Tôm thẻ chân trắng Nuôi Tôm Theo Công Nghệ Sinh Học

Nuôi Tôm Theo Công Nghệ Sinh Học

Publish date Sunday. April 27th, 2014

Nuôi Tôm Theo Công Nghệ Sinh Học

Trong vài năm gần đây, môi trường nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm, bệnh tôm lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, yêu cầu của thị trường thế giới về chất lượng tôm, về sản phẩm sạch không chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh ngày càng khắt khe.

Nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi tôm để tăng thu nhập. Trước tình hình đó, Hội Nghề cá Phú Yên đã xây dựng mô hình nuôi tôm theo cơ chế lọc sinh học: Tôm sú + cá rô phi + phân trùn (giun), sử dụng thức ăn bổ sung “trùn thịt sấy khô” đạt hiệu quả cao.

Mô hình nuôi tôm sú sinh học được thực hiện tại hồ tôm của ông Huỳnh Xuân Sỹ ở xã An Chấn (huyện Tuy An), trên diện tích 2.000 m2. Khi tôm được 1 tháng tuổi, ông thả cá rô phi để làm sạch môi trường ao nuôi, mật độ thả: 1 con/m2, cỡ cá: 1-2 cm/con.

Để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi, ông Sỹ cho tôm ăn thức ăn với trùn thịt sấy khô, ngày cho ăn 1 lần vào buổi chiều. Liều lượng và cách làm: Trùn thịt: 3 gam/kg thức ăn, chuối (đã lột vỏ): 50 gam/kg thức ăn, một ít nước vừa đủ, xay đều bằng máy xay trái cây, trộn đều, để 30 phút cho khô, sau đó cho tôm ăn.

Vụ nuôi đạt kết quả như sau: Tỉ lệ sống đạt 94,54%, sản lượng: 1.300 kg; cỡ tôm thu hoạch: 80 con/kg, giá bán: 65.000 đồng/kg, doanh thu: 84,5 triệu đồng, lãi 20 triệu đồng.

Trong quá trình nuôi, các chỉ tiêu môi trường trong ao nuôi luôn ổn định trong ngưỡng cho phép vì tôm sú + cá rô phi + phân trùn đã tạo thành bộ lọc sinh học làm môi trường ao nuôi trong sạch. Dưới tác dụng của vi khuẩn nitơ hóa có trong phân trùn, các chất thải của tôm được phân hủy, chuyển hóa thành sinh khối tảo, nên NH3 luôn luôn thấp, nhỏ hơn 0,1. Nguyên tố tạo sinh Nitơ, các ion NH4+, NO3- … (trong các muối dinh dưỡng) được bổ sung liên tục cho thủy vực, tảo ổn định.

Trong ao nuôi, xác tảo, vỏ tôm được cá rô phi tiêu thụ, làm sạch môi trường. Khi xả thải ra kênh thoát, rong tảo, bã hữu cơ… là thức ăn thích hợp cho cá rô phi, được cá rô phi tiêu thụ, làm sạch trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Do đó khi được đưa vào ao nuôi từ kênh cấp, nước đã được làm sạch.

Việc tảo hấp thụ CO2, thải O2 trong quá trình quang hợp diễn ra cùng lúc với việc tôm tăng cường hô hấp, hấp thụ O2 thải CO2 sau khi cho tôm ăn, giúp cho pH trong ao nuôi luôn ổn định, nằm trong giới hạn an toàn đối với độc tính của NH3, tôm khỏe mạnh.

Trong ao nuôi tôm nên thả nuôi ghép cá rô phi đơn tính, không nên thả cá rô phi thường vì chúng sinh sản sẽ gây xáo trộn nền đáy và cá con sẽ cạnh tranh thức ăn với tôm. Tùy theo điều kiện từng vùng nuôi, nhưng khi tôm được 1 tháng tuổi nên bắt đầu cho ăn thức ăn bổ sung trùn thịt, cho ăn đều đặn để tăng sức đề kháng, phòng trừ bệnh hại cho tôm nuôi do các yếu tố như môi trường, thời tiết…

Bà con có thể tham quan, học tập mô hình nuôi tôm theo cơ chế lọc sinh học tôm sú + cá rô phi + phân trùn (giun) hồ tôm của ông Sỹ để áp dụng, nhân rộng.


"Làm Đẹp" Tôm Trước Khi Thu Hoạch Ứng Dụng RNA Mạch Kép Để Kiểm Soát Virus IMNV Và LSNV Trên Tôm Ứng Dụng RNA Mạch Kép Để Kiểm Soát…