Tin nông nghiệp Phòng trừ nhện hại trên cây có múi trong mùa nắng nóng

Phòng trừ nhện hại trên cây có múi trong mùa nắng nóng

Author Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục Bảo vệ Thực vật, publish date Saturday. June 2nd, 2018

Phòng trừ nhện hại trên cây có múi trong mùa nắng nóng

Nhện là loài sinh vật gây hại phổ biến trên cây có múi, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng và khô là thích hợp cho nhện phát triển và gây hại mạnh. 

Nhóm nhện gây hại thường có kích thước rất nhỏ, không giống với các loài nhện thiên địch. Nhện có vòng đời rất ngắn, khả năng sinh sản cao, tạo nhiều thế hệ trong một năm, vì thế dễ bộc phát thành dịch trong một thời gian ngắn. 

Trên cây có múi phổ biến có 3 loài nhện.

- Nhện vàng thuộc họ Eriophyidae, bộ Acari. Trưởng thành màu vàng tươi, có hình dạng giống như củ cà rốt, con cái kích thước dài khoảng 0,1mm. Trưởng thành đẻ trứng vào những phần lõm trên trái và trên bề mặt lá. Nhện gây hại trên trái, lá và cành nhưng quan trọng nhất là trên trái. Trên trái, nhện gây hại giai đoạn trái non, bằng cách cạp và chích hút dịch của vỏ trái, làm vỏ trái bị nám và có hiện tượng da lu. Trái bị hại thường có vỏ dày hơn bình thường và trái nhỏ kém phát triển, giảm phẩm chất trái.

- Nhện đỏ thuộc họ Tetranychidae. Trưởng thành nhện đỏ tròn, dài khoảng 0,35mm, màu đỏ sậm. Nhện đỏ tấn công trên lá và trái chích cạp và hút nhựa lá và trái. Trên lá, nhện bám ở mặt dưới lá, vết cạp và hút tạo thành những chấm nhỏ li ti trên mặt lá. Khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc, sau đó lá bị khô và rụng. Nhện đỏ tấn công cả trên cành non, làm cành khô và chết. Trên trái, nhện đỏ sống tập trung ở phần cuống trái, đít trái và trong các phần lõm của trái. Khi trái còn non, nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì và làm vở tuyến tinh dầu trên vỏ trái, sau đó vỏ trái bị biến màu, tạo những đốm nhám sần sùi trên vỏ trái (nông dân còn gọi là da cám).

- Nhện trắng thuộc họ Tarsonemidae. Trưởng thành cái có màu trắng hay màu vàng nhạt, cơ thể có hình bầu dục dài khoảng 0,2mm. Nhện trắng thường thích tấn công phần vỏ trái non nằm trong tán lá. Khi bị gây hại, bề mặt vỏ trái mất màu, phát triển không đều, gần giống triệu chứng da cám. Trái có thể bị biến dạng ngưng phát triển và rụng sau đó. Khi mật số cao, nhện trắng tấn công cả lá non, làm lá biến màu và phát triển cong queo.

* Biện pháp phòng trừ

- Trong điều kiện tự nhiên, nhóm nhện gây hại cũng bị nhiều loại thiên địch tấn công. Có nhiều nhện thiên địch thuộc họ Phytoseiidae làm giảm mật số nhện hại.

- Phun nhiều nước lên tán cây trong mùa nắng nóng cũng hạn chế sự phát triển của nhện.

- Thăm vườn thường xuyên, nhất là giai đoạn trái non khi thấy trong vườn có một số trái bị da lu, da cám thì tiến hành kiểm tra ngay sự xuất hiện của nhện trên trái, quan sát kỹ những trái nằm trong tán vì nhện thường tập trung cao vào phía này.

- Biện pháp hóa học: sử dụng dầu khoáng hoặc các loại thuốc đặc trị nhện như Comite, Pegasus, Daconil,.. (theo liều lượng khuyến cáo trong bao bì), phun giai đoạn trái non. Nhện rất mau kháng thuốc, khi sử dụng thuốc hóa học cần luân phiên.


Phòng trừ bệnh loét trên cây có múi trong mùa mưa Phòng trừ bệnh loét trên cây có múi… Hưng Khánh Trung B với mô hình xử lý sầu riêng cho trái nghịch vụ Hưng Khánh Trung B với mô hình xử…