Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá bống tượng
Cá bống tượng là một trong những loài thuỷ đặc sản được nuôi phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long mang lại giá trị kinh tế cao. Cá bống tượng không khó nuôi, tuy nhiên khi nuôi cá bống tượng người nuôi cần lưu ý phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá bống tượng để đạt năng suất cao.
Ảnh minh họa
1/ Bệnh do độc chất và môi trường thường có mấy dạng chính: mang cá bị dơ do đáy ao bị dơ bẩn hoặc có thể bị nhiễm khuẩn, nấm và nguyên sinh động vật; cá có da màu vàng tái nhạt hoặc vàng nghệ do thức ăn kém dinh dưỡng (cá tạp dùng làm thức ăn bị ươn, giá trị dinh dưỡng kém hoặc bị ôi thối có nhiều chất độc hay nấm mốc, vi khuẩn gây bênh…) thường thấy ở cá lớn (cá thương phẩm); cá bị ốm, đầu to, bơi lội yếu do dinh dưỡng như thiếu thức ăn và thức ăn chất lượng kém.
Để phòng và trị bệnh, người nuôi cần cải tạo môi trường nuôi kỹ, duy trì môi trường nước sạch, cho cá ăn đầy đủ, định kỳ bổ sung Vitamin C vào thức ăn, thường xuyên kiểm tra môi trường nước và điều chỉnh khi cần thiết.
2/ Bệnh do nguyên sinh động vật thường do các loại trùng mỏ neo, rận cá, nấm thủy mi… gây nên. Nhóm sinh vật này bám vào các cơ quan bên ngoài của cá để hút máu, chất dinh dưỡng, làm cho cá bị đau, ngứa ngáy khó chịu, bơi lội không định hướng, khó thở; tạo ra những vết thương trên bề mặt cơ thể và ở mang, hầu của cá, tạo điều kiện cho các tác nhân khác gây bệnh như: nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn… xâm nhập.
Để phòng bệnh, người nuôi cần kiểm tra cá trước khi thả, nếu thấy có dấu hiệu cá bị sinh vật ký sinh phải dùng thuốc tím 10 – 25 g/m3 tắm trong 1 giờ hoặc muối 25g/m3 tắm trong 10 – 15 phút. Ngoài ra luôn giữ môi trường nuôi tốt, hạn chế mùn bã hữu cơ tích tụ nhiều ở nền đáy ao và duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong nước cao.
Khi cá nuôi đã nhiễm bệnh, người nuôi sử dụng một trong các loại hóa chất sau: dùng lá xoan liều lượng 0,3 – 0,5kg/m3 nước treo trong ao; Dùng WanWay liều lượng: 1 lít/5.00m3 nước phun trực tiếp xuống ao nuôi. Đối với nấm thủy mi, dùng thuốc tím (KMnO4) 25g/m3 tắm trong 15 – 20 phút; dùng Formol 15 – 20g/m3 phun trực tiếp xuống ao nuôi. Lưu ý, khi sử dụng thuốc xong thấy kết quả tốt thì sau 2 – 3 ngày tiến hành thay nước ao nuôi.
3/ Bệnh do vi khuẩn: các dạng bệnh do vi khuẩn thường gặp như: cá bệnh sẫm màu từng vùng ở bụng, xuất hiện nhiều mảng đỏ hay đốm đỏ trên cơ thể; hoại tử đuôi, vây, xuất hiện các vết thương trên lưng; các khối u trên bề mặt cơ thể; vẩy dễ rơi rụng; mắt lồi, mờ đục và lồi ra; xoang bụng chứa dịch nội tạng bị hoại tử, bề mặt cơ thể có thể chảy máu; tuột nhớt nhưng không xuất huyết vây và hậu môn…
Khi nhiễm bệnh, cá bơi lội lờ đờ gần mặt nước; giảm ăn hoặc bỏ ăn; màu sắc bị thay đổi; cá bị lở loét từng đốm màu đỏ trên thân; bụng trướng đầy hơi, nổi lờ đờ trên mặt nước; vây bơi bị rách đứt, cá bị tuột nhớt.
Để phòng bệnh, người nuôi giữ cho môi trường tốt (nhất là nền đáy), cho cá ăn đầy đủ lượng và chất, hạn chế tối đa nguồn lây bệnh bên ngoài vào (nguồn nước cấp cho ao), nuôi ở mật độ vừa phải.
Đối với một số bệnh do vi khuẩn gây ra nếu phát hiện sớm có thể chữa trị được bằng những biện pháp sau: Dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cá liều lượng dùng 4g/m3 trong thời gian 30 phút, xử lý lặp lại sau 3 ngày; hoặc dùng định kỳ 2 – 3 tuần/lần tùy theo sức khỏe của cá. Cải thiện nền đáy ao nuôi (sử dụng chế phẩm sinh học): cho cá ăn đầy đủ kết hợp với một số men tiêu hóa và vitamin C, khoáng vi lượng.
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao