Tin thủy sản Phát hiện virus mới gây bệnh thân thủy tinh ở tôm giống

Phát hiện virus mới gây bệnh thân thủy tinh ở tôm giống

Author Dương Châu (Theo undercurrentnews), publish date Wednesday. June 3rd, 2020

Phát hiện virus mới gây bệnh thân thủy tinh ở tôm giống

Các nhà khoa học Trung Quốc xác định "một loại virus mới" bị nghi là thủ phạm khiến tôm trong trại sản xuất giống chết hàng loạt trong thời gian gần đây.

Tôm post mắc bệnh "thân thủy tinh". Ảnh: Aquaculture Frontier.

"Phân tích các mẫu được lấy từ các trại giống ở tỉnh Quảng Đông cho thấy sự hiện diện của virus với bộ gen mới được phát hiện, một loại virus mới", Hà Kiến Quốc - nhà khoa học trưởng tại Trạm Công nghệ Tôm và Cua Quốc gia của Trung Quốc - cho biết.

“Phân tích chỉ ra rằng, hậu ấu trùng thủy tinh là một loại virus RNA mới, nhỏ, được đặt tên tạm thời là virus hủy hoại gan tụy và đường tiêu hóa (HINV)", ông Hà nói trên tạp chí Aquaculture Frontier, một ấn phẩm chuyên ngành nội bộ.

Phát hiện này được đưa ra sau khi tôm post trong các trại giống Trung Quốc chết hàng loạt.

Triệu chứng rõ ràng nhất của tôm post nhiễm bệnh là chúng gần như hoàn toàn trong mờ, giống hệt thủy tinh.

Video về cái gọi là tôm post thủy tinh đã được lưu hành giữa các nhóm ngành công nghiệp tôm Trung Quốc trên mạng, khiến những nhà điều hành trại giống sợ hãi nhưng không thể xác nhận nó.

“Mặc dù sự bùng phát của bệnh trên tôm post đã được báo cáo trong những năm trước, nhưng năm nay dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn”, ông Hà cho biết.

Nhóm nghiên cứu của ông Hà xác định được virus sau khi tinh lọc các hạt virus từ nhiều mẫu tôm. Sau đó nhóm giải mã bộ gen. Họ cũng phát triển một test thử nghiệm phản ứng PCR cho bệnh HINV.

“HINV chủ yếu ảnh hưởng đến gan tụy, đường tiêu hóa và vỏ tôm. Thông thường, ở tôm bị bệnh, cơ thể bị mất màu và trở nên trong suốt”, ông Hà nói với những người tham gia buổi họp trực tuyến. “Tỷ lệ chết (đối với tôm post) vào ngày thứ 4 (sau khi xuất hiện triệu chứng) là 100%”.  Tuy nhiên, các cá thể tôm post khỏe mạnh không phải lúc nào cũng phát triển các triệu chứng.

Nhóm nghiên cứu xác nhận virus gây ra các triệu chứng sau khi lây nhiễm tôm trong môi trường phòng thí nghiệm.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện sự lây nhiễm và khả năng gây bệnh của HINV trong tôm post rất mạnh. Nhưng nó lại yếu trên tôm trưởng thành. HINV không gây tử vong nhanh chóng, nhưng nó vẫn có thể khiến tôm trưởng thành chết dần”, ông bổ sung.

Ông cho biết thêm, nhóm nghiên cứu vẫn chưa xác định được liệu HINV lây nhiễm thông qua tôm bố mẹ hay trong nguồn nước.

Nhóm của ông Hà đang chuẩn bị xuất bản sau khi đối chiếu với những kết quả nghiên cứu có liên quan trước đó.

“Chúng tôi đang chuẩn bị nộp nghiên cứu”, Trịnh Lỗ Vĩ, trợ lý của ông Hà, nói với undercurrentnews hôm 7/5.

Virus “bủa vây” con tôm

Mặc dù HINV đã được coi là “một loại virus mới”, nhưng có thể nó giống với các loại virus khác có trong môi trường, ông Hoàng Tiệp, Tổng giám đốc Mạng lưới Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản ở Châu Á-Thái Bình Dương (NACA) tại Bangkok, Thái Lan, cho biết.

Ông đề cập tới nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature, trong đó các nhà khoa học tìm thấy 1.445 virus chưa được phát hiện trước đây ở 200 động vật không xương sống, bao gồm cả tôm. Nghiên cứu đã chứng minh sự linh hoạt về bộ gen RNA của virus và sự tái tổ hợp thường xuyên thành các loại virus mới, Nature cho biết.

Ông Kiến Quốc khẳng định sự hiện diện của các loại virus gây bệnh phổ biến khác trong các mẫu được lấy từ huyện Nhiêu Bình, phía đông Quảng Đông, bao gồm cả virus hội chứng đốm trắng hay WSSV; IHHNV, hoặc virus hoại tử dưới da và nhiễm trùng máu; Decapod iridescent virus 1 hay còn gọi là DIV1; và vi bào tử trùng, hoặc EHP; cũng như Vibrio.

Điều này có thể mang ý nghĩa tôm trong trại giống chết do các bệnh và mầm bệnh khác.

Ông mô tả giảm thiểu bệnh hiện tại và an toàn sinh học trong khu vực là “hỗn loạn”.

Gần đây, Mão Ái Đào, người đứng đầu bộ phận sản xuất giống tại Công ty thủy sản Zhanjiang Guilian, nói rằng sự bùng phát bệnh tôm post thủy tinh cũng xảy ra tại các trại sản xuất giống với tiêu chuẩn an toàn sinh học cao.

“Năm nay, hiện tượng tôm post thủy tinh xuất hiện trên toàn quốc; ở miền bắc Trung Quốc, Quảng Đông và Quảng Tây”, ông Mão nói với undercurrentnews. “Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng”.

Không chỉ bị ám ảnh bởi sự bùng phát hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, hay AHPNS, còn được gọi là hội chứng tử vong sớm, EMS, căn bệnh đã tàn phá nhiều ngành tôm của Châu Á giai đoạn 2012-2014, giờ đây, người nuôi tôm liên tục phải đối mặt với các dịch bệnh mới.


Triển vọng mô hình nuôi cá xứ lạnh có giá trị cao ở Thừa Thiên- Huế Triển vọng mô hình nuôi cá xứ lạnh… Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tuần hoàn - Phần 10 Hướng dẫn nuôi trồng thủy sản tuần hoàn…