Mô hình kinh tế Phát Triển Nông Nghiệp Đô Thị Khắc Phục Hạn Chế Để Nâng Cao Hiệu Quả

Phát Triển Nông Nghiệp Đô Thị Khắc Phục Hạn Chế Để Nâng Cao Hiệu Quả

Publish date Wednesday. June 19th, 2013

Phát Triển Nông Nghiệp Đô Thị Khắc Phục Hạn Chế Để Nâng Cao Hiệu Quả

Nông nghiệp đô thị (NNĐT) Bình Dương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong thời gian tới, NNĐT sẽ có những bước phát triển mới nhờ các chính sách hỗ trợ tích cực hơn từ các ngành chức năng.

Xu thế tất yếu

NNĐT không còn là khái niệm quá xa lạ với nhiều nông dân Bình Dương. Với một địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh như Bình Dương, việc xây dựng các mô hình NNĐT là chuyện tất yếu để phù hợp với tiến trình phát triển chung của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, tuy có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh nhưng nông nghiệp luôn được chú trọng đầu tư. Ngoài ra, tại Bình Dương có nhiều nông dân rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất và mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình.

Thị trường tiêu thụ nông sản sạch của Bình Dương nhiều tiềm năng, NNĐT cũng như nông nghiệp kỹ thuật cao có thể đáp ứng được các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra các sản phẩm có chất lượng. Là một chương trình lớn, được chú ý đầu tư xây dựng, đến nay lĩnh vực NNĐT của Bình Dương đã đạt được những kết quả khả quan.

Điển hình cho hiệu quả của NNĐT chính là các mô hình trồng rau, chỉ cần trồng trong khoảng thời gian ngắn là đã có thể cho thu hoạch và có thể cho thu hoạch nhiều lần trong một vụ. Các mô hình sản xuất rau an toàn tại các địa phương như thị trấn Uyên Hưng (huyện Tân Uyên), xã Tân Định (huyện Bến Cát) hay tại phường An Thạnh và Bình Chuẩn (TX.Thuận An) đã phát huy hiệu quả thấy rõ. Các mô hình này đã có sản phẩm cung ứng cho các siêu thị, nâng cao thu nhập cho người dân và một yếu tố quan trọng khác là nâng tầm trình độ sản xuất.

Nông dân đã liên kết hình thành nên các câu lạc bộ, tổ sản xuất để hỗ trợ nhau. Ông Nguyễn Văn Đậu- Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất rau an toàn xã Tân Định chia sẻ: “Vào CLB bà con được tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, tham quan thực tế nên trình độ sản xuất được nâng cao rõ rệt. Hiện nay, các thành viên trong CLB đã thực hiện thành thục các phương pháp sản xuất mới an toàn như: sử dụng phân ủ hoai, các chế phẩm sinh học, màng phủ nông nghiệp, lưới dàn, bẫy côn trùng, ghi chép nhật ký đồng ruộng… Những cách làm này đã giúp giảm chi phí sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn PHẠM VĂN BÔNG: Sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình NNĐT ra toàn tỉnh theo kế hoạch của ngành đã đề ra. Tập trung xây dựng quy trình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ để tạo ra sự liên kết sản phẩm, cũng như chủ động trong khâu tiêu thụ trên thị trường.

Ngoài ra, tại tất cả các huyện, thị và TP.TDM đều có các mô hình NNĐT hiệu quả như trồng hoa lan, cây cảnh, nuôi cá kiểng, trồng rau mầm, rau thủy canh... Với các mô hình này, nông dân đã chú ý ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như chọn giống mới, xây dựng hệ thống tưới tự động…

Ông Phạm Văn Bông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương, cho biết: “Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo phòng nông nghiệp các huyện, thị, thành phố và các đơn vị triển khai thực hiện NNĐT. Ngành đã mở các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng tại các CLB nhà nông ở các cấp; đồng thời hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức xây dựng các mô hình NNĐT, nông nghiệp kỹ thuật cao”.

Khắc phục những hạn chế

Là một chương trình đột phá của nông nghiệp Bình Dương nên việc thực hiện trong thời gian qua không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Hầu hết các mô hình sản xuất NNĐT có quy mô nhỏ, lẻ, phân tán. Nguyên nhân chủ yếu là do các huyện, thị, thành phố chưa phân vùng quy hoạch để sản xuất. Điều này đã làm hạn chế rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm (đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao).

Các mô hình mang tính định hướng nhằm chuyển giao nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn ngân sách vẫn chưa triển khai thực hiện được (do ngân sách Nhà nước không đầu tư trực tiếp cho nông hộ). Công tác chuyển giao trong thời gian qua chủ yếu thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông, khuyến ngư với quy mô nhỏ, vốn hỗ trợ thấp, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực trồng trọt còn hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu và giá thành sản phẩm cao dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế, chưa có khả năng tham gia xuất khẩu…

Những khó khăn và hạn chế kể trên nếu được khắc phục thì chắc chắn NNĐT Bình Dương sẽ có những bước tiến xa hơn. Chương trình NNĐT kết hợp có hiệu quả với các chương trình như nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới… sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông thôn Bình Dương.


EU Tiếp Tục Là Nhà Tài Trợ ODA Lớn Nhất Cho Việt Nam EU Tiếp Tục Là Nhà Tài Trợ ODA… Triển Vọng Từ Hướng Đi Mới Của Ngành Chăn Nuôi Bò Sữa Triển Vọng Từ Hướng Đi Mới Của Ngành…