Mô hình kinh tế Phát Triển Bò Sữa Gắn Với Bảo Vệ Môi Trường

Phát Triển Bò Sữa Gắn Với Bảo Vệ Môi Trường

Publish date Monday. October 6th, 2014

Phát Triển Bò Sữa Gắn Với Bảo Vệ Môi Trường

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Sóc Trăng từ nay đến năm 2020 đã được ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phê duyệt, bò sữa là một trong các vật nuôi được ưu tiên phát triển. Cùng với việc tăng đàn bò sữa, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Sóc Trăng nuôi bò sữa từ năm 2004 với số lượng ban đầu là 477 con. Đến nay tổng đàn bò sữa của tỉnh hơn 5.000 con, trong đó gần 1.900 con đang cho sữa, sản lượng sữa mỗi ngày khoảng 20,5 tấn. Mỗi hộ nuôi từ 2 con đến gần 20 con, với 1 con bò cho sữa, mỗi ngày cho thu nhập gần 100 ngàn đồng.

Bò sữa được nuôi tập trung ở khu vực có đông đồng bào Khmer ở các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành. Hiệu quả kinh tế của đàn bò sữa đã góp phần đắc lực vào chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu của tỉnh nhà.

Hộ Ông Lâm Kim Quốc có 2 con bò sữa, ông rất hài lòng với nguồn thu nhập hàng ngày từ vật nuôi này. Nhưng điều ông lo ngại là môi trường xung quanh nhà ở bị ô nhiễm nặng, phân bò một phần ông gom lại đổ đống cạnh chuồng, phần còn lại thải ra ao tù.

Chất thải chậm phân hủy, bốc mùi hôi, phát sinh ruồi muỗi. Ông nói: “Tui nuôi bò, nhưng phân nước tiểu bò thải ra tui không biết xử lý như thế nào vì nước thải của bò gây ô nhiễm môi trường nên ruồi muỗi phát triển nhiều quá”.

Ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương vận động hộ chăn nuôi đào hố, xây hầm để thu gom chất thải và xử lý bằng các chế phẩm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Là một trong 10 tỉnh trong cả nước được triển khai dự án: “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp” do ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ, Sóc Trăng được hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học (thường gọi là biogas) giai đoạn từ năm 2014 - 2019 với 3.600 công trình loại nhỏ từ 4 m3 đến 49 m3.

Huyện Mỹ Tú có đàn bò sữa đứng thứ 2 trong toàn tỉnh với hơn 1.800 con. Năm nay, được dự án các bon thấp phân bổ 110 công trình biogas, mỗi công trình được hỗ trợ 3 triệu đồng. Hộ chị Tăng Thị Quyên ở ấp Tà Ân A 2, xã Thuận Hưng nuôi 6 con bò sữa. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải đàn bò, chị đăng ký thực hiện biogas.

Xây hầm ủ loại 10 m3 chi phí trên 23 triệu đồng, nhưng chị rất vui vì môi trường được cải thiện và có được nguồn gas sử dụng. Trước đây dù gia đình đun nấu rất tiết kiệm, phải xài thêm bếp củi, nhưng mỗi tháng cũng hết bình gas 12 kg. Từ khi có biogas thì tiết kiệm được rất nhiều.

Chị phấn khởi cho biết: “Từ khi có bigas này xài thoải mái cũng không hết gas, trước đây ruồi muỗi rất nhiều bây giờ thì tốt hơn rồi, tôi rất thích sử dụng biogas”.

Công trình khí sinh học biogas của dự án triển khai được xây dựng theo thiết kế mới được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Điểm nổi bật là trong hệ thống biogas được lắp đặt thiết bị lọc hơi nước, lọc khí tạp nên khi vận hành khí gas không có mùi hôi, lửa gas xanh và an toàn khi sử dụng:

Ông Phạm Minh Tú, Phó trạm BVTV huyện Mỹ Tú cho biết: “Vì tính an toàn, các hộ khi tham gia vào dự án được tập huấn kỹ thuật nên không lo ngại. Thời gian sử dụng bioas loại này 10 năm, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng rất lâu hơn”.

Công trình khí sinh học biogas đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho hộ chăn nuôi và góp phần bảo vệ môi trường, tuy nhiên, đến nay huyện Mỹ Tú chỉ có 12 hộ đăng ký thực hiện. Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân là do vốn xây dựng công trình biogas cao, loại 4,2 m3 là 10 triệu đồng, loại 10 m3 trên 20 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền hỗ trợ từ dự án là 3 triệu đồng, nếu không có nguồn vốn vay, hộ chăn nuôi không đủ sức đầu tư.

Ông Huỳnh Văn Do, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết: “Đề nghị tập hợp các nguồn vốn hỗ trợ nông nghiệp cho bà con vay làm biogas. Và xét cho vay đúng đối tượng, kiểm tra việc xây dựng đúng kỹ thuật để người dân xây dựng biogas sử dụng tốt, an toàn”.

Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp góp phần cho nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Hướng tới giảm khí thải nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và phế phẩm trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.


Người Trồng Sắn Thiệt Hại Nặng Vì Rệp Sáp Bột Hồng Người Trồng Sắn Thiệt Hại Nặng Vì Rệp… Các Mô Hình Chăn Nuôi Theo Hướng Công Nghệ Cao Các Mô Hình Chăn Nuôi Theo Hướng Công…