Mô hình kinh tế Nuôi Rắn Hổ Hèo Ở An Phú (An Giang)

Nuôi Rắn Hổ Hèo Ở An Phú (An Giang)

Publish date Saturday. September 29th, 2012

Nuôi Rắn Hổ Hèo Ở An Phú (An Giang)

Từ loài động vật hoang dã, nhưng với kỹ thuật và kinh nghiệm, những “ông vua rắn” ở đầu nguồn đã thuần dưỡng và nuôi nhân tạo thành công loài rắn có tên trong sách đỏ Việt Nam. Đó là rắn hổ hèo. 
*Vua rắn vùng biên:

Về ấp Sa Tô, xã Khánh Bình của huyện đầu nguồn biên giới An Phú (An Giang) hỏi thăm anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt nuôi rắn hổ hèo thì hầu như ai cũng biết. Có thể nói, mô hình nuôi rắn hổ hèo của anh Việt quy mô nhất An Phú. Từ đây, rắn hổ hèo không chỉ được bán lấy thịt, mà còn cung ứng con giống cho những người nuôi rắn hổ hèo trong và ngoài địa phương. Anh Việt cho biết, năm 2009 bắt đầu thử nghiệm mô hình này, sau thời gian tìm hiểu cách thức nuôi rắn hổ hèo từ các nơi khác. Lúc đó, gia đình mua 20 con rắn về nuôi thương phẩm, sau đó anh mới tìm tòi học hỏi kỹ thuật cho sinh sản và ấp trứng để “tự cung, tự cấp”, không phải đi tìm mua con giống về nuôi. Chỉ qua hơn một năm phát triển, trại rắn của anh Việt đã có hơn 200 con rắn bố mẹ, 300 rắn lứa và nhiều rắn con. Đó là chưa kể số rắn thương phẩm và rắn giống đã bán ra trên 600 con. Thời điểm đó, rắn giống đang khan hiếm, vậy là anh Việt quyết định mở rộng quy mô lên trang trại để vừa cung ứng rắn thịt, đồng thời bán rắn giống cho các hộ nuôi. 
Trại rắn hổ hèo của anh Việt nằm bên dòng sông sát biên giới, bên kia là huyện Ko Thum, tỉnh Kandal (Campuchia). Anh cho biết: Ngay khi bắt đầu nuôi, mình đã nghĩ đến việc nuôi với quy mô trang trại, thay vì nuôi nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình. Khi bắt tay vào nuôi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký Trại gây nuôi sinh sản - nuôi sinh trưởng động vật hoang dã. Nhờ vậy mà việc mua bán, vận chuyển rắn rất thuận lợi bởi đã được giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.

Theo kinh nghiệm của anh, rắn hổ hèo dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh tật, đầu ra lại ổn định, nhất là không lo nguy hiểm vì rắn không có nọc độc. Từ rắn con giống, sau 6 tháng thì trưởng thành có thể ăn được chuột, cóc, ếch (rắn nhỏ chủ yếu ăn nhái con). Khoảng 1 năm tuổi, rắn có trọng lượng từ 1,5 – 1,7 kg sẽ tự phối giống và bắt đầu đẻ, mỗi lứa từ 10 - 20 trứng. Sau khi rắn đẻ xong, người nuôi cho trứng vào thùng (khạp) có đổ cát hoặc đất ẩm để ấp, mặt đậy bằng vải để giữ ấm và hút ẩm.

Khoảng 60 ngày sau, trứng sẽ nở với tỷ lệ khoảng 90%. Rắn hổ hèo mỗi năm đẻ hai lần, vào tháng 2, 3 và giữa năm. Cũng theo anh Việt, hổ hèo tuy dễ nuôi nhưng muốn đạt hiệu quả cao, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật từ việc thiết kế chuồng trại đến chọn con giống và quản lý chăm sóc, cho ăn uống, nhất là phải bảo đảm vệ sinh môi trường. Thức ăn chính của rắn là động vật như ếch, nhái, chuột hoặc các phế phẩm từ gia súc, gia cầm nên rất ít tốn kém; nhưng nếu không được vệ sinh hằng ngày sẽ gây hôi thối, ảnh hưởng đến sự phát triển của rắn. Thấy rắn hổ hèo dễ nuôi, việc đầu tư chuồng trại không tốn nhiều chi phí nên nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến học hỏi. Vậy mà anh Việt không giấu giếm mà sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với bà con về kỹ thuật chăm sóc, phối giống đến ấp trứng và cách thức thiết kế chuồng trại sao cho hợp lý. 
Anh Việt chiết tính, mỗi năm trang trại của anh bán ra thị trường trên 600 rắn con, 400 rắn bố mẹ. Theo đó, giá mỗi con rắn con 250.000 đồng, rắn bố mẹ 1,4 triệu đồng/con, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn lãi trên 600 triệu đồng. Từ mở rộng quy mô trang trại đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương và gia đình anh cũng có điều kiện tham gia đóng góp các hoạt động từ thiện - xã hội ở địa phương. 
*Từ xe ôm trở thành ông chủ:

Xuất thân từ nghề chạy xe ôm, cuộc sống đầy khó khăn vất vả, anh Võ Văn Đỡ (ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú) quyết chí vươn lên, bằng cách nuôi thương phẩm và cho rắn hổ hèo sinh sản nhân tạo... 
Tận dụng phần dưới sàn nhà, anh Đỡ cho xây gạch khép kín chia thành từng gian phòng dùng làm nơi nuôi rắn. Có được cuộc sống ổn định như hôm nay, anh Đỡ đã qua những thất bại để đúc kết kinh nghiệm xương máu. Anh kể: Thất bại từ nghề nuôi cá ao hầm, bao nhiêu vốn liếng tiêu tan, vợ chồng anh phải cầm cố ngân hàng hết 5 công ruộng để có vốn làm ăn.

Làm thêm nghề chạy xe Honda ôm mỗi ngày kiếm thêm 30.000 - 40.000 đồng thì làm sao đủ sống; còn nợ ngân hàng thì cứ tăng lên từng ngày. Nghe nhiều người giới thiệu, anh khăn gói lên tận Tây Ninh tìm mua 20 con rắn hổ hèo về nuôi thử. Sau gần một năm chăm sóc, bán lứa rắn đầu tiên lời trên 7 triệu đồng. Thấy loài rắn này dễ nuôi, mau lớn, lại ít bệnh tật, chi phí thấp và không tốn nhiều diện tích nuôi nên anh giữ lại 13 con để làm giống nuôi tiếp. Thế là hằng ngày anh vừa chạy xe ôm vừa tranh thủ bắt cóc, nhái đem về làm mồi cho rắn. Từ 13 con rắn làm giống, năm sau anh bán có lãi trên 20 triệu đồng. 
Anh cho biết, trước khi mang giống về đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và cất công đi nhiều nơi để hiểu đặc tính sinh sống, sinh sản và kỹ thuật chăm sóc loài rắn này. Để nuôi thành công, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nhất là môi trường phải thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp. Chuồng nuôi có hai cách, chuồng xi măng hoặc chuồng lưới. 
Mở cánh cửa sắt dưới sàn nhà, anh Đỡ dẫn tôi vào xem nơi rắn sinh trưởng. Ở đây mỗi chuồng có kích thước 2 x 3 m, có thể nuôi từ 100 - 150 rắn nhỏ hoặc khoảng 30 rắn lớn. Đáy chuồng lót bằng vỉ tre cho mát và êm để rắn sau khi ăn xong lên nằm. Thức ăn của rắn chủ yếu là ếch, nhái, cóc... Khi rắn còn nhỏ tốt nhất là cho ăn nhái con hoặc bằm thịt cho ăn mỗi ngày 2 lần. Theo kinh nghiệm của anh Đỡ, rắn đực và cái nên nhốt chung một chuồng để chúng giao phối. Nhưng sau một thời gian nuôi phải tách chuồng theo kích cỡ lớn, nhỏ riêng để tránh rắn giành ăn gây thương tích.

Nhất là trong thời kỳ giao phối, rắn đực rất hung dữ nên chúng thường cắn nhau. Nên sắp xếp mỗi chuồng theo tỉ lệ 2 đực/10 cái; riêng rắn con mới nở phải được nhốt riêng. Rắn nuôi sau một năm, chúng sẽ tự phối giống và sau 34 ngày bắt đầu đẻ, mỗi lứa từ 7 - 10 trứng hoặc cao hơn. Sau khi rắn đẻ xong, nên cho tất cả trứng vào một cái lu (thùng xốp) bên dưới có chứa 1 lớp đất để ấp, trên miệng lu (thùng) trải 1 lớp vải mỏng rồi đậy nắp để giữ ấm. Thời gian trứng nở tùy vào thời tiết nhưng thường thì khoảng 75 ngày. Theo kinh nghiệm ấp trứng của anh Đỡ, trứng nở đạt tỷ lệ trên 90%. 
Anh cho biết: Nếu nuôi tốt, khoảng 10 tháng rắn có trọng lượng từ 0,9 - 1,2 kg thì bắt đầu sinh sản. Năm nay ấp trên 1.000 trứng. Rắn con mới nở dài khoảng 25 - 30 cm hiện được bán giá khoảng 300.000 đồng/con. “Ấp bao nhiêu cũng không đủ bán. Mới bỏ trứng vô ấp là có người điện thoại đặt hàng rồi… Nuôi rắn hổ hèo lợi nhuận cao hơn nuôi trăn và các loài động vật hoang dã khác. Rắn thịt hiện bán giá 700.000 đồng/kg, cao điểm trên 1 triệu đồng/kg. Nếu nuôi rắn con, lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều”, anh Đỡ nói. 
Hổ hèo là loài rắn hoang dã, có người còn gọi là hổ trâu, hổ vện, ráo trâu (tên khoa học là Ptyas Mucosus), không có nọc độc nguy hiểm. Rắn hổ hèo có hàm lượng protid và acid amin rất cao, tốt cho sức khỏe. Vì vậy, nhiều người săn tìm ráo riết để lấy thịt hoặc ngâm rượu làm thuốc. Nổi tiếng nhất là ngũ xà tửu, gồm: Hổ đất, hổ hèo, hổ hành, hổ lửa, mái gầm.


Trồng Ổi Xá Lỵ Cho Thu Nhập Cao Ở Trung An (Củ Chi, TPHCM) Trồng Ổi Xá Lỵ Cho Thu Nhập Cao… Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Tại Xã Đức Lạng Ở Hà Tĩnh Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Tại Xã…