Nuôi kết hợp cá nâu và rong câu
Nghiên cứu mới đây của Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv đã xác định nuôi kết hợp cá nâu (Scatophagus argus) với rong câu (Gracilaria sp.) giúp hạn chế được lượng thức ăn thương mại cung cấp cho cá trong quá trình nuôi góp phần giảm chi phí trong quá trình sản xuất.
Cá nâu (Scatophagus argus) là một đối tượng có giá trị kinh tế cao được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Cá có nhiều ưu điểm như giá trị thương phẩm cao, rộng muối, sức sống cao, thức ăn chủ yếu thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ. Vì thế, cá nâu được nuôi nhiều trong các mô hình quảng canh kết hợp hoặc nuôi luân canh với các đối tượng thủy sản khác ở vùng nước lợ Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong nuôi thâm canh và bán thâm canh, người nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp là chủ yếu hay thức ăn tự chế mà ít chú trọng vào nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao. Do đó, chi phí thức ăn chiếm tỉ lệ lớn (hơn 50% tổng chi phí) nên đối tượng chọn nuôi cũng phải tùy thuộc vào từng hệ thống nuôi (Trần Thị Thanh Hiền và Nguyễn Anh Tuấn, 2009). Những nghiên cứu gần đây cho thấy rong câu (Gracilaria sp.) thuộc ngành rong đỏ (Rhodophyta) là loài rộng muối có thể phát triển ở độ mặn 5 - 45‰, được sử dụng trong các mô hình nuôi kết hợp, cải thiện chất lượng nước và là thức ăn tự nhiên cho các loài thủy sản có tính ăn thiên về thực vật (FAO, 2003)
Khảo sát của Nguyễn Thị Ngọc Anh và cs. (2016), trong các ao nuôi tôm quảng canh cải tiến ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thường bắt gặp rong câu cùng hiện diện với rong mền và rong bún, trong đó rong câu được xem là loài rong có nhiều lợi ích hơn so với các loài rong biển khác. Vì thế mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định được mức giảm lượng thức ăn viên thích hợp trong nuôi kết hợp cá nâu (Scatophagus argus) với rong câu (Gracilaria sp).
Nghiên cứu nuôi kết hợp rong câu và cá nâu
Thí nghiệm bao gồm 6 nghiệm thức được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên và kéo dài trong vòng 56 ngày.
- Nghiệm thức 1: Cá nuôi đơn - cho ăn theo 5% khối lượng thân/ngày (100%ĐC).
- Nghiệm thức 2: Cá + rong câu - cho ăn 80% đối chứng (RC + 80%ĐC)
- Nghiệm thức 3: Cá + rong câu - cho ăn 60% đối chứng (RC + 60%ĐC)
- Nghiệm thức 4: Cá + rong câu - cho ăn 40% đối chứng (RC + 40%ĐC)
- Nghiệm thức 5: Cá + rong câu - cho ăn 20% đối chứng (RC + 20%ĐC)
- Nghiệm thức 6: Cá + rong câu - không cho ăn (RC + 0%ĐC)
Đối với các nghiệm thức nuôi kết hợp, rong câu tươi được bố trí 200 g/bể (1 kg/m3).
Kết quả
Sau 56 ngày nuôi, các nghiệm thức nuôi kết hợp cá nâu rong câu và cho ăn lượng thức ăn giảm dần so với lượng thức ăn đối chứng giúp giảm hàm lượng TAN, NO2-, NO3-và PO43- trong bể nuôi thấp hơn nhiều so với nghiệm thức đối chứng.
Tỉ lệ sống của cá nâu không bị ảnh hưởng khi nuôi kết hợp cá nâu với rong câu cho ăn từ 20-80% lượng thức ăn đối chứng và đạt 100%. Tuy nhiên, nghiệm thức nuôi kết hợp không cho ăn thức ăn đạt tỉ lệ sống 77,8%, thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức khác.
Tốc độ tăng trưởng của cá nâu nuôi kết hợp với rong câu cho ăn 60 –80% lượng thức ăn đối chứng cao hơn có nghĩa so với nghiệm thức đối chứng cho ăn theo nhu cầu. Nghiệm thức cho ăn 60% lượng thức ăn viên so với đối chứng kết hợp với rong câu cho kết quả tốt nhất về hiệu quả sử dụng thức ăn và thành phần sinh hóa thịt cá không thay đổi nhiều. Từ nghiên cứu có thể thấy được ứng dụng kết hợp rong câu trong nuôi cá nâu có thể giúp duy trì chất lượng nước, từ đó tạo môi trường sống tốt cho cá, góp phần kích thích tăng trưởng, nâng cao tỉ lệ sống và giảm chi phí trong quá trình nuôi.
Kết quả nghiên cứu có thể cung cấp cơ sở khoa học để khuyến khích người dân sử dụng nguồn rong tại chỗ góp phần giảm chi phí thức ăn và phát triển các mô hình nuôi cá kết hợp thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Theo Tạp chí Khoa học và công nghệ Nông nghiệp
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao