30 - 50% lượng nước ao). Đây là biện pháp tốt nhất để hạn chế ô nhiễm và suy thoái môi trường nuôi…
Định kỳ 2 lần/ngày kiểm tra toàn bộ ao, vào sáng sớm và chiều mát. Nếu có các hiện tượng khác thường, như: cá nổi đầu, nước ao đổi màu… rất có thể đó là biểu hiện của cá đói, bị bệnh, nước ao thiếu ôxy… Quan sát kỹ để có hướng điều chỉnh việc cho ăn, chăm sóc và đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe cá.
Thu hoạch
Có hai hình thức thu hoạch chính là thua tỉa và thu toàn bộ. Trong đó, đánh tỉa thả bù được xem là có hiệu quả hơn.
Thu tỉa cá lớn: Sau thời gian khoảng 4 - 5 tháng, khi trong ao đã có một số lượng con to đạt kích cỡ tiêu chuẩn thị trường thì tiến hành thu hoạch chúng để bán. Đồng thời, thả bù ngay bằng cá giống lớn cho đủ số lượng đã đánh bắt. Việc làm này giúp nâng cao năng suất khoảng 10 - 20% so với thu hoạch 1 lần.
Thu toàn bộ cá trong ao: Trước khi thu hoạch, cần tháo bớt nước trong ao sao cho chỉ còn khoảng 50 - 60 cm. Thu dọn hết chà, dùng lưới kéo 2 - 3 mẻ thu gần hết số cá trong ao, sau đó tháo cạn nước và bắt hết cá.
Thời điểm: Hình thức này thường được tiến hành vào mùa đông khi thời tiết lạnh, cá chậm lớn. Nên thu hoạch vào những ngày trời mát, tốt nhất là buổi sáng sớm; tránh để cá bị phơi nắng, hoặc có nhiều bùn đất bám vào da và mang (cá sẽ mau chết và chóng ươn).
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao