Phát Triển Vùng Cây Dược Liệu Cần Tuân Thủ Quy Hoạch Và Tránh Ồ Ạt
Lào Cai có đặc điểm khí hậu, địa hình thích hợp để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Những năm gần đây, nhiều gia đình đã trồng cây dược liệu làm hàng hóa, đem lại thu nhập khá và ổn định. Tỉnh có chủ trương không mở rộng diện tích trồng cây dược liệu ồ ạt, mà dựa trên cơ sở phân tích thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Cây xóa nghèo
Sa Pa (Lào Cai) nổi tiếng là mảnh đất của các loại cây thuốc quý có lợi cho sức khỏe, được người tiêu dùng địa phương cũng như khách du lịch mong tìm mỗi khi đặt chân đến. Bởi vậy, một số hộ dân đã đưa giống atisô và đương quy vào trồng, đem lại giá trị kinh tế cao.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, cây atisô có thể cho nguồn thu 120 triệu đồng/ha, cây đương quy 240 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện Sa Pa có 65 ha cây dược liệu các loại, riêng cây atisô chiếm gần 60 ha.
Gia đình anh Hạng A Tung, xã Sa Pả trồng được 0,5 ha cây atisô thuộc Dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Không mất nhiều công chăm sóc, trong khi giống, phân bón và kỹ thuật được ngành nông nghiệp hỗ trợ một phần nên anh Tung không băn khoăn khi trồng atisô. Ngay trong vụ đầu tiên đã cho gia đình anh Tung nguồn thu 50 triệu đồng, “chưa bao giờ tôi được cầm trong tay số tiền nhiều như thế” - anh Hạng A Tung tâm sự.
Mới đây, người dân Si Ma Cai và nhiều địa phương khác ngạc nhiên khi anh Giàng Seo Sì, xã Si Ma Cai (Si Ma Cai) đầu tư số tiền lớn để trồng cây tam thất. Mô hình chỉ khoảng 0,9 ha, nhưng mỗi đợt ngắt hoa có thể cho nguồn thu 20 triệu đồng, dự tính nếu thu hoạch củ, anh Giàng Seo Sì có thể thu tiền tỷ. Mô hình này đã mở ra hướng phát triển cây dược liệu quan trọng cho mảnh đất Si Ma Cai còn nhiều khó khăn...
Trong khi đó, các huyện Bắc Hà và Bát Xát hiện cũng đã đưa cây dược liệu vào trồng thí điểm tại một số xã vùng cao. Vụ đông năm 2012, huyện Bát Xát đã triển khai mô hình trồng cây đương quy tại xã Pa Cheo, tuy chỉ với 0,27 ha nhưng cũng cho số thu gần 65 triệu đồng…
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 228 ha cây dược liệu gồm các loài cây thế mạnh, như xuyên khung, y dĩ, atisô, đương quy, tam thất và một số cây dược liệu lâu năm như hoa hồi, thảo quả dưới tán rừng. Cây dược liệu đã khẳng định giá trị kinh tế cao, không những góp phần xóa nghèo mà còn giúp người dân vùng cao vươn lên làm giàu.
Không phát triển ồ ạt
Thực tế cho thấy, một số loại cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao nếu nó trở thành “điển hình”. Tuy nhiên, hầu hết khi các mô hình này được áp dụng rộng rãi hoặc trồng ồ ạt lại có tác dụng ngược lại do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, khó khăn cho đầu ra của sản phẩm. Trong những năm qua, tình trạng này đã diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh với một số mô hình trồng, chăn nuôi kém hiệu quả.
Ví dụ cụ thể nhất là đối với cây quế. Từ vài hộ trồng ban đầu đem lại giá trị kinh tế cao, có thể cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm/hộ, sau đó, nhiều hộ dân phát triển ồ ạt, khiến cung vượt quá cầu, đẩy giá xuống thấp, không đủ bù vốn đầu tư, nông dân đành ngậm ngùi chấp nhận thiệt hại.
Tuy nhiên, sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với quy hoạch vùng trồng và giúp người dân tìm đầu ra ổn định, cây quế đã lấy lại được vị thế và thực sự trở thành cây xóa nghèo của nhiều gia đình tại các xã vùng cao trong tỉnh.
Hay như cây chè hàng hóa. Cách đây vài năm, khi ngành nông nghiệp chưa quy hoạch vùng chè, hầu hết các địa phương “đua nhau” trồng chè.
Thế nhưng điểm tiêu thụ có hạn, cung vượt quá cầu khiến đầu ra của chè búp tươi gặp khó khăn. Không ít hộ dân chán nản chặt bỏ cây trồng từng được hy vọng là cây xóa đói, giảm nghèo. Sau khi ngành nông nghiệp quy hoạch vùng chè hàng hóa với phương châm không phát triển ồ ạt, tình trạng đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Giá thu mua chè tăng, nhiều gia đình có nguồn thu ổn định từ trồng chè.
Lợi ích kinh tế từ cây dược liệu đã rõ ràng, tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, xuất phát từ thực tế cây trồng nào nếu phát triển ồ ạt đều gặp vướng mắc ở thị trường tiêu thụ.
Để nâng cao giá trị kinh tế của cây dược liệu, UBND tỉnh đã sớm có quy hoạch và định hướng mở rộng diện tích dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường, đặc biệt chú trọng thúc đẩy sự liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm.
Trong đó, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh sẽ phát triển vùng cây dược liệu ổn định từ 350 - 400 ha, tập trung tại các huyện Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương với các loại cây như atisô, giảo cổ lam, xuyên khung. Vấn đề liên kết với doanh nghiệp là rất quan trọng, điển hình như tại Sa Pa, cây atisô được Công ty TNHH một thành viên Traphaco thu mua với giá ổn định; tại Bắc Hà, Bát Xát, cây dược liệu cũng được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Song song với quy hoạch, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách ưu tiên nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp phát triển cây dược liệu như hỗ trợ giống, kỹ thuật, chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất dược liệu. Với quy hoạch cụ thể, có sự liên kết các nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong tương lai, cây dược liệu hứa hẹn sẽ trở thành tiềm năng đem lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Nguồn bài viết: http://www.baolaocai.vn/3-0-29084/phat-trien-vung-cay-duoc-lieu-can-tuan-thu-quy-hoach-va-tranh-o-at.aspx
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao