Mô hình kinh tế Nuôi Gia Súc, Gia Cầm Trên Đệm Lót Sinh Học Hướng Phát Triển Bền Vững

Nuôi Gia Súc, Gia Cầm Trên Đệm Lót Sinh Học Hướng Phát Triển Bền Vững

Publish date Tuesday. August 26th, 2014

Nuôi Gia Súc, Gia Cầm Trên Đệm Lót Sinh Học Hướng Phát Triển Bền Vững

Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót chuồng nuôi. Theo các hộ chăn nuôi, mô hình trên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.

Lợi ích nhân đôi

Tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở Nông nghiệp- PTNT Hải Phòng tổ chức, các đại biểu cho rằng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học này là hướng đi bền vững của ngành chăn nuôi Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung.

Theo Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Hải Phòng, nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học được một số hộ chăn nuôi áp dụng từ cuối năm 2009 trên địa bàn thành phố. Đến năm 2012, trung tâm triển khai 24 mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học tại huyện Thủy Nguyên và Vĩnh Bảo.

Kết quả cho thấy, việc nuôi gà theo phương pháp đệm lót sinh học hoàn toàn phù hợp điều kiện chăn nuôi ở Hải Phòng, cho hiệu quả kinh tế cao, tránh ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, có thể nhân rộng mô hình tại các địa phương.

Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Hoàng Lâu (Hồng Phong, An Dương) cho biết, chị xây dựng trại nuôi gà quy mô 2000 con/lứa từ năm 2007. Trong 3 năm, dù thức ăn, con giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng và uy tín nhưng trại gà của gia đình không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Không ít lần gà chết nửa đàn không rõ nguyên nhân. Năm 2010, với sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông, khuyến ngư huyện An Dương, thay vì làm chuồng trại theo cách truyền thống, chị chuyển sang ứng dụng đệm lót sinh học để nuôi gà. Từ đó đến nay, những lứa gà chị xuất bán có hình thức đẹp, thịt thơm ngon, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, được thị trường ưa chuộng, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Theo chị Lan, phương thức nuôi gà trên đệm lót sinh học mang nhiều lợi ích đáng kể. Chuồng nuôi không có mùi hôi, nền chuồng luôn tơi xốp, khô ráo, gà lớn nhanh, đồng đều, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%. Gà ít mắc bệnh đường tiêu hóa, hô hấp như tiêu chảy, cầu trùng, hen.

Mỗi con gà nuôi 90 ngày tuổi ăn hết 5 kg cám hỗn hợp hoàn chỉnh, đạt trọng lượng bình quân 1,8 kg/con. Khả năng sinh trưởng của gà nhanh hơn, tiết kiệm chi phí thức ăn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi theo phương pháp thông thường từ 15 - 16 nghìn đồng/kg...

Gia đình anh Cao Hồng Quân (xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng) áp dụng mô hình này từ cuối năm 2009. Anh Quân cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi, anh và một số hộ dân trong xã áp dụng mô hình này.

Hiện, gia đình anh có 2 chuồng nuôi 40 con lợn thịt. Nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học chi phí chỉ bằng 40% so với nuôi trên nền chuồng bằng bê tông, lại khử được mùi và mùi hôi vật nuôi; lợn lớn nhanh, không mất nhiều công chăm sóc. So với nuôi thông thường hiệu quả cao hơn từ 20-30%.

Giải pháp lâu dài

Tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp các đại biểu cho rằng, hiện, vấn đề đặt ra là xử lý chất thải chăn nuôi. Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hà Thúy Hạnh cho biết, cả nước hiện có khoảng 26,5 triệu con lợn, 7,7 triệu con trâu, bò và trên 304,5 triệu con gia cầm. Lượng chất thải rắn của chăn nuôi tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng quy mô.

Theo tính toán, hằng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm cả nước thải vào môi trường hơn 85 triệu tấn chất thải rắn. Tuy nhiên, hiện, chất thải vật nuôi trong nông hộ được xử lý chủ yếu thông qua các biện pháp ủ làm phân chuồng theo phương pháp truyền thống; xử lý bằng công nghệ khí sinh học biogas, các chế phẩm sinh học, ao sinh học…

Các phương pháp xử lý này chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường. Để nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi tháng 10-2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học Balasa N01 và quy trình ứng dụng chế phẩm này làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà.

Việc đưa công nghệ đệm lót sinh học vào áp dụng xử lý chất xả thải trong chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tuấn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phương thức chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học bằng chế phẩm Balasa thực sự là giải pháp hữu hiệu khắc phục tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, tạo sản phẩm có chất lượng cao và tăng thu nhập cho người dân. Do đó, đây là hướng đi giúp ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển.

Theo báo cáo của Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư Hải Phòng, hiện, toàn thành phố có 900 trang trại chăn nuôi; sản xuất nông hộ thay đổi rõ nét, quy mô sản xuất thường xuyên/hộ tăng 5-10 lần so với trước. Mỗi ngày, có khoảng 4500 tấn chất thải rắn và khoảng 200.000m3 khí thải từ chăn nuôi.

Song, việc xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa triệt để, vì vậy chăn nuôi trên đệm lót sinh học là hướng đi mới nhằm phát triển bền kinh tế bền vững. Hiện, Trung tâm khuyến nông- khuyến ngư tiếp tục nghiên cứu phương pháp dùng chất độn chuồng, hoàn thiện mô hình để nhân rộng.


Mô Hình Trồng Lúa Lai TEJ Vàng Cho Năng Suất 70 Tạ/ha Mô Hình Trồng Lúa Lai TEJ Vàng Cho… Thới Bình (Cà Mau) Nuôi Tôm Càng Xanh Trên Ruộng Lúa Tìm Hướng Đi Bền Vững Thới Bình (Cà Mau) Nuôi Tôm Càng Xanh…