Tin thủy sản Phòng và điều trị bệnh thủy sản sau bão lũ

Phòng và điều trị bệnh thủy sản sau bão lũ

Author Thanh Thủy, publish date Thursday. October 10th, 2024

Phòng và điều trị bệnh thủy sản sau bão lũ

Trong bối cảnh bão lũ kéo dài, sức khỏe thủy sản nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, các loại tôm, cá, nhuyễn thể dễ mắc bệnh hơn do biến đổi môi trường.

Bão lũ không chỉ gây thiệt hại về vật chất khi phá vỡ lồng bè mà còn tạo ra áp lực lớn cho người nuôi thủy sản khi phải khắc phục môi trường sau bão. Nước mưa, nước thải làm thay đổi chất lượng nước trong các ao đầm, dẫn đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh cho tôm, cá và nhuyễn thể.

Các bệnh thường gặp

Theo Tiến sĩ Trương Văn Thượng, giảng viên tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản, sau bão lũ, môi trường nước sẽ bị biến đổi mạnh mẽ. “Sốc môi trường là một trong những bệnh phổ biến nhất ở thủy sản sau những cơn mưa lớn hoặc bão. Khi có mưa lớn, độ mặn trong nước sẽ giảm xuống, gây sốc cho các loại thủy sản. Nếu pH cũng giảm, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng”, Tiến sĩ Trương Văn Thượng nói.

Cũng theo lời giảng viên của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật và Thủy sản, một số bệnh thường gặp ở thủy sản trong thời kỳ này bao gồm bệnh do vi khuẩn. Cá thường dễ mắc các bệnh như lở loét, vi khuẩn Vibrio dễ dàng tấn công khi sức đề kháng của chúng giảm, đặc biệt là sau khi bị thương do va đập hoặc trong điều kiện nuôi nhốt đông đúc.

Thiếu oxy trong ao nuôi, đặc biệt là trong mùa mưa, thường dẫn đến hiện tượng phân tầng trong nước. Các lớp nước không được hòa trộn với nhau có thể khiến cá ở tầng dưới thiếu oxy, gây ra tình trạng cá nổi lên mặt nước hoặc chết do ngạt thở.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản Miền Bắc, cho biết thêm: “Sau bão, hệ miễn dịch của thủy sản thường suy giảm, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn”.

Bên cạnh bệnh nhiễm khuẩn gây bệnh đốm đỏ, lở loét, nấm và ký sinh trùng cũng gây ra nhiều vấn đề cho thủy sản nhất là cá chép và trắm cỏ khi còn nhỏ. Các loại ký sinh trùng như trùng mỏ neo, trùng bánh xe, sán lá đơn chủ và rận cá có thể làm giảm sức khỏe của cá, dẫn đến tình trạng chết hàng loạt nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Biện pháp phòng ngừa

Để giảm thiểu rủi ro, Tiến sĩ Trương Văn Thượng lưu ý người nuôi thủy sản cần chú ý đến một số biện pháp phòng ngừa. “Chúng ta cần thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, đặc biệt là độ mặn và pH”, chuyên gia khuyến cáo. "Nếu phát hiện biến đổi, cần nhanh chóng xử lý bằng cách rải vôi bột để ổn định độ pH và khử trùng ao. Liều lượng khoảng 200-300 kg/ha. Sau khi xử lý bằng vôi, chờ 2-3 ngày và bón vi sinh để cải thiện chất lượng nước".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà chung quan điểm với Tiến sĩ Trương Văn Thượng, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc bổ sung các chất tăng cường miễn dịch vào thức ăn là cần thiết. Các chất này bao gồm: Beta glucan: liều lượng từ 5-10 gram/100 kg cá; vitamin C: 2-3 gram/100 kg cá; men tỏi: 1 đến 1,5 lít/1 tấn thức ăn. Thực hiện trộn vào thức ăn liên tục trong 5-7 ngày một đợt.

Điều trị bệnh

Khi đã phát hiện bệnh, việc điều trị kịp thời là rất quan trọng. Nếu thấy cá có dấu hiệu bệnh như nổi đầu, bơi lờ đờ, hoặc bỏ ăn, cần can thiệp kịp thời.

Để điều trị bệnh ký sinh trùng như trùng mỏ neo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà gợi ý bà con dùng lá xoan xay nhỏ và hòa tan vào nước, sau đó phun đều lên ao. Trong lá cây xoan có chứa chất Alkaloid, khi ngâm tan ra có tác dụng diệt trùng mỏ neo rất mạnh. Đặc tính của cây xoan có vị đắng, cá được cọ xát thì những con trùng mỏ neo, trùng bánh xe không bám vào vây và da.

Theo bà Hà, thảo dược như tỏi có tác dụng rất tốt trong điều trị bệnh do vi khuẩn. “Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng bột tỏi có thể giúp nâng cao sức đề kháng cho cá”, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh Thủy sản Miền Bắc nói.

Trong trường hợp nặng, có thể sử dụng kháng sinh (lưu ý: chỉ sử dụng loại kháng sinh cho phép trong nuôi trồng thủy sản) để điều trị bệnh do vi khuẩn. Tiến sĩ Trương Văn Thượng khuyến nghị: “Việc điều trị bằng kháng sinh phải thực hiện theo đúng liều lượng và hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh kháng thuốc”.

Chú trọng đến việc quản lý môi trường, dinh dưỡng hợp lý, cùng với việc áp dụng các phương pháp điều trị khoa học sẽ giúp bà con nông dân duy trì và phát triển sản xuất thủy sản bền vững. Với những thông tin từ các chuyên gia, hy vọng rằng bà con sẽ có thêm kiến thức hữu ích để bảo vệ đàn thủy sản của mình trong thời điểm khó khăn.


Chuyên gia gợi ý cách xử lý môi trường nước nuôi thủy sản sau thiên tai Chuyên gia gợi ý cách xử lý môi… Giảm lượng, tăng chất để thủy sản có đủ năng lượng phục hồi sau thiên tai Giảm lượng, tăng chất để thủy sản có…