Phú khùng và giấc mơ làm dầu sinh học
Nông dân Bình Lợi (Bình Chánh, TP.HCM) gọi anh là Phú “khùng” bởi đang là đại gia cây kiểng bỗng dưng nhảy sang trồng cọ dầu – thứ cây nhiều nông dân ở đây còn không biết “mặt mũi” ra sao.
Trong cái hạn “bà chằn”, tôi cùng nhóm thương nhân Italia đến nông trang cọ dầu xem anh Lê Phong Phú (Bình Lợi, Bình Chánh) thu hoạch trái. Trên đường đi, cứ một chặp chúng tôi lại vượt qua một khu rừng cọ dầu. Phú bảo của anh tất. Tại khu vực này anh có gần 40ha cọ dầu. Phần lớn diện tích là đất thuê.
Trong ảnh: Vườn cọ dầu đang cho thu hoạch của gia đình anh Phú. Ảnh: T.Đ.
Không theo lối mòn…
Theo anh Phú, hiện đầu tư 1ha cọ mất 80 triệu đồng, nhưng sẽ thu hoạch trái suốt trong 25 năm. Thu lãi từ dầu cọ hàng năm khoảng 50 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, có thể tận thu sản phẩm phụ và tổ chức chăn nuôi, trồng trọt xen canh trong vườn.
Lâu nay tôi vẫn nghĩ, cây cọ dầu không thể thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng như vùng đất Bình Lợi với lượng phèn nặng và khả năng ngập úng cao. Cây cọ dầu chỉ phát triển tốt trên đất pha cát và ưa thích nơi có nhiều nắng.
Nghe tôi thắc mắc, anh Phú giãi bày: “Sách vở là vậy, nhưng thực tế đôi khi khác. Ví như ở đây, cây cọ dầu trồng vẫn phát triển tốt, mặc dù đôi khi bị nước ngập và chịu ảnh hưởng của phèn chua. Mỗi quầy cọ khi thu hoạch từ 5 – 7kg trái, trái to, cơm dày”.
Như để chứng minh, anh Phú đưa đoàn vào khu cọ dầu đang thu hoạch trái. Tại đây, từng nhóm thanh niên đang dùng rựa hạ từng quầy cọ dầu. Có khoảng 20 thanh niên đang làm việc cho nông trang của anh Phú.
Tại khu vườn này, trong những cây đang cho thu hoạch trái, có những cây cọ dầu được trồng hơn chục năm, chu vi cây vài người ôm. Những quầy cọ trái chín đỏ sẫm chen chặt cứng trong nhánh lá. Sau khi được hạ xuống, trái được chất lên xe và chuyển về xưởng sơ chế ép dầu. Theo tính toán, mỗi ha cọ dầu cho sản lượng khoảng 10 tấn quả/năm. Từ đây, có thể sản xuất được 3 tấn dầu cọ từ vỏ quả và 250kg dầu cọ từ hạt.
Lý giải vì sao từ một người rất thành đạt trong lĩnh vực cây kiểng lại nhảy sang đầu tư trồng cọ dầu – một loại cây trồng mới, hiệu quả chưa kiểm chứng trên vùng đất phèn chua, ngập nước, anh Phú cho rằng, đấy là do cách nghĩ muốn đột phá vào lĩnh vực cây trồng mới và có triển vọng trong tương lai. “Quan điểm làm nông của tôi là không muốn đi theo lối mòn với kiểu thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào. Tôi nghĩ, triển vọng cây cọ dầu trong tương lai là rất sáng lạn” - anh Phú thổ lộ.
Để có giống cọ dầu, Phú “khùng” đổ tiền nhập giống từ Malaysia. Là dân kinh doanh cây kiểng, anh tận dụng kiến thức để nhân giống cọ dầu. Nhân giống được bao nhiêu anh thuê đất nông dân trồng bấy nhiêu. Hiện, anh Phú trồng gần 50ha cây cọ dầu. Phần lớn diện tích này nằm trên địa bàn xã Bình Lợi, số còn lại ở Long An, Bình Thuận.
Vấn đề Phú “khùng” đang đối diện chính là phần lớn đất trồng cọ phải đi thuê nên rất dễ bị nông dân… đòi đất. Hiện, anh đang thuê 12 triệu đồng/ha/năm. Hôm chúng tôi đến cũng là lúc anh đang cho di dời hơn 10.000 gốc cọ dầu sang vùng đất mới do bị đòi đất. Mỗi gốc cọ được di dời mất đến 200.000 đồng. “Tôi đang mất một số tiền khá lớn để giải quyết sự cố này” - anh nói.
Tuy nhiên, với Phú “khùng”, sự cố như thế có lẽ không làm anh nao núng do đã tính toán khá kỹ trước khi quyết định sống chết với cây cọ dầu. Sau hơn 2 năm trồng, cây cọ dầu đã có thể bán làm cây kiểng (hiện giá tại vườn 1 triệu đồng/cây), ép trái lấy dầu và bán bã làm phân bón hay thức ăn cho động vật.
Sẽ làm dầu sinh học
Anh Phú (phải) đang vận hành máy ép lấy dầu cọ. Ảnh: T.Đ
Chúng tôi trở lại xưởng ép dầu của Phú “khùng” khi ánh nắng mặt trời ngã dài xuyên qua những cành cọ. Trong xưởng, các khâu phục vụ lấy dầu đều được “cơ giới hóa”, nhưng khá thô sơ với máy tách trái, rửa, ép…
Theo anh Phú, mỗi ngày trang trại thu hoạch khoảng 2-3 tấn trái cọ dầu. Sau quy trình ép dầu anh thu khoảng 500kg dầu thô. Hiện, anh bán dầu thô này cho các xưởng sản xuất công nghiệp chứ chưa tinh luyện để làm dầu ăn. “Tôi trồng cọ dầu để lấy trái. Theo kế hoạch, sau khi thu hoạch, toàn bộ quả (cùi thịt, hạt) đều được dùng để sản xuất xà phòng và dầu thực vật dùng trong nấu ăn. Tuy nhiên, tại xưởng mới chỉ làm dầu thô cung cấp cho các khu công nghiệp vì chưa trang bị quy trình tinh luyện dầu. Các phẩm cấp dầu cọ thu được từ hạt, cùi thịt và bã sẽ được dùng làm phân bón và thức ăn cho gia súc, gia cầm” - anh nói. Tính toán cho thấy, 4kg trái cho ra 1kg dầu hay cứ 6kg hạt cọ thì cho ra 1kg bơ.
Trong khi chúng tôi trố mắt nhìn các nhân công chật vật với cái máy ép dầu cọ thủ công, các thương nhân Italia lại luôn miệng hỏi anh Phú về quy trình sản xuất và giá bán dầu cọ ra thị trường Việt Nam hiện nay. Các thương nhân này cho hay, tại Italia, thị trường rất ưa chuộng dầu cọ vì không nặng mùi, không gây béo và ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng như dầu ô - liu.
Tôi hỏi một thương nhân Italia về việc có khả năng sẽ thu mua dầu cọ của anh Phú để xuất sang thị trường Italia hay không, bà cười ý nhị và cho rằng, việc đoàn thương nhân Italia đến xem xưởng sản xuất dầu cọ ở Việt Nam là có chủ đích để hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, xưởng cần phải đầu tư máy móc để tinh chế thành dầu ăn thì lúc đó mới tính chuyện hợp tác xuất khẩu.
Anh Phú cho biết, anh đang liên hệ với các nguồn hỗ trợ tài chính để mở rộng xưởng và đầu tư quy trình tinh luyện dầu cọ. Theo Phú “khùng”, một công nghệ bán tự động hiện nay cũng có giá gần 2 tỷ đồng. “Tôi đã liên hệ với Sở NNPTNT và một số ngân hàng để nhận hỗ trợ. Vấn đề ở đây là họ cho rằng trồng cọ dầu ở vùng đất này chưa phải là đề tài nghiên cứu thành công và đang trong quá trình thử nghiệm” - anh cho biết.
Tiễn chúng tôi ra về, anh Phú thổ lộ: “Khao khát của tôi không chỉ dừng lại ở việc tinh luyện dầu ăn, mà sẽ sản xuất dầu sinh học từ trái cọ dầu. Đấy là tương lai của trái cọ dầu. Chính ý tưởng này mà người ta mới gọi tôi là Phú “khùng”.
Để ý tưởng này thành hiện thực, anh Phú tính, cần phải nâng diện tích trồng cọ dầu lên ít nhất 300ha mới có đủ vật liệu cho nhà máy hoạt động sản xuất dầu Bio diesel. Anh cam kết, nếu nông dân nào thích thú với việc trồng cây cọ dầu, anh sẽ hỗ trợ cây giống và bao tiêu đầu ra.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao