Phát triển kinh tế từ nhãn Ido
Mô hình trồng nhãn Ido đang mang về nguồn thu ổn định cho người dân xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A và được xem là giải pháp phát triển kinh tế ở một xã nông thôn mới.
Đời sống người dân xã Nhơn Nghĩa A ngày càng khởi sắc từ trồng nhãn Ido.
Xã Nhơn Nghĩa A, một địa phương phát triển mạnh về kinh tế vườn, với nhiều loại cây trồng như cam, bưởi da xanh, chanh, xoài,… nhưng trong đó chủ lực là nhãn Ido. Dạo quanh một vòng các ấp ở xã Nhơn Nghĩa A, đặc biệt là Nhơn Ninh, Nhơn Hòa và Nhơn Phú sẽ không khó để tìm gặp những vườn nhãn Ido rộng cả héc-ta đang sai trĩu quả. Cạnh vườn là những ngôi nhà tường được mọc lên, minh chứng cho việc phát triển nhãn Ido của Nhơn Nghĩa A đang đi đúng hướng, góp phần cải thiện cuộc sống người dân. Xác định đây là một loại cây đem về lợi nhuận cao, nên anh Diệp Văn Chờ, ở ấp Nhơn Phú đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1ha đất lúa kém hiệu quả để trồng nhãn Ido. Anh Chờ chia sẻ: “Cây mới cho trái chiếng nhưng thu nhập khá hơn so với lúa. Kỹ thuật về trồng nhãn được địa phương hỗ trợ, thông qua các lớp tập huấn, tôi áp dụng đúng nên chất lượng trái to, đều, ít sâu bệnh. Hiện thương lái thu mua nhãn tại vườn với giá 22.000 đồng/kg, tôi thấy khá phấn khởi”.
Thời gian gần đây, ngành chức năng đã mở nhiều lớp tập huấn để hỗ trợ người dân trồng nhãn. Các lớp tập huấn về nhãn Ido thường hướng dẫn những kỹ thuật liên quan như lên liếp, đắp mô, chọn giống, tạo tán cây, xử lý hoa, kỹ thuật đậu trái,… Đặc biệt, các học viên sẽ thực hành trực tiếp trên vườn nhãn Ido, khi có thắc mắc đều có người hướng dẫn, giải đáp ngay. Còn hộ ông Trần Văn Vui và bà Nguyễn Thị Xuân, ở ấp Nhơn Ninh, gắn bó với nhãn Ido gần chục năm qua, nhờ giống cây trồng này mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Bà Nguyễn Thị Xuân, bộc bạch: “Hồi trước, nhà tôi cũng trồng thử nhiều loại cây nhưng không cho hiệu quả cao, từ khi chuyển sang nhãn Ido thì khởi sắc lắm. Bình quân, mỗi công nhãn sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 50 triệu đồng. Nhưng để nhãn đạt năng suất cao, khoảng 200kg/gốc, chúng tôi phải học hỏi nhiều nơi, rút kinh nghiệm qua từng năm”. Bà Xuân dự kiến khoảng tháng 2 âm lịch sẽ xuất bán hơn 10 tấn nhãn. Ngoài ra, mỗi năm gia đình bà còn chiết bán khoảng 2.000 nhánh nhãn Ido cho người dân trong và ngoài địa phương, giá 20.000 đồng/nhánh, nên thu về thêm hàng chục triệu đồng.
Thực tế cho thấy, nhãn Ido đã góp phần giúp đời sống người dân ở xã nông thôn mới Nhơn Nghĩa A ngày càng khởi sắc, đặc biệt là nâng cao thu nhập. Theo kế hoạch đề ra, cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 39 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên, đến nay con số này đã tăng lên trên 43,6 triệu đồng/người/năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để Nhơn Nghĩa A giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: “Chúng tôi dự kiến năm 2019 sẽ thành lập tổ hợp tác, nhằm liên kết việc sản xuất của người dân, cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, địa phương luôn tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay có hiệu quả để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Qua đó, từng bước đưa thương hiệu nhãn Ido của xã được nhiều người biết đến”.
Từ đầu năm đến nay, xã Nhơn Nghĩa A có khoảng 50ha đất lúa, vườn kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng nhãn Ido, nâng tổng số diện tích nhãn hiện tại là 191ha, chiếm gần 23,7% diện tích cây ăn trái toàn xã.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao