Nuôi Thủy Sản Trên Vùng Đất Phèn
Cùng với hành trình khai hoang, cải hóa Đồng Tháp Mười, vùng đất nhiễm phèn nặng dần dần được chuyển hóa tạo điều kiện cho nhiều loài thủy sản có điều kiện sinh sống và phát triển.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, khi thành lập huyện, trên địa bàn đã có nuôi một số loài thủy sản nhưng diện tích không lớn, chỉ vài ha và chủ yếu nuôi với quy mô nhỏ lẻ để dùng làm thức ăn cho gia đình, khi dùng không hết mới mang đi bán.
Do lúc bấy giờ nguồn nước nhiễm phèn nặng nên những loài thủy sản có thể sống và phát triển trên vùng đất này không nhiều, hiệu quả nuôi không cao, chủ yếu nuôi tập trung ở những vùng nước ngọt như xã Tân Hòa Thành, Tân Hòa Tây, Phước Lập…
Theo thời gian, hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn thiện dần, nguồn nước được tháo chua, rửa phèn qua nhiều năm đã giúp cải hóa đáng kể vùng Đồng Tháp Mười. Từ đó, người dân đưa các loài thủy sản về đây nuôi ngày càng nhiều. Điều kiện sinh sống tốt hơn so với trước đã giúp cho các loài thủy sản (chủ yếu cá) phát triển nhanh. Nhờ vậy mà diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng mở rộng.
Theo thống kê, năm 2001, toàn huyện chỉ có 46 ha nuôi thủy sản thì đến năm 2005 tăng lên 70 ha. Trong đó có những vùng nổi tiếng nhiễm phèn nặng vào những ngày đầu thành lập huyện như ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, giờ đã bắt đầu xuất hiện các mô hình nuôi thủy sản.
Đặc biệt, từ vùng đất nhiễm phèn nặng như ở các xã: Thạnh Tân, Thạnh Hòa, sau thời gian đầu tư thủy lợi tiêu thoát phèn đến nay trở thành nơi mà hoạt động sản xuất cá giống mạnh nhất trên địa bàn huyện.
Để hỗ trợ cho thủy sản phát triển vững chắc trên vùng đất phèn, các ngành chức năng huyện tiến hành tổ chức các hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng mô hình trình diễn và dạy nghề nuôi thủy sản cho nông dân, nhằm trang bị cho người dân kiến thức về nuôi thủy sản (từng loài) trong điều kiện tự nhiên khó khăn, đất nhiễm phèn nặng, áp dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập người dân.
Đơn cử như năm 2009, huyện triển khai mô hình nuôi cá trong mương khóm tại ấp Tân Hòa, xã Tân Lập 2 trên diện tích 800 m2 với các loại cá thả như cá tra, rô phi, sặc rằn, cá mùi. Kết quả sau 10 tháng nuôi, mô hình cho lợi nhuận trên 22 triệu đồng.
Ngoài điểm trình diễn, vào thời điểm trên có khoảng 10 hộ trong vùng thực hiện mô hình muôi cá trong mương khóm. Theo Phòng NN&PTNT, mô hình triển khai nhằm tận dụng diện tích mặt nước trong mương khóm để nuôi cá góp phần cung cấp thêm thức ăn và thu nhập cho nông dân trồng khóm.
Từ kết quả thu được, ngành Nông nghiệp huyện cho rằng, một số loài cá như sặc rằn, cá rô phi đồng… thích nghi và tăng trưởng tốt trong mương khóm trên vùng đất phèn. Sau đó, huyện tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, chuyên đề về kỹ thuật nuôi cá trong mương khóm ở các xã Thạnh Hòa, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Tân Lập 2, Hưng Thạnh, Phước Lập với hàng trăm nông dân tham gia; thực hiện các điểm trình diễn, mở các lớp dạy nghề về kỹ thuật nuôi cá trong mương khóm cho nông dân để về áp dụng, nhân rộng mô hình.
Thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, nguồn nước nhiễm phèn giảm dần qua từng năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loài thủy sản thích nghi và tăng trưởng, phát triển hơn trên vùng đất này.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, đến nay toàn huyện phát triển diện tích nuôi thủy sản lên đến 173 ha, sản lượng ước tính 370 tấn; sản lượng đánh bắt nội địa 60 tấn. Trong đó, có 5 cơ sở nuôi cá giống (1 cơ sở nuôi cá điêu hồng, 4 cơ sở nuôi cá tra) với 50 ha; các diện tích nuôi còn lại chủ yếu là các loại cá đồng theo hình thức nuôi gia đình, nhỏ lẻ.
Ngoài ra, vào mùa lũ, trên địa bàn huyện còn xuất hiện mô hình nuôi cá lóc lồng mùa lũ với từ 50 - 150 lồng tùy theo lũ lớn hay nhỏ. Những hình thức nuôi thủy sản trên đã góp phần cải thiện thu nhập, cải thiện bữa ăn của người dân.
Cũng theo chị Tuyền, việc các loại thủy sản phát triển được trên vùng đất phèn cho thấy mức độ nhiễm phèn của vùng đất này được cải hóa đáng kể. Dù vậy, việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản ở lòng chảo Đồng Tháp Mười cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Thuận lợi là nguồn nước chưa bị nhiễm bệnh, tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên, của các loại cây trồng khác; tạo việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện thu nhập cho người dân. Còn khó khăn là do nguồn nước còn nhiễm phèn cao nên chi phí cải tạo ao nuôi cao; tỷ lệ con giống hao hụt nhiều, nhất là vào mùa mưa; giao thông đi lại chưa thuận lợi gây không ít khó khăn cho việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch cung cấp cho các mối lái và dễ bị thương lái ép giá.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao