Tin nông nghiệp Phòng trị nhện đỏ hại cây mai

Phòng trị nhện đỏ hại cây mai

Author Nguyễn Khang Thái, publish date Saturday. March 17th, 2018

Phòng trị nhện đỏ hại cây mai

Những con nhện này có tên khoa học là Tetranychus sp. Chúng gây hại khá nhiều loại cây,...

Hỏi: Vườn mai của chúng tôi đang ở thời kỳ sung sức, chuẩn bị bán Tết, nhưng không rõ tại sao trên những lá già hoặc những lá bánh tẻ tự nhiên lại xuất hiện những con vật nhỏ tý xíu như con mạt gà, mầu đỏ nâu đậm hoặc mầu hồng, mầu vàng, chúng bò lăng xăng ở mặt dưới và cả mặt trên của lá mai. Sau khi chúng xuất hiện một thời gian thì ở mặt trên của lá mai có những vết trắng lấm tấm, sau đó thì lá trở nên thô cứng, chuyển sang mầu nâu đồng loang lổ, lá phồng lên như bánh tráng... Xin cho biết đó là sâu bệnh gì? Làm cách nào để phòng trị những sâu bệnh này?

Tô Văn Bình và một số nhà vườn trồng mai ở Quận 12 (Tp. Hồ Chí Minh)

Trả lời: Qua mô tả và những tấm ảnh mà các bạn đã cẩn thận gửi kèm, chúng tôi cho rằng cây mai ở chỗ các bạn đang bị con nhện đỏ gây hại. Những con nhện này có tên khoa học là Tetranychus sp. Chúng gây hại khá nhiều loại cây, từ cây ăn trái, cây rau mầu cho đến một số loại cây hoa kiểng…

Cơ thể của chúng rất nhỏ (dưới 1 mm), hình bầu dục và có 8 chân. Khi mới nở nhện có mầu xanh vàng lợt, khi lớn chúng chuyển dần sang mầu hồng và đỏ đậm. Muốn quan sát kỹ chúng các bạn phải có kính lúp có độ phóng đại nhiều lần. Một con nhện cái có thể đẻ hàng chục quả trứng, đã thế vòng đời của nhện lại ngắn vì thế chúng tích lũy mật số khá nhanh, dễ bộc phát gây hại nặng nếu gặp điều kiện thuận lợi.

Cả nhện trưởng thành và nhện non đều bu bám trên bề mặt của lá, cạp ăn biểu bì và chích hút dịch của lá từ khi lá bước vào giai đoạn bánh tẻ trở đi, làm cho lá có những vết trắng lấm tấm giống bụi cám như các bạn đã thấy, sau đó lá chuyển dần sang mầu xanh đen và nâu hơi đậm loang lổ như các bạn đã mô tả trong thư là mầu nâu đồng, phiến lá bị phồng lên như bánh tráng. Nếu không phát hiện và có biện pháp diệt trừ kịp thời, bộ lá của cây hoa mai sẽ bị cằn lại, thô cứng và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cây mai, nhất là thời gian này cây mai đang chuẩn bị cho nụ hoa để nở hoa cho Tết.

Do cơ thể của nhện rất nhỏ mắt thường khó nhìn thấy, mà chúng ta chỉ nhìn thấy di chứng gây hại của chúng để lại trên lá. Nên trong thực tế đã có những chủ vườn mai cứ tưởng cây mai bị bệnh và điều trị theo hướng dùng thuốc trừ bệnh nên không thấy “bệnh” thuyên giảm.

Để phòng trị loại nhện này các bạn có thể tiến hành một số công việc sau đây:

- Không nên trồng hoặc đặt các chậu mai quá sít nhau, để vườn mai có độ thông thoáng.

- Hàng ngày khi chăm sóc vườn mai, các bạn nên chú ý quan sát cây mai, kiểm tra bộ lá mai (nhất là những lá từ giai đoạn bánh tẻ trở đi) để phát hiện sớm và có biện pháp diệt trừ nhện kịp thời. Do cơ thể của nhện rất nhỏ vì thế để dễ phát hiện nhện các bạn phải dùng kính lúp, nếu không có kính lúp các bạn có thể kiểm tra bằng cách gián tiếp như sau: ngắt những lá mai nghi có nhện đặt vào giữa hai tờ giấy trắng rồi lấy tay vuốt nhẹ phía ngoài tờ giấy, nếu thấy trên mặt giấy có những chấm nhỏ mầu vàng xanh, hồng hay đỏ thì lá đó đang có nhện gây hại, những chấm này càng nhiều thì chứng tỏ mật độ của nhện càng cao. Khi phát hiện có nhiều nhện trên cây các bạn có thể dùng một trong các lọai thuốc sau đây để phun xịt: Vimite 10ND; D-C-Tron Plus 98,8EC; Vibamec 1.8EC; Vimatox 1.9EC; Danitol 10EC; Comite 73EC; Pegasus 500SG; Cascade 5EC; Nissuran 5EC...

Do nhện là một loài dịch hại rất dễ kháng thuốc, vì thế các bạn không nên chỉ dùng một loại thuốc liên tục trong một thời gian dài (dù thuốc đó diệt nhện rất tốt) mà các bạn nên dùng luân phiên những loại thuốc trên đây với nhau. Về liều lượng và cách sử dụng các bạn có thể đọc hướng dẫn có tin trên nhãn thuốc.


Biện pháp phòng chống rét cho cây trồng Biện pháp phòng chống rét cho cây trồng Diệt trừ bù lạch hại cây mai Diệt trừ bù lạch hại cây mai