Mô hình kinh tế Phát triển chăn nuôi bò sữa bước đột phá của ngành chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi bò sữa bước đột phá của ngành chăn nuôi

Publish date Saturday. October 3rd, 2015

Phát triển chăn nuôi bò sữa bước đột phá của ngành chăn nuôi

Trang trại chăn nuôi bò sữa tại xã Phú Nhuận (Như Thanh - Thanh Hóa).

Năm 2003, tỉnh ta có gần 2.800 con bò sữa, đến năm 2005 đàn bò sữa bắt đầu giảm nhanh, đến cuối năm 2007 chỉ còn 560 con tại một số trang trại chăn nuôi tập trung.

Nguyên nhân chủ yếu do chăn nuôi bò sữa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, quy trình, chế độ chăm sóc khoa học, trong khi doanh nghiệp không dám đầu tư vào lĩnh vực này; lao động trong ngành chăn nuôi chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ thấp nên đàn bò sữa được nuôi không đúng kỹ thuật làm bò không phát triển, dẫn đến sản lượng sữa thấp, chất lượng sữa không bảo đảm khiến người chăn nuôi thua lỗ.

Để vực dậy ngành chăn nuôi bò sữa, năm 2008, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) mua lại Nhà máy sữa Lam Sơn tại Khu Công nghiệp Lễ Môn và trang trại bò sữa Sao Vàng (nay là trang trại bò sữa Thanh Hóa 1) tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân)

. Năm 2012, UBND tỉnh đã triển khai đề án “Phát triển chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Thanh Hóa giai đoạn 2012 - 2020” và chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2020.

Theo đó, các trang trại có quy mô từ 2.000 con bò sữa trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ cơ sở hạ tầng ngoài trang trại như đường giao thông, cấp thoát nước, hệ thống điện; giải phóng mặt bằng và hỗ trợ 3 triệu đồng/con bò sữa.

Tính đến nay, dự án do Vinamilk thực hiện gồm Nhà máy sữa Lam Sơn có công suất 65 triệu lít/năm, vốn đầu tư 276 tỷ đồng đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ cuối năm 2013; dự án thứ hai đã hoàn thành vào đầu năm 2015 tại nhà máy là đầu tư mới một dây chuyền chế biến sữa SUSU chai 90ml có công suất 36.000 chai/giờ, dự án này có tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng.

Cùng với việc đầu tư Nhà máy sản xuất, chế biến sữa, Vinamilk cũng luôn quan tâm phát triển nguồn nguyên liệu để xây dựng một chu trình khép kín từ nguyên liệu bảo đảm đến sản phẩm.

Hiện trang trại bò sữa Thanh Hóa 1 có 1.300 con bò được nuôi theo công nghệ tiên tiến trong khâu chăm sóc, nên đàn bò phát triển tốt, đạt sản lượng sữa 13.000 lít/ngày, năng suất sữa bình quân đạt gần 22 lít/con bò sữa/ngày

. Tuy nhiên, lượng sữa trên cũng mới chỉ cung cấp được khoảng 10% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu của Nhà máy sữa Lam Sơn.

Năm 2014, UBND tỉnh đã cấp giấy phép cho Vinamilk đầu tư xây dựng trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận (Như Thanh).

Theo đó, Vinamilk đã xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao, hiện đại với quy mô 2.000 con, tổng vốn đầu tư hơn 224 tỷ đồng, trên diện tích 34 ha. Tháng 10-2014, trang trại đã đón lứa bò đầu tiên từ Newzeland với 1.150 con.

Dự kiến tháng 10-2015, trang trại đón 900 con bò sữa tiếp theo được nhập khẩu từ Mỹ. Đây được đánh giá là một trong những trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại nhất của cả nước, bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững.

Trang trại là nơi ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào chăn nuôi bò sữa.

Từ mô hình này, Vinamilk mong muốn đưa kỹ thuật chăn nuôi bò sữa nhân rộng trong nhân dân, cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu đạt chất lượng cao cho nhà máy chế biến; mặt khác là nơi cung cấp bò sữa giống có chất lượng tốt, phục vụ cho mục tiêu nhân đàn.

Từ khi trang trại đi vào hoạt động, 200 hộ dân của các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu làm thức ăn nuôi bò sữa cho Công ty Vinamilk.

Theo đó, gần 300 ha đất bị hoang hóa, cằn cỗi khó canh tác ở các địa phương đã được người dân tận dụng trồng ngô, bán cho Công ty Vinamilk cả bắp và thân cây, mỗi năm cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/ha.

Ngoài việc cung cấp nguồn thức ăn cho trang trại, các hộ dân trong vùng có thể tham gia đầu tư nhân lực, vốn, đất đai lập trang trại chăn nuôi bò sữa.

Họ sẽ được hỗ trợ huấn luyện đào tạo nghề nuôi bò sữa bài bản, được Vinamilk tư vấn, hỗ trợ giám sát để xây dựng được hệ thống trang trại đạt chuẩn, từng bước tăng năng suất, chất lượng sữa tươi và tiết kiệm chi phí. Sản phẩm sữa được bán trực tiếp cho hệ thống thu mua tại chỗ của Vinamilk.

Thành công của mô hình trang trại bò sữa tập trung quy mô lớn của Vinamilk tại huyện Như Thanh đã đánh dấu một bước đột phá lớn trong ngành chăn nuôi của tỉnh ta.

Trong tháng 8 vừa qua, tại thị trấn Thống Nhất (Yên Định) đã khởi công xây dựng dự án Tổ hợp các trang trại chăn nuôi bò sữa chất lượng cao của Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa do Vinamilk làm chủ đầu tư.

Đây được xem như một sự kiện lớn đánh dấu sự phát triển vượt bậc ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững của tỉnh ta nói riêng, của cả nước nói chung.

Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.600 tỷ đồng, tổng diện tích 2.500 ha, trong đó có 147 ha để xây dựng trang trại và 1.600 ha để phát triển nguyên liệu thức ăn thô xanh cho đàn bò.

Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa được đầu tư xây dựng với công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.

Tổ hợp sẽ nhập khẩu bò từ Úc và Mỹ với quy mô 16.000 con và có thể tăng lên 24.000 con trong giai đoạn 2. Cung cấp sản lượng sữa bình quân 98.630 kg/ngày, tương đương với hơn 36 triệu lít/năm.

Khi thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam chính thức đầu tư tại các địa phương của tỉnh ta sẽ mở ra hướng phát triển mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Người nông dân sẽ thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật bài bản để phát triển một cách bền vững.

Với việc đầu tư các dự án chăn nuôi bò sữa, doanh nghiệp đang tiếp tục hướng đến cùng nông dân nâng cao trình độ sản xuất xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn và khả năng cạnh tranh cao trong cơ chế thị trường.


Hội nhập, gà thả vườn chiếm lợi thế cạnh tranh Hội nhập, gà thả vườn chiếm lợi thế… Thư mời mua sách 3 năm Tự hào Nông dân Việt Nam Thư mời mua sách 3 năm Tự hào…