Tin nông nghiệp Phát triển bền vững cây hồ tiêu ở Tây Nguyên

Phát triển bền vững cây hồ tiêu ở Tây Nguyên

Author Phan Hòa, publish date Friday. September 29th, 2017

Phát triển bền vững cây hồ tiêu ở Tây Nguyên

Vùng hồ tiêu nguyên liệu ở xã Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.

Tại Tây Nguyên, những năm gần đây, giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao so với nhiều loại nông sản chủ lực khác cho nên nông dân trồng ồ ạt, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, khiến diện tích tiêu không ngừng tăng, phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng khác.

Để cây tiêu phát triển bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân, các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và lâu dài.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Tây Nguyên hiện là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất cả nước, tính đến tháng 5-2017, diện tích hồ tiêu toàn vùng lên đến 72.000 ha. Cụ thể, tỉnh Đác Lắc có gần 28.000 ha hồ tiêu (vượt diện tích quy hoạch hơn 12.500 ha), tỉnh Đác Nông: gần 25.000 ha (vượt 14.000 ha), tỉnh Gia Lai: 16.400 ha (vượt hơn 10.000 ha). Cây tiêu khá phù hợp điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên, năng suất bình quân đạt 31,4 tạ /ha, sản lượng hơn 120.000 tấn, giá trị do hồ tiêu đem lại luôn chiếm tỷ lệ lớn giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các tỉnh, mở ra cơ hội làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, do phát triển quá “nóng” cho nên việc trồng tiêu tại Tây Nguyên đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong những tháng đầu năm 2017, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu từ 180 nghìn đến 200 nghìn đồng xuống dưới 100 nghìn đồng/kg, khiến hàng chục nghìn hộ nông dân lâm vào cảnh điêu đứng vì nợ nần, thậm chí phá sản.

Huyện Cư Kuin được biết đến là nơi trồng hồ tiêu nhiều nhất của tỉnh Đác Lắc. Do lợi nhuận cao, nhiều gia đình phá bỏ những loại cây truyền thống để trồng tiêu. Tuy nhiên, khi giá loại nông sản này xuống thấp đã khiến nhiều người như "ngồi trên đống lửa". Gia đình anh Phạm Tiến Sỹ (ở thôn 15, xã Ea Tul) có 500 trụ tiêu, trong đó mới có 100 trụ cho thu hoạch. Để có tiền đầu tư, anh phải vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, chấp nhận lãi suất cao với hy vọng cây tiêu sẽ giúp gia đình đổi đời. Nhưng nay, giá tiêu giảm chỉ còn gần một nửa so với năm 2016, khiến anh thấp thỏm lo lắng. Ở thôn 3, xã Nâm NDjang (huyện Đác Song), nhờ trồng tiêu, anh Phạm Hồng Nhật đã trở thành tỷ phú từ nhiều năm trước. Nhưng hiện nay, anh cũng rơi vào thế lúng túng.

“Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu hơn 40 tấn. Giá tiêu xuống quá thấp tôi không muốn bán, song để có tiền trang trải sinh hoạt, tôi buộc phải bán đi hơn 20 tấn”- anh Nhật nói. Không chỉ ở những vùng trồng mới, ngay tại mảnh đất truyền thống của cây hồ tiêu ở Tây Nguyên là huyện Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai), nhiều nông dân cũng đang khốn đốn vì hồ tiêu. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, nhiều nông dân không chỉ vay ngân hàng, mà còn vay nóng ở bên ngoài, hoặc vay của các doanh nghiệp với mức lãi suất khá cao. Do đó, với giá tiêu thấp như hiện nay, những hộ vay nóng bên ngoài sẽ cầm chắc nợ nần…

Vườn tiêu 800 gốc của gia đình ông BaK ở xã Hà Bầu, huyện Đác Đoa.

Việc người dân đua nhau trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của chính quyền và các ngành chức năng cũng kéo theo nhiều hệ lụy: Trồng tiêu ồ ạt, làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của địa phương; không chú trọng đến việc cải tạo đất, trồng trên vùng đất không phù hợp; sử dụng phân hóa học với liều lượng cao, ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các loại dịch bệnh trên cây tiêu lây lan mạnh. Gia Lai là địa phương được Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam xếp vào danh sách sáu tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của cả nước. Thế nhưng, hầu hết giống tiêu hiện tại đều nhiễm bệnh tuyến trùng rễ; rệp sáp gốc, thối thân, vàng lá, thối rễ…

Theo số liệu công bố cuối năm 2016, tổng diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh tại tỉnh là hơn 6.155 ha. Mới đây nhất, qua khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tại hai huyện Chư Sê và Chư Pưh, sản lượng hồ tiêu giảm so với cùng kỳ năm trước từ 25% đến 30%. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi héc-ta tiêu mất từ 150 đến 200 triệu đồng, cả tỉnh Gia Lai giảm khoảng 700 tỷ đến 1.000 tỷ đồng doanh thu từ hồ tiêu. Còn tại Đác Lắc, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Trong năm 2014, toàn tỉnh có hơn 1.400 ha tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm; ở Đác Nông có khoảng 20% diện tích hồ tiêu đang nhiễm bệnh vàng lá chết chậm, 15% diện tích bị bệnh chết nhanh.

Bên cạnh đó, hàng chục loại bệnh khác cũng khiến sản lượng hồ tiêu ngày càng sụt giảm. Việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu còn dẫn đến tình trạng phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu, mua bán, tranh chấp đất lâm nghiệp… Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ tính trong sáu tháng đầu năm 2017, toàn vùng đã xảy ra 1.707 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 323 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng lấy đất sản xuất với diện tích rừng bị phá là 122 ha.

Tìm giải pháp phát triển bền vững

Việc phát triển diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên trong những năm qua nằm ngoài quy hoạch, vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên không quản lý được cả diện tích lẫn cây giống. Các cơ sở sản xuất, bán cây giống mở tràn lan, bán đủ loại giống kém chất lượng.

Người dân ồ ạt trồng tiêu, chưa am hiểu về kỹ thuật nên chỉ sau vài năm trồng, cây tiêu đổ bệnh, chết hàng loạt. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng thừa nhận: Đến nay vẫn chưa có đề tài nghiên cứu sâu về cây tiêu, cơ chế nhiễm bệnh và cách phòng trừ một số loại dịch bệnh trên loại cây trồng này. Cả nước chưa có vườn ươm giống chuẩn, giống hiện tại chủ yếu được tuyển lựa qua quá trình canh tác của địa phương cho nên có hàng chục loại giống, lai tạp khác nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu.

Thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp các cơ quan chuyên môn, tổ chức khoa học và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tích cực triển khai nhiều hoạt động chuyên sâu liên quan cây hồ tiêu như: Tổ chức các diễn đàn khuyến nông, chuyển giao các đề tài, mô hình nghiên cứu cho các địa phương ứng dụng vào thực tế; Tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm… với mong muốn đưa ra những khuyến cáo hữu hiệu nhằm giúp nông dân cũng như chính quyền các tỉnh Tây Nguyên hiểu sâu về thực trạng, tiềm năng cũng như mở ra cơ hội để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu theo hướng bền vững.

Mới đây, Hội nghị “Đánh giá hiện trạng tình hình sản xuất hồ tiêu và định hướng phát triển sản xuất thời gian tới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường hồ tiêu và định hướng phát triển sản xuất cho cây trồng này. Ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất: Với vai trò, vị thế là nước đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu, việc xây dựng thương hiệu quốc gia “Hồ tiêu Việt Nam” là rất cần thiết, nên làm sớm, đồng thời, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật và nguồn vốn tín dụng.

Không thể phủ nhận, cây hồ tiêu đang là thế mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhờ cây tiêu mà nhiều nông dân có thể đổi đời, làm giàu. Các nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn cần chung tay tìm hướng đi thích hợp để hồ tiêu phát triển bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân.


"Vỗ béo" gia súc, cách giảm nghèo của… Phú Thọ: Mô hình VACR cho thu nhập nửa tỷ/năm Phú Thọ: Mô hình VACR cho thu nhập…