Mô hình kinh tế Nuôi Tôm Hiệu Quả Nhờ Áp Dụng Cách Làm Mới

Nuôi Tôm Hiệu Quả Nhờ Áp Dụng Cách Làm Mới

Publish date Sunday. September 29th, 2013

Nuôi Tôm Hiệu Quả Nhờ Áp Dụng Cách Làm Mới

Trong khi rất nhiều hộ nuôi tôm ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung lao đao vì dịch bệnh thì ông Nguyễn Hải (SN 1943, ở khu phố 6, phường Phú Đông) đã mạnh dạn có những bước đi mới trong việc thay đổi kỹ thuật nuôi, trở thành một trong những nông dân làm giàu từ vật nuôi này.

MẠNH DẠN XEN CANH TÔM, CÁ

Nhà có đến 11 người con, ông Nguyễn Hải đến với nghề nuôi tôm khi gia đình còn nghèo khó, các con còn nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, phần vì chưa nắm bắt được quy trình nuôi, phần thì thiếu kinh nghiệm nên lãi thu được từ việc nuôi tôm không nhiều. Khi thuận lợi hơn trong việc nắm bắt kỹ thuật, quy trình nuôi tôm thì môi trường nước khu vực phường Phú Đông bắt đầu bị ô nhiễm khiến nghề nuôi tôm ở đây bị ảnh hưởng, dịch bệnh ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, giá tôm biến động mạnh khiến những người nuôi tôm ngày càng khó khăn, lãi thu được bị sụt giảm nghiêm trọng; có nhiều vụ bị mất trắng. Năm 1993, gia đình ông Hải lao đao vì lỗ hơn 100 triệu đồng. Sau nhiều trăn trở, ông Hải quyết định thử những cách làm mới mà trước đó, ở phường Phú Đông chưa ai làm.

Từ năm 2007, được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, ông Hải đã mạnh dạn nuôi xen canh một số loại cá nước lợ vào ao nuôi tôm. Ông chia sẻ: “Khi môi trường bị ô nhiễm mà mình vẫn cứ giữ cách làm cũ sẽ khiến cho việc nuôi tôm không phát triển.

Phần vì trước đó gia đình tôi đã thua lỗ nhiều nên tôi muốn áp dụng cách nuôi an toàn hơn. Là người nuôi thử nghiệm xen cá nước lợ vào tôm đầu tiên trong vùng nên lúc đầu tôi chỉ dám nuôi ở 1 hồ nhỏ. Sau thấy hiệu quả, tôi nhân rộng ở các hồ còn lại. Đến giờ, tôi vẫn duy trì cách làm này và thấy tôm phát triển rất ổn định”.

Không chỉ ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, ông Hải còn chú trọng đến việc bảo vệ, cải tạo vùng nuôi; bắt điện 3 pha để cung cấp cho các quạt nước hoạt động, làm mát và cung cấp ôxy cho ao nuôi; xây dựng bài bản các khu trang trại; nuôi trồng theo quy trình khoa học. Chính sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng đã giúp ông Hải thành công trong nghề nuôi tôm.

Ông Hải cho biết, mặc dù thấy gia đình ông áp dụng thành công kỹ thuật mới nhưng nhiều hộ nuôi tôm ở phường Phú Đông vẫn e dè, chưa dám thử cách làm này. Đa số họ nghĩ rằng khi nuôi cá xen tôm sẽ khiến số lượng tôm bị hao hụt và con tôm vốn cần một môi trường sống trong lành sẽ rất khó phát triển cùng các vật nuôi khác.

Tuy nhiên, qua thực tế nuôi tôm trong 5 năm trở lại đây, ông Hải chia sẻ: “Cá là loài ăn tạp, chủ yếu ăn mùn bã hữu cơ và động vật phù du nên khả năng thanh lọc môi trường nước rất tốt, giúp môi trường trong sạch để tôm phát triển khỏe mạnh. Ban đầu, tôi cũng gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng trong quá trình thực hiện, tôi cố gắng tìm hiểu, hoàn thiện dần quy trình sản xuất. Tôi nhận thấy tôm bị hao hụt ở mức thông thường mà dịch bệnh lại không thường xuyên xảy ra”.

HIỆU QUẢ LUÔN ỔN ĐỊNH

Đến thời điểm này, gia đình ông Hải là một trong những hộ nuôi tôm thành công nhất ở phường Phú Đông. Hiện tại, gia đình ông sở hữu một vùng nuôi rộng hơn 15.000m2 với 5 hồ chuyên nuôi tôm và 1 hồ nhỏ hơn nuôi cá rô phi, diêu hồng giống. Ông thuê 7 người làm với mức lương 3,5 triệu đồng/người/tháng hoặc có thể chia theo tỉ lệ 80/20, nghĩa là, sau khi thu hoạch tôm, trừ mọi chi phí, ông Hải được 80% lợi nhuận còn người làm được 20%.

Ông Hải cho biết, từ khi nuôi xen canh cá rô phi, cá diêu hồng với tôm thẻ chân trắng, dịch bệnh trên đàn tôm ở các ao nuôi đã giảm hẳn. Nếu như nhiều người nuôi tôm ở phường Phú Đông có tỉ lệ thành công chỉ 30 đến 50% thì tỉ lệ này ở các ao nuôi của ông Hải lên đến 85%.

Đặc biệt năm 2011, có lúc ao tôm 5.000m2 cá xen tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Hải cho sản lượng 12 tấn tôm thẻ chân trắng/vụ. Hiện giờ, sản lượng này vẫn chưa có hộ nuôi nào ở phường Phú Đông vượt qua. Bên cạnh tôm là vật nuôi chính, cá chỉ là vật nuôi phụ nhưng vẫn mang lại một khoản thu nhập đáng kể.

Hiện tại, giá cá diêu hồng 80.000 đồng/kg và cá rô phi 50.000 đồng/kg, đã cho gia đình ông Hải khoản thu nhập phụ vài ba chục triệu đồng/vụ. Riêng con tôm, mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí ông Hải thu lãi được hơn 2,5 tỉ đồng. Ông đã tạo dựng cơ ngơi vững vàng cho gia đình và các con với cuộc sống sung túc, tạo điều kiện cho các cháu được học hành đến nơi đến chốn. Hiện giờ, ông Hải chỉ quản lý chung, mọi công việc liên quan đến nuôi tôm đều có người làm đảm nhận.

Năm 2013, ông Nguyễn Hải vinh dự được UBND tỉnh tặng danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi. Với suy nghĩ rất nông dân, ông chia sẻ: “Bên cạnh sự cần mẫn, cần phải dám ứng dụng những cái mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc nuôi tôm đối với gia đình tôi đến nay có thể tạm gọi là thành công, nên tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm để những người khác cũng có thể áp dụng theo và làm ăn ngày một khấm khá hơn”.


Vượt Khó Khăn, Chuyển Hướng Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Vượt Khó Khăn, Chuyển Hướng Phát Triển Nuôi… 8 Tháng Thu Hoạch Gần 20 Nghìn Tấn Nghêu 8 Tháng Thu Hoạch Gần 20 Nghìn Tấn…