Phòng bệnh cho cá nuôi mùa nắng nóng và thời điểm giao mùa
Khi nhiệt độ tăng làm quá trình trao đổi chất của cá tăng do đó làm tăng nhu cầu sử dụng oxy, tuy nhiên nhiệt độ cao cũng làm oxy hòa tan vào nước thấp dẫn đến thiếu hụt oxy cho cá từ đó làm cá stress và dễ bị bệnh. Bài viết đưa ra một số giải pháp để chăm sóc phòng bệnh cho cá nuôi trong thời điểm nắng nóng và giao mùa.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe cá nuôi. Ảnh minh họa
Chăm sóc cá nuôi trong mùa nóng
Theo khuyến cáo của TTKN Thái Bình để chăm sóc cá nuôi trong mùa nóng cần thực hiện những biện pháp sau:
* Đối với các trại sản xuất giống thủy sản
- Với ao nuôi cá bố mẹ cần bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi, đảm bảo số lượng nước, chất lượng nước; có thể làm mái che khung bằng kim loại, rồi phủ lưới đen lên trên để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá bố mẹ; tăng cường công tác phòng bệnh vào thời điểm nắng nóng.
- Với ao ương đảm bảo bổ sung nước thường xuyên; chăm sóc và quản lý tốt các ao ương cá giống; tính toán mật độ nuôi phù hợp; khuyến khích dùng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường; định lượng thức ăn hàng ngày cho từng đối tượng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cá giống. Những ngày nắng nóng không nên kéo cá vào bể ép, xuất bán hay vận chuyển cá giống.
* Đối với nuôi cá trong ao, hồ nhỏ:
Duy trì mực nước trong ao từ 1,5- 2m trong suốt mùa hè, đồng thời thả bèo tây trên mặt ao chiếm khoảng 1/3 diện tích để làm chỗ trú cho cá. Nâng cao sức khỏe đàn cá trong ao. Sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn liều lượng 3-5g/100kg cá/ngày để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Giảm khẩu phần cho ăn xuống khoảng 50-60% vào những ngày nắng nóng có nhiệt độ nước trên 35oC.
* Đối với nuôi cá lồng bè:
Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa lại lồng nuôi, bảo đảm lồng vững chắc, cần hạ thấp lưới lồng xuống, đối với lồng lưới cần phải đậy nắp lồng để tránh thất thoát. Đảm bảo độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5-3m. Dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá.
Phòng bệnh cho cá thời điểm giao mùa
Việc thay đổi thời tiết tạo thuận lợi cho mầm bệnh trên cá phát triển nhanh, chủ yếu là các bệnh về ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, vi rút... Do đó, người nuôi cá cần chú ý các biện pháp phòng bệnh tổng hợp để tránh thiệt hại.
Trước khi vào vụ mới cần chuẩn bị giống tốt, sạch bệnh, đồng thời cải tạo ao như vét bùn đáy ao để diệt khuẩn. Bón vôi diệt mầm bệnh với liều lượng 7- 10 kg/100m2. Tùy theo diện tích ao nuôi và loài cá nuôi mà có mật độ nuôi phù hợp, không nên nuôi dày quá. Cá giống trước khi thả cần được tắm bằng nước muối với liều lượng 2- 3 g/lít trước khi thả giống.
Tuyệt đối không sử dụng thức ăn ôi thiu cho cá ăn. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều vào lúc trời dịu mát, rửa sạch dụng cụ cho ăn. Định kỳ treo túi vôi 3- 5 kg/túi xung quanh chỗ cho ăn. Bổ sung thêm vitamin C trong thức ăn để tăng sức đề kháng (liều lượng 40 g/100kg cá, định kỳ 2 lần/tuần).
Ngoài ra, có thể tăng sức đề kháng cho cá bằng thảo dược, cây ngoài tự nhiên như cắt nhỏ thân cây chuối rồi cho cá ăn. Ép lấy nước cây cỏ mực nghiền nhỏ cho cá ăn cả bã với khẩu phần 3 kg/100kg cá/ngày. Tỏi xay thật nhỏ trộn vào thức ăn với liều lượng 100- 300 g/100kg cá, cho ăn liên tục 1 tuần. Cây nghể băm nhỏ, nấu kỹ lấy nước, bỏ bã, sau đó trộn vào thức ăn. Cho cá ăn 300g thân, lá tươi/100kg cá trong 3- 6 ngày liên tục (lưu ý cây nghể có tính nóng vì vậy không nên cho quá liều lượng). Cây rau sam cho cá ăn với liều lượng 1,5- 3 kg/100kg cá, trước khi cho cá ăn, cần rửa sạch rau sam bằng nước muối.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao