Tôm càng xanh Nuôi Tôm Càng Xanh Nước Ngọt Ở Ấn Ðộ

Nuôi Tôm Càng Xanh Nước Ngọt Ở Ấn Ðộ

Publish date Saturday. July 6th, 2013

Nuôi Tôm Càng Xanh Nước Ngọt Ở Ấn Ðộ

Tôm càng nước ngọt  Macrobrachium rosenbergii là đối tượng nuôi ngày càng được chú ý hơn do tốc độ tăng trưởng cao, khả năng chịu đựng tốt và đòi hỏi dinh dưỡng về prôtêin rất thấp.

ở ấn Ðộ hiện nay, nuôi tôm càng nước ngọt (TCNN) đã có vị trí nhất định trong nuôi trồng thủy sản, sản xuất có lãi và là một nguồn thu ngoại tệ. Khi dân số tăng và nhu cầu thực phẩm ngày càng cao, nhiều người bắt đầu nuôi TCNN nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Vài năm gần đây, nuôi TCNN ở ấn Ðộ mới được quan tâm phát triển. Sau cơn bộc phát bệnh đốm trắng trong nuôi tôm biển và sự xuất hiện các biện pháp quản lý cải tiến mang lại năng suất cao hơn, ngày càng có nhiều nông dân bắt đầu triển khai nuôi loài tôm này. Tuy nhiên, mặc dù có công nghệ nuôi tiên tiến đạt năng suất cao nhưng hầu hết trại nuôi TCNN ở ấn Ðộ vẫn sử dụng hệ thống nuôi quảng canh. Bài viết này giới thiệu một số hướng dẫn giúp người nuôi tôm tăng sản lượng tôm và hiệu quả bền vững của trại nuôi.

Thu thập giống

ở ấn Ðộ hiện có 2 nguồn giống TCNN : một là giống tự nhiên từ hạ lưu sông và các vùng nước lợ, hai là nguồn giống sản xuất từ trại giống. Tuy nhiên, nguồn giống tự nhiên thường của nhiều loài khác nhau và ở những giai đoạn phát triển khác nhau nên khi thu hoạch, cỡ tôm thường không đồng đều và không đạt cỡ thương phẩm phù hợp.

Do vậy, người nuôi tôm cần tách riêng loài có thể nuôi khỏi các loài tôm khác và cần thả giống của loài định nuôi với cỡ bằng nhau hoặc gần bằng nhau. Ðể khắc phục những vấn đề trên, nên sử dụng nguồn giống sản xuất tại trại giống. So với tôm giống lấy từ tự nhiên, tôm giống sản xuất trong trại giống có tỷ lệ sống, khả năng kháng bệnh và sức chống chịu tốt hơn với môi trường.

Nếu có thể, trước khi thả nên thử nghiệm khả năng kháng bệnh của tôm giống. Hiện một số trại giống có thể cung cấp giống sạch bằng cách sử dụng kỹ thuật chẩn đoán phân tử tiên tiến như PCR, ELISA và Latex. Giống được thuần hoá 2-3 ngày trước khi thả vào ao để giúp chúng thích nghi với điều kiện nuôi.

Nuôi lớn

TCNN chủ yếu được nuôi lớn trong ao đất có diện tích từ 500m2 đến 1 ha, độ sâu trung bình 1-1,5m. Thả PL 1-20 và tôm non cỡ 1-2g là phù hợp nhất. Mật độ thả ấu trùng tôm và tôm non phụ thuộc vào cỡ thương phẩm mong muốn và thiết bị tại trại nuôi. Nói chung, cỡ thương phẩm vào thời điểm thu hoạch giảm khi tăng mật độ thả giống. Nên thả tôm giống với mật độ khoảng 5 10/m2 để đạt cỡ phù hợp khi thu hoạch. Khi cỡ ấu trùng tôm lớn hơn, cần tạo nơi trú ẩn bằng cách thả các mảnh ngói vỡ, ống PVC hoặc tảng đất xuống đáy ao nhằm giảm hiện tượng ăn thịt lẫn nhau của chúng trong ao nuôi.

Thức ăn và cách cho ăn trong ao nuôi lớn

Quản lý thức ăn mang tính quyết định để đạt hiệu quả trong nuôi TCNN. Là động vật ăn tạp hoặc thích ăn động vật hơn nên để đạt được tỷ lệ tăng trưởng hợp lý và năng suất cao, chế độ ăn của TCNN cần bao gồm cá tạp, vẹm hoặc thịt nghêu, giun nhỏ, ấu trùng côn trùng và nhuyễn thể nhỏ (cần lưu ý là việc sử dụng các loài giáp xác khác làm thức ăn thường có nguy cơ lây lan bệnh cao).

Bên cạnh đó, có thể sử dụng thức ăn bổ sung làm từ bánh dầu lạc, dầu đậu nành, cám gạo, bột mì, bột cá, trứng bổ sung thêm vitamin và chất khoáng để tăng năng suất. Sử dụng thức ăn dạng viên ướt với lượng phù hợp để cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho tôm. Xác định tỷ lệ cho ăn dựa vào cỡ và số lượng tôm, chỉ số về chất lượng nước cũng như đặc tính thức ăn. Nên sử dụng các khay kiểm tra việc cho tôm ăn.

Cho ăn bằng khay là phương pháp cho ăn tốt nhất, do không có thức ăn thừa và không làm ô nhiễm môi trường nước. Cũng có thể rải đều thức ăn khắp ao nhưng chỉ nên tại vùng gần bờ ao hoặc tại một số địa điểm nhất định. Nên cho ăn vào buổi sáng và buổi tối do ban ngày tỷ lệ trao đổi chất và các hoạt động khác của tôm giảm.

Quản lý nước

Các chỉ số về chất lượng nước là yếu tố sống còn trong nuôi TCNN. Chất lượng nước thay đổi trên cơ sở mật độ thả giống, tỷ lệ cho ăn và việc thay nước. Thiếu ôxy là hiểm hoạ phổ biến nhất tại các trại nuôi tôm, do có nhiều chất hữu cơ, cho ăn quá nhiều, và hiện tượng tảo nở hoa. Có thể tăng lượng ôxy bằng cách sử dụng máy sục khí hoặc thay nước. Các chỉ số tối ưu của nước trong ao nuôi tôm như sau: pH : 7,5-8,5; nhiệt độ 29-31oC; độ cứng 100-150mg/l theo CaC03; độ kiềm > 50ppm; ammonia 0,1ppm; CaC03 > 40ppm; ôxy hoà tan 4ppm.

Tỷ lệ tăng trưởng của tôm giảm khi độ cứng của nước cao. Không nên bón phân chuồng và phân hữu cơ, dễ làm cho nước ao bị thiếu ôxy khi vi khuẩn phân huỷ chất hữu cơ dư thừa. Cần thay nước với tỷ lệ và vào thời điểm thích hợp để duy trì chất lượng nước.

Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh

Các tác nhân như vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng, chất độc và các yếu tố bất lợi khác có thể gây bệnh cho tôm và làm cho toàn bộ hệ thống nuôi tôm ngừng hoạt động. Do vậy, cần quan tâm đến việc chẩn đoán, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh. Cần kiểm tra bệnh cho con giống trước khi thả. Cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng những triệu chứng hoặc dấu hiệu bất kỳ nào khi xảy ra bệnh. Ðiều này giúp đảm bảo thả con giống có chất lượng, giảm nguy cơ dịch bệnh tại trại nuôi.

Nói chung, môi trường bất lợi như lượng ôxy hoà tan thấp, nhiệt độ luôn biến động, pH hoặc độ cứng của nước cao có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm và làm giảm năng suất. Ðể kiểm soát và làm giảm bộc phát dịch bệnh do vi khuẩn gây ra, người nuôi cần duy trì chỉ số chất lượng nước trong phạm vi cho phép, có cách cho ăn hợp lý, đảm bảo các yếu tố môi trường khác và thả giống với mật độ phù hợp.

Nhiều bệnh trong hệ thống nuôi TCNN do virut gây ra. Hiện chưa có thuốc hay vacxin nào điều trị hiệu quả những bệnh này, do virut không nhạy cảm với kháng sinh. Tuy nhiên, có thể giảm và tránh lây lan bệnh do virut gây ra bằng cách quản lý tốt nhằm duy trì chất lượng nước, quản lý thức ăn và chăm sóc sức khoẻ tôm một cách phù hợp.

Thu hoạch và xử lý tôm sau thu hoạch

Thu hoạch tôm là thời điểm quan trọng quyết định thành công trong nuôi TCNN. Cần kiểm tra vỏ tôm để giảm thu hoạch tôm bấy. Thời điểm thu hoạch tốt nhất là buổi sáng hoặc buổi tối do cường độ ánh sáng mặt trời lúc ban ngày có thể là tác nhân gây lột xác, dẫn đến tỷ lệ tôm bấy cao. Tốt hơn là chỉ nên thu hoạch tôm đạt cỡ thương phẩm, thả lại tôm nhỏ hơn để nuôi tiếp đến khi đạt cỡ thương phẩm. Bằng cách thu tỉa này, mật độ tôm giảm và do vậy, nâng cao tỷ lệ tăng trưởng của tôm còn lại trong ao.

Sau thu hoạch, rửa sạch tôm bằng nước sạch để loại bỏ chất bẩn và tạp chất khác. Trước khi bán hay chuyển tôm đến nhà máy chế biến, cần ướp lạnh tôm nhằm giảm sự phá huỷ của vi khuẩn, sự tự phân huỷ làm ươn hỏng. Nước đá dùng ướp lạnh tôm phải làm từ nước sạch. Tốt nhất nên ướp lạnh tôm bằng nước đá theo tỷ lệ khối lượng 1:1. Có thể sử dụng đá vảy để ướp lạnh tôm vì loại nước đá này mềm và không gây thương tổn tôm so với sử dụng đá cây đập nhỏ.

Với nguồn nước ngọt và nước lợ dồi dào, ấn Ðộ có tiềm năng to lớn phát triển nuôi TCNN. Hạn chế hiện nay là thiếu nguồn cung cấp giống có chất lượng, sử dụng phương thức nuôi quảng canh và người nuôi thiếu kiến thức về quản lý tốt. Nếu quản lý chất lượng nước và trại nuôi hợp lý, quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ tôm thì TCNN có thể trở thành nguồn thực phẩm và nguồn thu nhập chính cho người dân vùng nông thôn. Những hướng dẫn trên đây có thể sẽ giúp ích cho người nuôi nâng cao sản lượng và duy trì tính bền vững của trại nuôi TCNN.


Nuôi Giữ Tôm Càng Xanh Qua Đông Nuôi Giữ Tôm Càng Xanh Qua Đông Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Hồ Tây Nuôi Tôm Càng Xanh Ở Hồ Tây