Tin thủy sản Nuôi tôm công nghệ cao - Hướng đi mới trước thách thức biến đổi khí hậu

Nuôi tôm công nghệ cao - Hướng đi mới trước thách thức biến đổi khí hậu

Author Nguyên Anh, publish date Friday. December 18th, 2020

Nuôi tôm công nghệ cao - Hướng đi mới trước thách thức biến đổi khí hậu

Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng bạt lót dưới đáy ao giúp dễ dàng dọn sạch chất thải đáy ao đảm bảo tôm có môi trường sống sạch.

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP. Mô hình này không chỉ giúp người nông dân quản lý được thức ăn, tỉ lệ sống của tôm từng giai đoạn mà còn giúp quản lý dịch bệnh và các yếu tố môi trường đồng thời giảm ảnh hưởng xấu cho môi trường.

Phát huy thế mạnh nuôi tôm nước lợ

Kiên Giang là tỉnh có điều kiện tốt để phát triển ngành thủy sản đa dạng, nhất là nuôi tôm nước lợ. Đây là thế mạnh của tỉnh cần đầu tư phát triển. Hơn nữa do biến đổi khí hậu cần chuyển đổi đối tượng, hình thức nuôi thích ứng với tình hình trong đó nuôi tôm là phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thuận và chính quyền địa phương triển khai thực hiện “Đề án ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP tại tỉnh Kiên Giang” trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận để làm điểm trình diễn và định hướng nhân rộng mô hình, với diện tích 0,4ha.

Mục tiêu của đề án này nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng hiện có của địa phương, từng bước cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh, giảm rủi ro, hạn chế dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời góp phần thực hiện hoàn thành chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp đến năm 2020 của tỉnh.

Giai đoạn 1, ươm tôm thẻ chân trắng giống khoảng 25 ngày trong ao đáy có lót bạt. Giai đoạn 2 tôm nuôi trong ao lót bạt trên có mái che một nửa diện tích ao khoảng 60 - 65 ngày. Việc xây dựng ao nuôi theo từng giai đoạn sẽ giúp kiểm soát được các thông số kỹ thuật cũng như tỉ lệ sống và giảm rủi ro, kiểm soát chi phí sản xuất. Năng suất tôm đạt từ 30 tấn/ha/vụ, tỉ lệ sống trên 85%.

Anh Nguyễn Văn Mộng, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tham gia mô hình chia sẻ: “Tôi mới làm lần đầu nên nên cũng có chút lo ngại vì chưa nắm rõ kỹ thuật. Nhưng được sự hỗ trợ của nhà nước, khi làm rồi tôi thấy mô hình này thực sự có hiệu quả cao. Rút được kinh nghiệm là mình phải quản lý từ đầu, con giống phải sạch bệnh, nguồn nước phải được xử lý”.

Riêng huyện Vĩnh Thuận, năm 2020, diện tích tôm thả nuôi toàn huyện trên 26.000ha, tăng 440ha. Thời gian gần đây người dân dần chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, gia tăng mật độ nuôi, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trong ao, hồ lót bạt đang phát triển rất tốt.

Nâng cao giá trị con tôm

Các hộ nuôi tôm tham gia mô hình được hỗ trợ số tiền 40.000.000 đồng, trong đó hỗ trợ chi phí con giống 20 triệu đồng và 20 triệu đồng hỗ trợ chi phí thức ăn. Ông Ngô Văn Út - Phó trưởng phòng khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang - cho biết: “Mô hình này tại địa phương đang được thực hiện rất tốt và mang lại hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, để áp dụng mô hình này, chi phí đầu tư trang thiết bị máy móc hơi cao nên nông dân còn e dè. Khả năng nhân rộng mô hình này tương đối tốt ở xã Vĩnh Phong của huyện Vĩnh Thuận, vì xã này có quy hoạch mấy trăm hécta để nuôi tôm công nghiệp”.

Ông Út cho biết thêm, chính vì hiệu quả cao nên người dân nhân rộng rất nhiều. Hiện mô hình này được người dân các huyện Kiên Lương, Hà Tiên, Giang Thành, Hòn Đất cũng triển khai thực hiện và có kết quả tốt. Mô hình này giảm nhiều rủi ro, nâng cao tỉ lệ thành công của vụ nuôi. Nếu khai thác tốt sẽ giúp tăng năng suất tôm và tăng số vụ nuôi/năm, góp phần phát triển nuôi tôm bền vững.

Theo ông Út, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP không chỉ giúp tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn mở rộng các thị trường xuất khẩu.


Kết hợp Nano thế hệ mới để hấp thụ độc tố thức ăn thủy sản Kết hợp Nano thế hệ mới để hấp… Ấn Độ chống biến đổi khí hậu bằng rong biển Ấn Độ chống biến đổi khí hậu bằng…