Tin nông nghiệp Phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm mùa mưa bão

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm mùa mưa bão

Author BSTY. Trần Thị Khuyến, publish date Monday. August 5th, 2019

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm mùa mưa bão

Mưa bão là yếu tố ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng, phát triển của gia súc, gia cầm. Để bảo vệ đàn gia súc gia cầm, tránh thiệt hại do mưa bão gây ra ngoài việc thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số việc sau:

* Trước mùa mưa bão, lũ lụt:

- Kiểm tra và chằng chống chuồng trại để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng bão, lũ. Chuồng nuôi lợp bằng lá, tôn, fibro xi măng chưa kiên cố thì cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão.

- Kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực, hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ lụt, làm sàn kê cao, làm rèm che chắn, tránh mưa tạt, gió lùa.

- Dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, đủ về lượng và đảm bảo về chất: Đối với trâu, bò: Cần dự trữ thức ăn xanh, có thể  phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân cây bắp. Đối với lợn, gia cầm: Dự trữ thức ăn tinh và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Chuẩn bị đầy đủ vật tư thuốc thú y…

- Áp dụng triệt để quy trình chăn nuôi an toàn sinh học giúp vật nuôi có đủ khả năng chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi phù hợp với giống, lứa tuổi, tính biệt và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm. Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho gia súc, gia cầm:

Vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho mỗi loại vật nuôi: Đối với trâu, bò: bệnh Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng; Đối với lợn: bệnh Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Lở mồm long móng, Tai xanh…; Đối với gia cầm: Vịt, ngan cần tiêm phòng Dịch tả vịt, Viêm gan do vi rút, Cúm gia cầm, Tụ huyết trùng…; Gà cần tiêm phòng vắc xin Niu cát xơn, Gumboro, Cúm gia cầm, Tụ huyết trùng…

Bổ sung các loại vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa khi thời tiết bất lợi.

- Những ngày mưa bão lớn thường bị mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, bếp trấu, củi… để giữ ấm.

- Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầm lớn thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do bão lụt.

* Trong và sau mưa bão, lũ lụt:

- Di chuyển vật nuôi lên chỗ cao ráo không bị ngập lụt, che chắn chuồng trại không để mưa tạt, gió lùa. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi.

- Cho vật nuôi ăn đủ lượng, đủ chất dinh dưỡng, tuyệt đối không cho ăn thức ăn đã bị ẩm, mốc hay ôi thiu. Cho uống nước sạch, bổ sung Vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm có thể dùng Chloramin-B, T để khử trùng.

- Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó. Định kỳ, tuần 1 - 2 lần phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Benkocid, HanIodine...

- Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm những bất thường như uể oải, ủ rũ, kém ăn… để cách ly kịp thời và có biện pháp điều trị thích hợp. Không được bán hoặc phát tán gia súc, gia cầm ốm, chết và chất thải của chúng ra môi trường xung quanh. Khai báo ngay với nhân viên thú y xã, trưởng thôn và chính quyền địa phương hoặc Trạm Thú y cấp huyện khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn… để được hướng dẫn phòng, chống.


Nuôi gà an toàn sinh học Nuôi gà an toàn sinh học Máy phun thuốc đeo vai cải tiến Máy phun thuốc đeo vai cải tiến