Mô hình kinh tế Nuôi ngao Bến Tre ở… Hà Tĩnh

Nuôi ngao Bến Tre ở… Hà Tĩnh

Publish date Wednesday. June 10th, 2015

Nuôi ngao Bến Tre ở… Hà Tĩnh

Đi lên từ nghèo khó

Tiếp chúng tôi tại vựa ngao của mình, chị Thanh cho biết, chị vốn sinh ra ở vùng quê truyền thống làm nghề muối ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà. Năm 1989, chị lập gia đình với anh Lê Đình Thành rồi cùng dắt nhau về vùng ven cửa biển thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ sinh sống và gầy dựng cơ nghiệp với nghề chèo nốc (thuyền) trên biển, chở đá thuê từ Rú Bể lên thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) để kiếm tiền. Khi mua bán đá gặp khó khăn, chị chuyển sang nghề thu mua hải sản ở cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà.

Một lần, nhóm thương lái ở Nam Định, Thái Bình tìm về huyện Lộc Hà thu mua các loại hải sản như ngao, hến, ốc, cua, ghẹ… chị mạnh dạn đứng ra làm đầu mối trung gian thu mua hải sản tươi sống của người dân ở các xã trên địa bàn đem về bán lại cho thương lái.

Khi thấy làm ăn thuận lợi, năm 1995, chị Thanh nhen nhóm ý tưởng phát triển sản xuất với mô hình nuôi ngao, hến. “Ngày đó, tôi thấy ở xã Mai Phụ và các vùng lân cận có hàng trăm hécta bãi cồn cát ven biển đủ điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình nuôi ngao, hến… nhưng lại đang bị bỏ nên tôi quyết định phiêu lưu thử.

Sau đó, vợ chồng tôi bàn bạc vay mượn tiền rồi đón xe ra Nam Định, Thái Bình tìm đến các chủ vựa nuôi ngao học hỏi kỹ thuật, cách thức nuôi. Tìm hiểu được một thời gian, vợ chồng tôi trở về quê viết đơn lên xã xin nhận cải tạo hơn 1ha cồn cát bồi ven biển ở thôn Mai Lâm để bắt đầu “khởi nghiệp”, nuôi thử nghiệm giống ngao tự nhiên của địa phương”, chị Thanh cho biết.

Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi điều kiện thời tiết ở ven biển Hà Tĩnh khắc nghiệt, cộng với dịch bệnh nhiều, nên đợt nuôi giống ngao địa phương lần đầu bị thất bại. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, vợ chồng chị bàn tính chuyển hướng sang nuôi giống ngao Bến Tre.

Nhưng ngặt nỗi thời điểm đó, trong tay không có vốn. Cũng may, thông qua sinh hoạt tại Chi hội phụ nữ thôn Mai Lâm, chị Thanh vay được 1,5 triệu đồng (thời điểm đó số tiền này rất lớn) từ Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh, kết hợp với cầm cố thêm một số tài sản đem vay Ngân hàng Chính sách, mượn thêm của anh em, bạn bè. Khi có vốn kha khá trong tay, chị Thanh mạnh dạn xin xã cho cải tạo, mở rộng thêm diện tích lên 3ha, 5ha, rồi 10ha… sau đó lại đón xe ra Nam Định, Thái Bình mua giống ngao gốc Bến Tre đưa về nuôi đại trà.

Chị Thanh cho biết, so với giống ngao tự nhiên của địa phương thì ngao Bến Tre mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, trong vụ mùa 2009 - 2010 đúng vào trận lũ lụt, hàng chục tấn ngao chuẩn bị cho thu hoạch đã bị nước biển cuốn trôi, thiệt hại khoảng 700 - 800 triệu đồng. “Lúc đó, nhìn bãi ngao mà chảy nước mắt, xót xa lắm! Nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ rút lui vì nuôi ngao cũng giống như trồng lúa, lúc được mùa, lúc mất mùa là chuyện có thể xảy ra. Vì thế tôi không nản lòng mà tiếp tục vay vốn về đầu tư nuôi ngao với quy mô lớn hơn. Và kết quả “trời không phụ lòng người”, đến nay tôi đã thành công với nghề nuôi ngao“, chị Thanh tâm sự.

Sự thành công đã giúp chị Thanh có tiền trả nợ, thoát nghèo, cuộc sống khấm khá, có vốn tái đầu tư sản xuất, xây cất được nhà cửa khang trang, sắm ô tô, xe máy, các tiện nghi phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ngoài ra, gia đình còn có điều kiện nuôi hai con lớn đang học tại Trường Đại học Sư phạm Vinh (tỉnh Nghệ An), Cao đẳng Sư phạm Dược Hà Tĩnh và con út học lớp 8 Trường THCS Tân Vĩnh.

Tạo việc làm, giúp phụ nữ nghèo

Hiện tại tổng diện tích nuôi giống ngao Bến Tre của chị Thanh đã lên đến hơn 15ha, với số vốn đầu tư từ 2 đến 2,5 tỷ đồng, mỗi năm cho doanh thu cả vốn lẫn lãi bình quân trên 2 tỷ đồng. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh Hà Tĩnh mà còn vươn ra các tỉnh, thành phố khác.

Ngoài ra, chị còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động nữ ở địa phương (tuổi đời từ 20 - 60) với mức lương từ 3 triệu đến hơn 4 triệu đồng/người/tháng và 40 lao động nữ làm việc thời vụ với tiền công từ 150.000 đến hơn 200.000 đồng/người/tháng. Không dừng lại mô hình cá thể, từ năm 2010, chị bắt đầu liên kết với 10 hộ khác thành lập Hợp tác xã Hùng Thuận nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản nổi tiếng ở Hà Tĩnh.

Chị Thanh cũng chia sẻ: “Đời sống người dân ở vùng cửa biển còn nghèo lắm, vì nghèo mà đã có nhiều người đã phải bỏ xứ đi nơi khác làm thuê cuốc mướn nhưng thu nhập cũng chẳng là bao. Vì vậy, ngay trên chính mảnh đất quê hương này, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình kinh doanh phát triển thủy sản, làm đại lý bao tiêu sản phẩm hải sản tươi sống để tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho người dân địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo. Dù có lời ít đi một chút nhưng thêm nhiều chị em có việc làm, thêm thu nhập ổn định là tôi cảm thấy phấn khởi và hạnh phúc lắm rồi”.

Từ thành công mô hình nuôi ngao Bến Tre của mình, hàng chục năm qua chị Thanh còn vận động, giúp đỡ nhiều bà con ở xã Mai Phụ tận dụng diện tích cồn cát ven biển bỏ hoang, cải tạo lại để cùng nhau nuôi giống ngao Bến Tre, nâng mức thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chị còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ngao cho bà con và hỗ trợ giống, tiền vốn không lấy lãi… Nhờ đó, đến nay nhiều người dân ở Mai Phụ từ chỗ nghèo khó, quanh năm làm thuê cuốc mướn đã vươn lên trở thành những người chủ trang trại nuôi thủy hải sản với thu nhập hàng trăm triệu đồng/mùa ngay trên mảnh đất quê hương.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Vinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mai Phụ cho biết, chị Thanh là một tấm gương điển hình tiên tiến trong đầu tư làm ăn kinh tế giỏi ở địa phương. Sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhiều người từ chỗ nghèo khó, nay có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao, qua đó cải thiện cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo mới của địa phương.


Hiện tượng nghêu chết hàng loạt tại huyện Long Điền: Đã tìm ra nguyên nhân Hiện tượng nghêu chết hàng loạt tại huyện… Tôm thẻ chết hàng loạt Tôm thẻ chết hàng loạt