Ông trùm mê của lạ trên cao nguyên
Một người đàn ông 58 tuổi vui tính, hoạt ngôn; một công chức Nhà nước và là một chủ trang trại 2,8 ha sở hữu số lượng gà Đông Tảo lớn tầm cỡ đất Tây Nguyên (1.200 con), chưa kể gần 500 con vịt trời và các loại cây ăn trái.
Đó là ông Nguyễn Văn Long, chủ trang trại ở thôn 5, xã Diên Phú (TP Pleiku, Gia Lai).
Từ một triết lý đẹp
Ông Long cho biết: Ý tưởng làm trang trại của ông đến một cách hết sức tình cờ. Ông là người yêu hoa, thích cắm hoa trong phòng làm việc. Đầu năm 1999, ông đi mua hoa về cắm ở phòng khách và phòng làm việc của gia đình. Thấy hoa quá đắt, ông nảy ra ý tưởng: "Mình có đất, tại sao không trồng hoa để dùng và để bán?".
Ông chia sẻ với tôi một triết lý hết sức dung dị, gần gũi: "Cuộc đời con người ta, từ lúc sinh ra đời đến lúc đã về với đất, đều cần hoa". Vậy là, trang trại hoa của ông ra đời với thương hiệu được cả nước biết đến hiện nay: Hoa Nguyên Long.
Ban đầu, ông lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mua giống hoa đồng tiền về trồng. Cùng lúc trồng cả cà phê. Ông kể, hồi ấy trang trại của ông chưa có nhiều cây, xung quanh trống trải nên lồng lộng gió, nhất là về mùa khô. Có hôm sáng sớm ra trang trại, gió cuốn sạch hoa, chỉ còn trơ lại đất. Từ đó ông củng cố trang trại một cách kiên cố hơn. Tuy diện tích không lớn (chỉ 2,8 ha) nhưng được ông xây dựng bài bản và khoa học. Riêng khu vực trồng hoa chiếm 1 ha với dưới đất là hoa cắt cành (hoa hồng môn), bên trên là trên một trăm loại hoa lan cả giống nội lẫn ngoại. Có những chùm lan, theo ông Long thì "đại gia Sài Gòn" ra mua với giá... vài chục triệu đồng mỗi chùm.
Hiện trang trại của ông Long không còn cà phê. Về việc này, ông Long kể: Thời ấy, ai có vườn cà phê là quý lắm, nhưng ông lại quyết định chặt bỏ cà phê. Ông tính, trồng cà phê cũng tốt đấy, nhưng vườn cà phê của ông mỗi năm chỉ cho lãi không quá một trăm triệu đồng, trong khi đầu tư thứ khác sẽ có lãi nhiều hơn. Vậy là, ông mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ cà phê, mặc cho sự can ngăn của vợ con, của bè bạn.
Hiện ngoài 1 ha hoa thì một phần năm diện tích trang trại, ông trồng các loại cây ăn trái đặc hữu như mít Thái Lan, bơ, chanh không hạt, chôm chôm, vú sữa, thanh long ruột đỏ... Ngoài ra còn có 1.800 trụ tiêu (trong đó 1.100 trụ đã cho thu hoạch). Diện tích còn lại, ông dành nuôi gà và vịt trời.
Đến ham mê "của lạ"
Nói về gà Đông Tảo là "khơi" trúng mạch của ông Long. Ông cho biết, ban đầu ông chỉ nuôi gà ta tuy nhiên qua tìm hiểu, ông rút ra so sánh: Gà ta và gà Đông Tảo đều đầu tư như nhau, nhưng 1.000 con gà ta bán ra chỉ được trên hai trăm triệu đồng, còn 1.000 con gà Đông Tảo thì lại thu về khoảng 2 tỷ đồng. Vậy là, ông quyết định chuyển sang nuôi gà Đông Tảo.
"Tôi chuyển sang nuôi gà Đông Tảo, ngoài việc chênh lệnh về thu nhập, còn bởi tôi là thằng đàn ông luôn... đam mê "của lạ". Mà gà Đông Tảo ở đây là của lạ, của hiếm và của quý đấy!", ông Long nói vui nhưng lại rất thật.
Chuyển sang nuôi gà Đông Tảo, ban đầu cũng long đong lận đận lắm. Ông phải tìm về quê hương của gà Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), rồi lặn lội vào tận Đồng Nai để lấy giống mang về. Ban đầu do thay đổi thời tiết, do chưa có kinh nghiệm, do chưa tuân thủ về phòng dịch gia cầm nên gà mang về bị chết sạch. Ông Long vẫn không nản chí, lao vào tìm hiểu trên mạng, trên báo chí, học hỏi kinh nghiệm của những người từng trải hơn để tiếp tục đầu tư cho cái món "của lạ" này.
Trời không phụ lòng người để đến bây giờ, trang trại của ông đã có khoảng 1.200 con gà Đông Tảo, hiện đàn gà đã cho sinh sản tại chỗ. Ngoài ra còn có một ít gà Hồ, gà chọi...
Gà Đông Tảo là giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam, hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Trước đây, loại gà này được dùng để tiến vua hoặc dùng trong những dịp cúng tế, hội hè. Còn bây giờ, gà Đông Tảo để dành cho những nhà hàng sang trọng, để dành cho những người sành ăn, có nhu cầu và tất nhiên phải có nhiều tiền. Có nhiều tiền thì mới dám ăn gà Đông Tảo với giá 500.000 đ/kg, 1 con gà Đông Tảo nặng bình quân 4 kg, ông Long đã có được 2 triệu đồng.
Gà Đông Tảo có chất lượng thịt thơm ngon, dai giòn đặc trưng, được chế biến thành những món ngon và bổ dưỡng như: Gà hấp nấm, da gà bóp thính, chân gà hầm thuốc bắc... Còn theo ông Long thì "ngon nhất vẫn là món gà luộc truyền thống!". Đợt Tết Ất Mùi 2015, trang trại của ông bán ra trên 100 con những vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.
Bây giờ ngoài việc cung cấp gà thương phẩm, ông Long còn cung cấp gà giống Đông Tảo đi rất nhiều nơi, kể cả sang Lào và Campuchia. Việc tuyển chọn gà giống là vô cùng khắt khe: Cứ 100 con thì sau một thời gian, loại bỏ 50 con không đạt tiêu chuẩn, tiếp một thời gian nữa lại loại 30 con, chỉ còn lại 20 con gà giống chất lượng cao mà theo ông Long thì: "Có con bán với giá trên 10 triệu đồng".
Chưa dừng lại ở gà Đông Tảo mà ông Long còn mê thêm món "của lạ" khác nữa, đó là vịt trời. Năm 2014, xem trên mạng thấy quy trình nuôi vịt trời không khó, ông ra tận Bắc Giang mua giống về nuôi. Có lúc, trang trại của ông có đến 1.300 con vịt trời. Sau đợt xuất chuồng vừa rồi, hiện còn khoảng 400 con.
Ông Long cho biết, vịt trời ngon hơn vịt nhà, tiết canh thì... ngọt mê hồn! Do chủ động được nguồn thức ăn (trang trại ông trồng chuối lấy cây, trồng bắp... để tự chế biến thức ăn) nên gà Đông Tảo và vịt trời của ông bán ra luôn rẻ hơn thị trường (vịt trời chỉ 250.000 đ/con). Đặc biệt, việc cho ăn thức ăn tự nhiên làm cho chất lượng thịt ngon hơn cho ăn thức ăn tổng hợp.
Là công chức Nhà nước nên bình thường, "tôi chỉ ra làm việc ở trang trại từ 4h chiều, nhiều hôm 11h đêm mới về đến nhà". Bây giờ, ông Long đã dừng đầu tư mở rộng trang trại bởi theo ông, không nên tham quá nhiều mà nên chú trọng vào chất lượng". 1 năm thu nhập khoảng 2 tỷ đ từ trang trại là phần thưởng xứng đáng cho một người yêu đất như ông.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao