Phát triển hồ tiêu bền vững cần tăng cường quản lý sâu bệnh hại
Dịch bệnh rình rập
Trong vòng 25 năm trở lại đây, do sức hút từ giá tiêu tăng cao, vùng Tây Nguyên đã nhanh chóng trở thành vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất, nhì cả nước, với diện tích hơn 40.000 ha, chiếm 51,% diện tích cả nước, năng suất bình quân đạt 29 tạ/ha. Riêng Dak Lak là 1 trong 7 tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất nước, với trên 16.000 ha, năng suất đạt trên 3 tấn/ha, sản lượng gần 24.700 tấn. Các huyện có diện tích trồng tiêu tăng mạnh là Ea H’leo, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Năng…
Tuy nhiên, người dân không chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh hoặc trồng trên vùng đất không phù hợp; chưa chú trọng đến cây che bóng cho tiêu, bón phân hóa học với liều lượng cao mà ít quan tâm đến phân hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây tiêu… chính vì vậy mà tình hình sâu bệnh hại trên cây tiêu đang ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm gây hại bộ rễ đã làm chết hàng loạt các vườn tiêu.
Theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 805 ha nhiễm bệnh vàng lá chết chậm và 684 ha nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2015, diện tích tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh trên 84 ha và bệnh chết chậm trên 134 ha, tăng hơn 11,2 lần cả về diện tích và mức độ nhiễm bệnh so với cùng kỳ năm 2014.
Tại huyện Cư Kuin - một trong những huyện trọng điểm về cây tiêu của tỉnh, niên vụ 2014 - 2015, diện tích hồ tiêu trồng thuần đạt 2.296 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 1.500 ha, năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha. Ngoài diện tích trồng thuần nêu trên, người dân còn trồng xen tiêu trong các vườn cây lâu năm như cà phê, điều, cây ăn trái… quy lại đạt khoảng 1.035 ha, nâng tổng diện tích hồ tiêu của huyện lên 3.331 ha.
Việc phát triển hồ tiêu không hợp lý đã khiến dịch bệnh trên cây tiêu cũng bùng phát nhanh, nếu năm 2012 toàn huyện chỉ có 21,5 ha bị bệnh chết nhanh, 1,3 ha bị chết chậm, thì đến năm 2014 bệnh vàng lá chết nhanh đã tăng trên 109 ha, chết chậm 5,2 ha. Ea H’leo cũng là một huyện có diện tích tiêu tăng khá nhanh, năm 2014 toàn huyện có trên 2.648 ha, tăng trên 1.161 ha so với năm 2010.
Tuy nhiên, do người dân ồ ạt tăng diện tích mà chưa chú trọng đến công tác phòng trừ bệnh hại nên diện tích hồ tiêu bị bệnh cũng tăng nhanh, trong đó tỷ lệ vườn cây bị nhiễm bệnh chết nhanh khoảng 5 - 15%, bệnh chết chậm 4 - 10%.
Siết chặt công tác phòng chống bệnh
Hồ tiêu của Dak Lak đã có những bước phát triển ngoạn mục, tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở đây cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, trong khi chưa được kiểm soát về quy hoạch, giống tiêu, dịch bệnh và hóa chất bảo vệ thực vật; công tác sơ chế, chế biến còn thủ công, không bảo đảm chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học, kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, theo hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào...
Qua điều tra, nghiên cứu của Viện cho thấy, tiêu trồng trên trụ sống có thể cho năng suất cao từ 4 - 5 tấn/ha, không thua kém trụ chết, mặc dù trong những năm đầu phát triển có chậm hơn. Ngoài ra, nhờ có độ che bóng nhất định của tán lá cây trụ mà vườn trụ sống có năng suất tiêu ổn định hơn, ít khi có hiện tượng kiệt sức do sai quả như ở các vườn tiêu trồng trên trụ chết, chưa kể tỷ lệ vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm ở vườn tiêu trồng trên trụ chết cao hơn gấp 5 lần so với vườn trồng bằng trụ sống.
TS. Y Ghi Niê, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Dak Lak cũng cho rằng, hồ tiêu là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như khí hậu, thổ nhưỡng, trong đó yếu tố cây trụ và giống tiêu rất quan trọng. Trong kỹ thuật trồng tiêu thì trụ tiêu đóng vai trò then chốt vì là nơi cây bám vào để leo cao và cho sản lượng suốt thời kỳ kinh doanh.
Trên thực tế, người dân trồng tiêu thường sử dụng các trụ chết như: gỗ, bê tông, xây bằng gạch… nhiều hơn là các trụ cây sống (lồng mức, vông, muồng…), tuy năng suất của các vườn gần như bằng nhau, nhưng đối với vườn tiêu trồng bằng trụ sống vẫn ít bị sâu bệnh hại hơn vườn trụ chết.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, để phòng trừ bệnh hại trên cây tiêu, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm cần phải sử dụng các biện pháp tổng hợp, trong đó phòng bệnh có vai trò quyết định, đó là sử dụng cây giống sạch bệnh, thoát nước tốt, tránh làm tổn thương bộ rễ, thường xuyên bổ sung phân bón hữu cơ, sử dụng các chế phẩm vi sinh để hạn chế sự phát triển của bệnh…
Thời gian qua, Sở và các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình… bước đầu mang lại một số hiệu quả nhất định. Đặc biệt, “Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu” năm 2015 đã được phát động nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, nghiên cứu phòng chống bệnh này trên hồ tiêu, từng bước đưa cây hồ tiêu phát triển theo hướng bền vững.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao