Tin nông nghiệp Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

Author Tuấn Anh, publish date Monday. July 31st, 2017

Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng biến đổi khí hậu

“Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” là chủ đề diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức ngày 26/7 tại huyện Ea Kar (tỉnh Đăk Lăk).

Chăn nuôi gia súc là một trong những thế mạnh ở Đăk Lăk

Tham dự có các chuyên gia ngành nông nghiệp, nông dân điển hình thuộc các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ...

Theo Cục Chăn nuôi, hiện tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi ở Việt Nam tương đối tốt, tính đến tháng 1/10/2016, cả nước tổng đàn bò 5,5 triệu con, tăng 2,4%, trong đó bò sữa 282.900 con, tăng 2,8%; đàn lợn 29,1 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm 361,7 triệu con, tăng 5,8%; riêng đàn trâu 2,5 triệu con, giảm 0,2%.

Tây Nguyên là vùng có nguồn đất đỏ bazan lợi thế để phát triển cây cao su, cà phê và cũng là cơ hội cho phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Tài nguyên đất, rừng đa dạng, phong phú. Diện tích đồng cỏ tự nhiên và đồng cỏ dưới tán rừng khá lớn; có nhiều phụ phẩm trồng trọt phục vụ chăn nuôi như mía, ngô, lúa... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc lớn.

Với những lợi thế đó, những năm gần đây, ngành chăn nuôi của vùng Tây Nguyên có bước phát triển khá mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt hơn 7,8%; giá trị tổng sản phẩm đạt gần 62.000 tỷ đồng, trong đó nông lâm, thủy sản tăng 4,56%. Chăn nuôi trang trại khá phát triển: Toàn vùng hiện có 1.100 trang trại chăn nuôi, chiếm 5,6% tổng số trang trại chăn nuôi trong cả nước. So với năm 2012, số trang trại chăn nuôi tại khu vực này tăng 48,9%. Bước đầu đã có một số mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk... Điều đó cho thấy đã có sự chuyển dịch phương thức chăn nuôi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tận dụng, năng suất thấp sang chăn nuôi tập trung, thâm canh theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, có đầu tư cao về giống, công nghệ.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Tây Nguyên vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững. Phần lớn đồng bào dân tộc, các hộ nghèo vẫn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên, quảng canh, năng suất thấp, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro về thời tiết, dịch bệnh. Trình độ nhận thức về khoa học kỹ thuật còn hạn chế, mạng lưới sản xuất và cung ứng con giống, thức ăn và các dịch vụ thú y, khuyến nông tại chỗ chưa phát triển, trong khi cơ sở giao thông ở các vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn, chi phí vận chuyển giống, vật tư đầu vào tăng cao...

Vùng Tây Nguyên có dải biên giới trên bộ tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia khá dài, việc kiểm soát vận chuyển động vật qua biên giới rất khó khăn, đã phát sinh dịch bệnh nguy hiểm như lở mồn long móng, H5N1…

Ông Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, diễn đàn là dịp để 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) cùng nhau chia sẻ trao đổi thông tin, kinh nghiệm, thảo luận và thống nhất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, diễn đàn lần này không tổ chức tại trung tâm tỉnh như thường lệ mà được tổ chức tại cơ sở, với mong muốn các tiến bộ kỹ thuật sẽ được chuyển tải nhanh và cụ thể hơn tới người chăn nuôi. Cách tổ chức này gắn kết được các nội dung thảo luận với việc xử lý các tình huống thực tế mà người chăn nuôi gặp phải...

Tại diễn đàn, các nội dung thảo luận, tham luận tập trung vào các nhóm vấn đề sau: Nhóm các giải pháp về quy hoạch vùng chăn nuôi và định hướng phát triển: Rà soát, điều chỉnh xây dựng quy hoạch vùng, liên kết vùng, tiểu vùng, địa phương phát triển chăn nuôi theo từng đối tượng vật nuôi, có lợi thế cạnh tranh. Quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc nhai lại gắn với trồng cây thức ăn thô xanh. Chuyển đổi những diện tích đất lúa đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi. Trên cơ sở điều kiện sinh thái lợi thế của từng tiểu vùng để xác định cơ cấu vật nuôi phù hợp...

Trước hết tập trung cho các sản phẩm có lợi thế. Nhóm giải pháp về khoa học kỹ thuật - khuyến nông: Giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật về giống phù hợp và có hiệu quả cho các vùng hạn hán, trồng và chế biến thức ăn, xử lý chất thải, thiết kế chuồng trại, kỹ thuật nhằm giảm phát khí thải khí nhà kính... Các mô hình điển hình và phương thức chuyển giao, nhân rộng nhằm góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhóm giải pháp về tổ chức, liên kết sản xuất, trọng tâm là xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, thức ăn, thú y... và các doanh nghiệp đầu ra (chế biến, tiêu thụ sản phẩm) trong và ngoài vùng với người chăn nuôi để phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của ngành.

Nhóm các giải pháp về cơ chế chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Tây Nguyên.

Các chuyên gia nông nghiệp chia sẻ, việc tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống chuyển dần sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp để nâng cao thu nhập.


Xuất khẩu gạo bước sang 'tầng cao mới' Xuất khẩu gạo bước sang 'tầng cao mới' Dừa phải trở thành một trong những cây trồng chủ lực Dừa phải trở thành một trong những cây…