Dưa hấu Phòng trừ bọ trĩ trên dưa hấu

Phòng trừ bọ trĩ trên dưa hấu

Author Nguyên Khang, publish date Tuesday. March 1st, 2022

Phòng trừ bọ trĩ trên dưa hấu

Trong nhóm cây rau màu như dưa leo, cà tím bí đao, khổ qua… thì dưa hấu là loại cây trồng bị bọ trĩ gây hại nặng nhất. Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có sức đề kháng thuốc cao và mau quen thuốc. Do đó, để phòng trừ hiệu quả, nông dân cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để bảo vệ rau màu.

Nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sự hiện diện của bọ trĩ.

Bọ trĩ xuất hiện nhiều mùa nắng nóng

Vụ dưa hấu tết vừa qua, không ít bà con nông dân tại Bình Tân kém vui vì bọ trĩ xâm hại dưa hấu, khiến vụ dưa tết tuy được giá nhưng năng suất không cao.

Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Tân Hưng- Bình Tân), cho hay: “Tôi trồng 4 công dưa, nhưng năm nay thất mùa do bọ trĩ tấn công nhanh quá, trị không kịp, khiến ruộng dưa “èo uột”, “quắn quéo”, trái nhỏ, năng suất giảm 30- 40% so với năm trước”.

Một số nông dân chia sẻ, thành trùng và ấu trùng bọ trĩ rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây khiến cho lá non xuất hiện những đốm nhỏ màu vàng nhạt và xoăn lại. Tại một số ruộng dưa hấu, mật độ bọ trĩ xuất hiện lớn khiến cho hoa rụng, không đậu trái hoặc trái không lớn, lá vàng, khô héo, cây cằn cỗi, yết ớt. Do bọ trĩ tập trung chủ yếu ở đọt non nên khi bị gây hại nặng, đọt non thường phát triển dựng đứng lên, sẽ bị non sượng, ngóc đầu lên cao, hay gọi là dưa “đầu lân”.

Theo ngành chức năng, bọ trĩ là đối tượng gây hại làm điêu đứng một số vùng trồng dưa. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm cho cây dưa. Do kích thước khá nhỏ và do bọ trĩ thường ẩn nấp ở mặt dưới của lá đọt, bên dưới các lông hiện diện trên mặt dưới lá nên rất khó phát hiện bọ trĩ nếu quan sát không kỹ. Trên lá non, trong quá trình chích hút, gây hại, bọ trĩ non thải phân ra có màu xanh rất đặc trưng, tuy nhiên vào giai đoạn trưởng thành, phân của bọ trĩ có màu hơi đen.

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, cho hay: Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô, có sức đề kháng thuốc cao và mau quen thuốc. Gặp điều kiện thích hợp, bọ trĩ phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất dưa và nhiều loại rau màu, cây trồng khác.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp- PTNT), không chỉ gây hại qua chích hút các chất dinh dưỡng của cây trồng mà nhiều loài bọ trĩ còn truyền nhiều bệnh vi rút cho cây ký chủ, bên cạnh đó vết chích của bọ trĩ trên cây trồng còn là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại nấm bệnh khác. Để có cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu xây dựng quy trình quản lý tổng hợp bọ trĩ trên rau màu, ngành nông nghiệp cũng đã giới thiệu đến bà con nông dân một số triệu chứng cũng như biện pháp phòng trị bọ trĩ tổng hợp trên rau màu. Từ đó, góp phần phát triển cây rau theo hướng an toàn, bền vững và có hiệu quả kinh tế cao.

Chủ động phòng trừ sớm

Để xử lý bọ trĩ hại dưa hấu nói riêng và các loại rau màu nói chung, ông Dương Ái Đạo khuyến cáo: Cần chú ý dọn sạch tàn dư của mùa vụ trước, bón phân, tưới nước đầy đủ cho dưa sinh trưởng tốt, chọn giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, đồng thời, bảo vệ các loại thiên địch ký sinh như kiến vàng, ong.

Cần phải áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, nên trồng đồng loạt và tránh trồng gối vụ. Vào mùa khô cần tưới nước thường xuyên cho cây có điều kiện phát triển tốt và điều hòa nhiệt độ trong ruộng, từ đó hạn chế sự gây hại của bọ trĩ. Đối với ruộng dưa tỷ lệ nhiễm 3- 5% có thể dùng biện pháp thủ công như ngắt đọt non bị bọ trĩ tấn công, sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế tác hại ban đầu. Đối với dây bị nặng phải ngắt bỏ để hạn chế lây lan.

Theo đó, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên để điều tra, phát hiện sớm sự hiện diện của bọ trĩ trên cây con trước khi trồng ra ruộng và sau khi đưa ra ruộng. Sử dụng kính lúp quan sát sự hiện diện của bọ trĩ trên đọt non, lá non, kết hợp với việc đặt bẫy dính màu xanh lá cây hoặc màu vàng, đồng thời quan sát sự hiện diện của triệu chứng. Thời gian điều tra tốt nhất là buổi sáng từ 7- 8 giờ hoặc buổi chiều từ 16 -17 giờ.

Trên những vùng thường xuyên bị nhiễm nặng, đặc biệt vụ Hè Thu, nắng nóng kéo dài, trong giai đoạn từ lúc cây con (7- 10 ngày tuổi) được đưa ra ruộng cho đến khi cây ra nụ và tượng trái non (khoảng 35 ngày sau khi gieo) có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các loại thuốc sinh học, thân thiện với môi trường, để ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của bọ trĩ.

Phun đúng liều lượng khuyến cáo, phun vào lúc sáng sớm hay chiều mát vì lúc này bọ trĩ thường bò ra phía ngoài nên dễ trúng thuốc. Có thể kết hợp với thuốc kích thích sinh trưởng với liều lượng vừa phải, giúp cây phục hồi.


Các loại sâu hại chính trên cây dưa hấu Các loại sâu hại chính trên cây dưa…