Tin thủy sản Nuôi tôm trong bể như Bắc Mỹ và châu Âu!

Nuôi tôm trong bể như Bắc Mỹ và châu Âu!

Author Triệu, publish date Tuesday. December 8th, 2020

Nuôi tôm trong bể như Bắc Mỹ và châu Âu!

Những năm gần đây nuôi tôm trong bể ngày càng phát triển mạnh ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Mô hình đang dần trở nên quen thuộc đối với các khu vực nuôi ở vùng nhiệt đới.

Nuôi tôm trong bể ngày càng phát triển mạnh ở Bắc Mỹ và Châu Âu

Một trong những lí do mô hình trở thành xu hướng tất yếu chính là sự gần gũi với thị trường, khả năng cung cấp sản phẩm tươi sống đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó mô hình sẽ giảm đi các trung gian về đông lạnh trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt hơn xu hướng này sẽ phù hợp với các quốc gia thiếu đất canh tác, thiếu nguồn nước thích hợp mặc dù các điều kiện còn lại đều rất thỏa mãn.

Thực tế, nuôi tôm trong hệ thống bể không phải là một khái niệm mới lạ. Năm 2004, Baron Sevilla và cộng sự đã công bố kết quả thí nghiệm nuôi tôm trong hệ thống RAS (hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín). Mô hình nuôi trong hệ thống có tổng thể tích là 11m3 và gần phân nữa là trong bể nuôi. Sau 5 tháng, thu hoạch khoảng 10kg tôm/m3.

Ở những hộ nuôi quy mô nhỏ, họ áp dụng cả phương pháp RAS và Biofloc. Tỉ lệ thu hoạch trong hệ thống RAS ở Mỹ trung bình từ 4-7 kg/m3. Trong giai đoạn ương, mật độ nuôi là 2000-3000 con giống/m3 và khi tôm đạt khoảng 1g (1000 con/m3) thì chuyển sang bể nuôi thương phẩm với mật độ là 250 con/m3, tỉ lệ sống đạt gần 80%. Với sự biến động về số lượng, Biofloc được áp dụng thêm nhằm tối ưu hóa FCR (hệ số chuyển đổi thức ăn). Như vậy hệ thống này đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, dễ quản lí, chất lượng nước cũng được giữ ngày qua ngày. Tuy vậy, khả năng dễ tổn thương từ sự cố máy móc, an toàn sinh học cũng là vấn đề đáng quan tâm của nuôi tôm trong hệ thống bể.

Biofloc, một phương pháp quản lí chuyên sâu có thể thay thế cho RAS trong các mô hình nuôi bể bằng cách nuôi quần thể vi khuẩn chung nguồn nước với nuôi tôm nhằm xử lý chất thải trong nước và cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng. Chúng ta có thể kết hợp cả 2 phương pháp, nhưng thực tế việc kết hợp không phổ biến mấy. Một thí nghiệm kết hợp của 2 phương pháp trên cho kết quả như sau: thả 500 giống/m3, sản lượng 2.7 kg/m3 tại 60 ngày nuôi (FCR là 1.1, tỉ lệ sống là 78% và trọng lượng trung bình là 7g) và 4.2 kg/m3 vào ngày thứ 84 (FCR 1.54, tỉ lệ sống 70%, trọng lượng trung bình 12.06 g).

Các vấn đề thường gặp trong nuôi tôm hệ thống bể

Khi áp dụng nuôi bằng mô hình này, người nuôi sẽ gặp các câu hỏi như: kĩ thuật như thế nào, chi phí và vốn ra sao, con giống, sự phân phối điện năng và chất lượng nước,… và câu trả lời thì hoàn toàn khác nhau ở mỗi vùng, chúng phụ thuộc vào các dự án đã được phát triển tại khu vực đó để có số liệu cụ thể nhất.

Tại Indonesia, công nghiệp nuôi tôm quy mô nhỏ đều có định mức. Ridwan Latif và đồng sự đã thực hiện nuôi tôm trong hệ thống RAS quy mô nhỏ với mật độ giống là 400 con/m3, tỉ lệ sống là 70%, FCR là 1-1.11. Như vậy tỉ lệ giữa lợi nhuận và chi phí là 1.56, tỉ lệ hoàn vốn là 32.66% và tỉ lệ doanh thu/ chi phí là 1.49.

Cũng như các hệ thống RAS và Biofloc khác thì yêu cầu thiết nhất của hệ thống là sục khí, nguồn điện phải liên tục và thiết kế dụng cụ phải phù hợp với kiểu bể nuôi. Sục khí sẽ ngăn chặn việc lắng tụ của các chất rắn và luôn giữ DO trên 5ppm, với khoảng 200 dòng khí/phút cho mỗi kg thức ăn. Ở vùng ôn đới, việc duy trì nhiệt độ ở 27oC thể hiện sự cân bằng về chi phí nhiệt, sự tăng trưởng và giảm stress. Máy bơm nhiệt nối đất hoặc máy nước nóng có vòng PEX sẽ luân chuyển nước ấm qua các ống chìm. Độ mặn 20ppt (20 phần nghìn) giúp cân bằng chất lượng nước, sức khỏe tôm và chi phí vận hành. Chúng ta có thể hòa muối cùng một số hỗn hợp nguyên liệu khác sẽ rẻ hơn gói hỗn hợp có sẵn.

Ở châu Âu và Bắc Mỹ, mô hình nuôi tôm trong bể có ý nghĩa tài chính đối với nuôi quy mô nhỏ nhằm mục đích bán tôm lớn hơn 20 g.

Những lưu ý trong nuôi tôm trên bể

Nuôi tôm trong bể ở cả vùng ôn đới và nhiệt đới đều có thể xây trong nhà nuôi (tùy theo mục đích người sử dụng). Cần đặc biệt chú ý đến đường dây điện và chỗ ra điện cho sản xuất, đối với nuôi bể ngoài trời cần có thêm mạch ngắt điện chạm đất. Nền nuôi có thể đơn giản là trải cát, đá hoặc tráng xi măng và có đường rãnh thoát nước. Ở khu vực ôn đới cần chú ý tường và trần nhà phải cách điện, đảm bảo đủ thông thoáng nhằm hạn chế ảnh hưởng của độ ẩm và nấm mốc. Ở vùng nhiệt đới, xây nhà nuôi không cần thiết lắm, nhưng nếu có thì đây sẽ trở thành khu vực an toàn sinh học tốt hơn.

Khi nuôi tôm trong hệ thống bể thì yếu tố về kĩ thuật và kinh tế cần được giải quyết rõ ràng và hợp lí. Sự lựa chọn kĩ thuật và chuyên môn quản lí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của mô hình. Dù áp dụng kĩ thuật và cách quản lí như thế nào thì lợi nhuận khi nuôi luôn phụ thuộc vào chi phí vốn đầu tư, chi phí vận hành, tỉ lệ sống, tỉ lệ tăng trưởng và thị trường. Cả Bắc Mỹ và Châu Âu đều quan trọng về quy mô kinh tế của mô hình nuôi này. Để có thể cạnh tranh ở các thị trường này, con tôm đòi hỏi phải có kích thước lớn, trọng lượng trung bình mỗi con phải lớn hơn 20g.

Ví dụ điển hình

Công ty Nuôi trồng thủy sản RDM, một trong những công ty tiên phong về nuôi tôm trong bể theo hệ thống Biofloc ở Fowler, Indiana (Mỹ). RDM đã trải qua 12 năm hoạt động và đang phát triển ổn định, phó chủ tịch Karlanea Brown cho biết rằng khi hệ thống bắt đầu thì điều cô không lường trước được chính là “không biết nuôi tôm” và với sự thành công như bây giờ cô chia sẽ “tất cả là nhờ sự thiết kế hệ thống riêng của công ty và cách quản lí nước”.

Một thuận lợi của RDM’s Biofloc chính là không xả thải, điều này cho phép công ty tránh được các vấn đề về pháp luật môi trường. RDM tự làm nước nuôi của riêng họ và họ chỉ làm thêm nước này khi mở rộng sản xuất. Như vậy nước nuôi ban đầu đến nay họ đã quản lí được 10 năm. Những ngày đầu họ chỉ có 2 bể ương và 6 bể nuôi, nay đã tăng lên 19 bể lớn, 7 bể nhỏ và 10 bể ương. Họ đang có kế hoạch nâng thêm 24 bể nữa trong năm 2021.

RDM cho biết rằng những trang trại vận hành theo mô hình hệ thống bể nếu muốn mở rộng sản xuất dần cần phải có nguồn nước hợp lí, đó chính là chìa khóa của vấn đề. “Cần phải kiên trì, nhiều người không thể theo đuổi nổi vì hai nguyên nhân, hoặc thiếu vốn hoặc thiếu lao động, năm đầu tiên hoạt động sẽ cực kì tồi tệ” theo Brown.

RDM cho biết, mô hình nuôi có tỉ lệ sống chiếm 70-90% phụ thuộc vào giống tôm. Nguồn giống của RDM được cung cấp bởi các trại giống ở Mỹ. Tuy nhiên những năm gần đây nguồn giống trở nên khó khăn hơn khi bị ảnh hưởng từ bão và một số trại giống phải đóng cửa do dịch bệnh. Hiện họ sử dụng trên 3 nhà cung cấp giống tiềm năng.

Ngoài những yếu tốt trên thì để thúc đẩy việc tiêu thụ, họ đặt vị trí trang trại nằm ở giữa các thành phố chỉ mất không quá vài giờ để đến, bên cạnh đó họ mở bán 6 ngày trên tuần nhằm mang đến dịch vụ tôm tươi sống tốt nhất cho khách hàng. Trong tương lại RDM muốn mở rộng thêm việc nuôi tôm nước ngọt, đa dạng hóa sản phẩm của họ.


Kỹ thuật nuôi cá koi đạt hiệu quả cao Kỹ thuật nuôi cá koi đạt hiệu quả… Mật độ nuôi cá bớp bao nhiêu là phù hợp? Mật độ nuôi cá bớp bao nhiêu là…