Nuôi tôm càng xanh trong ao đất, ít hao hụt, lợi nhuận cao
Tình hình dịch bệnh, thời tiết bất thường, giá cả bấp bênh… khiến nghề nuôi thủy sản những năm gần đây gặp khó khăn. Nhiều nông dân đã tìm cách chuyển đổi sản xuất. Bên cạnh nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, thì tôm càng xanh đã cho thấy hiệu quả, được nhiều hộ chọn nuôi, do ít dịch bệnh và hiệu quả ổn định.
Nuôi tôm càng xanh trong ao đất lợi nhuận cao.
Ông Ngô Công Văn ở xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, nuôi 2 ha tôm càng xanh vào năm 2017. Đây là đối tượng nuôi thích nghi với điều kiện sinh thái, khí hậu tại địa bàn, có thị trường tiêu thụ ổn định, nên với khoảng 300.000 con giống thả nuôi, ông thu được hơn 550 kg tôm thương phẩm, trừ chi phí còn lời hơn 80 triệu đồng. Ông Văn so sánh với tôm sú hoặc tôm thẻ, thì nuôi luân canh tôm càng xanh với trồng lúa sẽ có lợi hơn, dù giá con giống tôm càng xanh cao gấp 2 – 3 lần tôm thẻ, nhưng với mật độ thả 2 – 15 con/m2, tỉ lệ hao hụt con giống ít, ít tốn tiền thức ăn hơn, nên giá thành sản xuất thấp hơn. Ông Đỗ Minh Việt ở xã Ngọc Đông, cho biết: “Tỉ lệ thành công của tôm càng xanh khoảng 70%, cho tôm ăn khoai lang, khoai mì, dừa, ốc bươu vàng… nên ít tốn chi phí, tôm lại mau lớn. Hiện ở xã Ngọc Đông, bà con nuôi ghép tôm càng xanh với tôm thẻ hay nuôi trong ruộng lúa cho hiệu quả khá cao”.
Theo ông Văn và bà con chia sẻ, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao nên chọn tôm giống toàn đực, có con giống tốt sẽ mau lớn và ít hao hụt. Ông Triệu Ngọc Hơn, Phó Trại Ứng dụng Thực nghiệm Trung tâm Giống vật nuôi Sóc Trăng, cho biết: “Để chọn giống tôm càng xanh khỏe, thả nuôi đạt chất lượng thì bà con nên dựa vào các yếu tố cảm quan, như cho tôm giống vào thau nước rồi xoáy mạnh, con giống không bị cuốn vào giữa thau là con giống tốt và mạnh, nên chọn tôm có độ đồng đều cao; không nên chọn những con tôm giống có dấu chấm đục từ phần đuôi lên nửa phần than vì con giống này không đạt yêu cầu, có thể cho tôm sốc nhiệt độ hay độ mặn từ 7 – 10 phần ngàn trong khoảng 15-30 phút mà tôm không hao hụt thì đây là đàn tôm tốt”.
Để nuôi tôm càng xanh bằng giống nhân tạo đạt tỉ lệ sống và thành công cao cần ương tôm theo phương pháp nuôi tôm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 trong ao ương khoảng 3 – 4 tháng để tôm đạt 100 – 150 gram/con, sau đó san tôm qua ruộng hoặc ao lớn tiếp tục giai đoạn 2 nuôi xen với lúa hoặc với các đối tượng khác.
Ao ương, ruộng nuôi tôm sú được cải tạo từ đầu vụ, ao ương tôm càng xanh được cải tạo trước (thông thường khoảng tháng 5 – 6 dương lịch), có thể sử dụng ao ương tôm sú cải tạo lại để ương tôm càng xanh chuẩn bị nguồn tôm lóng cho vụ nuôi tôm càng trên ruộng lúa.
Quy trình cải tạo được thực hiện như sau: Ao mới đào nên ngâm rửa nhiều lần, bón lót vôi từ 50 – 100kg tùy theo độ pH, phơi đất. Ao cũ thì sên vét bùn ao mương, sửa cống, bọng, đầm nén bờ, tránh rò rỉ nước.
Lưu ý sau khi thu hoạch lúa, dọn sạch gốc rạ cho nước vào ngâm cho rạ mục rồi bơm cạn, phơi ruộng đến nức chân chim thì bón lót vôi. Chú ý: Rải vôi lúc đất còn ẩm, rải lúc sáng sớm khi ít gió. Bón nhiều vôi ở nơi còn ngập nước. Ruộng nhiều phèn thì không phơi ao quá khô. Chú ý diệt ốc, tôm, tép tạp trong lúc cải tạo phơi ao. Ao ương cần được cải tạo kỹ càng hơn.
Ở giai đoạn 1, nuôi tôm càng xanh trong ao ương, ông Triệu Ngọc Hơn, Phó Trại Ứng dụng Thực nghiệm Trung tâm Giống vật nuôi Sóc Trăng, lưu ý: “Bà con nên chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, tôm đạt chất lượng, khích cỡ đồng đều, màu sắc con giống phải sáng bóng, tôm hoạt động nhanh nhẹn. Sau khi thả cho ăn với liều lượng 100.000 con/1kg thức ăn và cho ăn từ 3 đến 4 lần/ngày. Nên tập trung vào cử ban đên từ 20 giờ đến 21 giờ. Sau khi thả nuôi từ 2 tháng đến 2 tháng rưỡi nên chài hoặc kéo lên kiểm tra tôm để sang ao hoặc bẻ càng giúp tôm tăng trọng lượng. Trong qúa trình nuôi cần bổ sung thêm một số Vitamim và khoáng chất cho tôm 1 tuần từ 2 đến 3 lần”.
Ở giai đoạn 2, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa hoặc trong ao lớn: Ao nuôi chính hoặc ruộng lúa trước khi san tôm càng xanh qua cần được cải tạo trước, các bước làm cần thiết là rút cạn nước, bừa bề trảng cho phẳng, bắt hết tôm cá còn sót lại; bón vôi đáy mương từ 10 – 15kg/1000m2; rào lưới xung quanh ruộng, chiều cao mặt lưới khoảng 0,5 – 0,7 m để ngăn địch hại khu vực xung quanh xâm nhập vào.
Diện tích mương bao xung quanh ruộng phải rộng 3 – 4m, độ sâu mương phù hợp (0,8 – 1 m) cho tôm sống và trú ẩn khi bà con rút nước bón phân cho lúa, hoặc thời điểm rút nước để thu hoạch lúa.
Dâng nước bằng mặt ruộng, không để nước quá cao sẽ ngập lúa, nước dưới mương đạt 0,7m trở lên thì tiến hành xử lý, bón vôi cho nước có độ trong và tảo phát triển thì tiến hành san tôm qua ruộng. Mật độ thả 2 – 3 con/m2.
Giai đoạn đầu mới thả cho tôm ăn như trong ao ương, riêng trong ruộng lúa thì giai đoạn sau dâng nước lên theo chiều cao của lúa để tôm càng lên ruộng tìm thức ăn tự nhiên. Cần thăm đồng, thăm ao thường xuyên, kiểm tra tôm thường xuyên để việc chăm sóc kịp thời. Sau những cơn mưa lớn cần kiểm tra pH nước, nếu pH thấp cần phải bón thêm vôi để tránh tôm bị nổi đầu, tắp mé, nhất là những cơn mưa đêm.
Có thể đánh giá sức khỏe tôm dựa vào các dấu hiệu sau:
Đặc điểm cần quan sát, theo dõi | Tôm khỏe | Tôm không khỏe |
Cơ thể | Sáng bóng, vỏ chắc khỏe, nguyên vẹn | Sậm màu hoặc xanh nước biển, vỏ có vật bẩn bám, phụ bộ bị ăn mòn |
Mang | Trắng, sạch | Vàng nâu, đen hoặc bị đỏ |
Đường ruột | To, đầy thức ăn | Mỏng, đường thức ăn đứt đoạn |
Hoạt động | Búng nhanh khi nhấc sàn | Nổi đầu, tấp mé sau những cơn mưa, vào lúc sáng sớm |
Sức ăn | Tăng đều mỗi ngày | Giảm đi |
Tôm nuôi trên ruộng hoặc trong ao lớn thêm 3 tháng nữa đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch./.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao