Mô hình kinh tế Quản Lí Phân Bón Chồng Chéo, Ôm Đồm!

Quản Lí Phân Bón Chồng Chéo, Ôm Đồm!

Publish date Friday. November 7th, 2014

Quản Lí Phân Bón Chồng Chéo, Ôm Đồm!

Việc Bộ Công thương ban hành Thông tư số 29/2014-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí phân bón cùng một loạt quy định về cấp phép, thanh tra, xử lí, XNK, những tưởng giúp thị trường phân bón đi vào quy củ, song thực tế lại rối như canh hẹ.

CHƯA CÓ HIỆU LỰC ĐÃ BẤT CẬP

Bộ Công thương ban hành Thông tư 29 chưa được bao lâu, ngay lập tức chúng tôi nhận được phản hồi gay gắt từ phía các cán bộ quản lí nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Rất nhiều DN phân bón ngỡ ngàng không hiểu Bộ Công thương đang làm gì bởi Thông tư 29 không chỉ mâu thuẫn với nhiều luật, nghị định khác mà còn mâu thuẫn với chính Nghị định 202 mà nó đang hướng dẫn.

Hiện nay, Chính phủ ban hành 2 nghị định quy định về quản lý SX, KD và XNK phân bón là: Nghị định số 202 và Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động đại lí mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa. Chiếu theo 2 nghị định này, việc Bộ Công thương ban hành Thông tư 29 hướng dẫn một số điều thuộc thẩm quyền của Bộ được quy định trong Nghị định 202/NĐ-CP có nhiều điều khoản trái khoáy.

Cụ thể, Thông tư 29 quy định Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm quản lí XNK phân bón vô cơ là trái với quy định tại Khoản 2, Điều 70, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 64 Luật Hóa chất.

Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa XNK, lưu thông trên thị trường là Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm đối với cây trồng, vật nuôi, phân bón, TĂCN, thuốc BVTV, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông, lâm, thủy sản, thủy lợi, đê điều; Bộ Công thương chịu trách nhiệm đối với thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hóa chất, vật liệu nổ, khai thác mỏ, dầu khí…

Tiếp đến, Thông tư 29 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lí thị trường địa phương, Cục Quản lí Thị trường được giao quản lí và xử lí vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón là trái với Nghị định 163 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp. Nghị định 163 quy định rất rõ, Thanh tra Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT hoặc thanh tra Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Chi cục Quản lí Thị trường đều có quyền kiểm tra, xử phạt liên quan đến lĩnh vực phân bón.

Đặc biệt, Thông tư 29 quy định các loại phân bón vô cơ là phân bón có chứa các yếu tố đa lượng, trung lượng, vi lượng và cả chất điều hòa sinh trưởng… có chứa thành phần phân bón hữu cơ nhỏ hơn 5% là phân vô cơ. Khái niệm này trái ngay với quy định tại Nghị định 202 bởi khoản 2, 3 Điều 3, Nghị định 202 giải thích rất rõ thế nào là phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón khác.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một DN NK phân bón lớn tại miền Bắc, thực chất Thông tư 35 của Bộ Công thương quy định về việc cấp giấy phép NK tự động một số mặt hàng phân bón gần như ngầm hiểu là cấm NK urê và NPK do nguồn cung hai mặt hàng này trong nước đã dư thừa. Tuy nhiên, quy định này chỉ hạn chế được việc NK chính ngạch còn NK tiểu ngạch gần như không kiểm soát được cả số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, Thông tư 29 cũng quy định cơ sở SX vừa phân bón vô cơ và hữu cơ được phép sử dụng đồng thời 2 giấy phép là giấy phép SX phân bón vô cơ do Bộ Công thương cấp và giấy phép SX phân bón hữu cơ và phân bón khác do Bộ NN-PTNT cấp là trái với quy định tại điều 14 Nghị định 202. Nghị định 202 nêu rõ: “Trường hợp tổ chức, cá nhân vừa SX phân bón vô cơ, hữu cơ và phân bón khác thì Bộ Công thương là cơ quan chủ trì nhận hồ sơ, phối hợp với Bộ NN-PTNT cấp phép”.

BẢO HỘ THÁI QUÁ?

Song song với việc ban hành Thông tư 29, ngày 15/10/2014 Bộ Công thương tiếp tục ban hành Thông tư số 35 quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép NK tự động đối với một số mặt hàng phân bón khiến các DN NK phân bón phản ứng rất dữ dội. Bởi kể từ ngày 1/12, hai mặt hàng phân bón là urê có hoặc không ở trong dung dịch nước; phân khoáng hoặc phân hóa học có chứa ba nguyên tố cấu thành là nitơ, phospho và kali sẽ được áp dụng cơ chế cấp giấy phép NK tự động. Theo thông tư, thời hạn cấp giấy phép NK tự động là 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Phản ứng trước việc Bộ Công thương ban hành Thông tư 35, ông Vũ Duy Hải - TGĐ Cty CP Vinacam (TP.HCM) cho rằng: Thông tư 35 ra đời không nhằm mục đích kiểm soát vấn đề phân bón giả vào thị trường trong nước? Thực tế, việc phân bón giả NK vào thị trường trong nước là rất khó vì tất cả các loại phân bón NK trước khi thông quan đều phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, công bố hợp quy, do vậy gần như 100% phân bón giả không thể NK vào Việt Nam. Thời gian vừa qua và hiện nay, vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng đều xuất phát từ các DN và cá nhân cố tình làm ăn gian dối, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ, không đạt chuẩn.

Theo ông Hải, vấn đề bảo hộ SX trong nước không phải là vấn đề mới và các nước trên thế giới đều đã và đang áp dụng với nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó, hàng rào kỹ thuật hạn ngạch là một ví dụ. Tuy nhiên, ông Hải nói thẳng, Thông tư 35 ra đời với các quy định về hồ sơ xin cấp hạn ngạch tự động không khác gì việc cơ quan quản lý Nhà nước đưa dao cho DN XNK cầm đằng lưỡi!?

Một điểm vô lý tại Thông tư 29 khi quy định Sở Công thương tiếp nhận đề nghị của các tổ chức, cá nhân SX, kinh doanh phân bón vô cơ để tổ chức hội thảo, giới thiệu mô hình phân bón vô cơ vừa trái luật vừa không thực tế vì hầu hết thành phần tham dự hội thảo và giới thiệu mô hình là cán bộ nông nghiệp, nông dân tham quan trực tiếp mô hình trên đồng ruộng và thông qua cây trồng mới biết được chất lượng, hiệu quả của phân bón. Liệu Sở Công thương có đủ chuyên môn, nhân lực để làm việc này hay không? Dư luận cho rằng Bộ Công thương ôm đồm hết lĩnh vực phân bón vào mình để quản lí.

“Sở dĩ tôi phải nói vậy vì theo quy định về hồ sơ trình xin giấy phép đồng nghĩa với việc hàng NK đã được xếp xuống tàu và hành trình về Việt Nam theo đúng nguyên tắc thông lệ quốc tế về NK.

Như vậy, sẽ không một nhà NK nào dám mạo hiểm thực hiện NK xong rồi mới xin phép vì họ không thể biết có được phép hay không (Thông tư 35 không nêu rõ tiêu chí được duyệt cấp).

Trong tình hình hiện nay, nếu được cấp giấy phép NK thời gian dôi nhập phương tiện (phương tiện đến cảng dỡ Việt Nam nhưng còn phải chờ Giấy phép mới được thông quan bốc dỡ) sẽ rất lớn gây thiệt hại cho DN”, ông Hải than vãn.

Cũng theo ông Hải, bất hợp lí nhất là trong trường hợp không được cấp giấy phép, nhà NK sẽ không biết giải quyết lô hàng đã cập cảng thế nào trong khi theo nguyên tắc quốc tế, sau 5-7 ngày kể từ ngày nhận được chứng từ NK, ngân hàng đã phải thanh toán tiền cho người bán (nhà NK phải nhận nợ với ngân hàng).

Qua đó, rõ ràng Thông tư 35 đang đưa ra quy trình ngược cho việc cấp phép NK khiến rủi ro được đẩy toàn bộ cho nhà NK.

Còn theo ý kiến của ông Trang Hòa - TGĐ Cty CP Vật tư nông nghiệp 2 Đà Nẵng, việc bảo hộ SX cũng là chuyện bình thường trên thế giới, song không nên bảo hộ một cách thái quá.

Bộ Công thương ban hành Thông tư 35 lập hàng rào kỹ thuật một mặt giúp hỗ trợ cho các DN SX phân bón trong nước, song mặt trái lại ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân khi không mua được sản phẩm phân bón với giá cả hợp lí, cạnh tranh nhất.

Vì vậy, cần tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng vừa giúp các DN trong nước cải tiến chất lượng, hiệu quả lại hỗ trợ tối đa cho nông dân.


Cá Hú Thương Phẩm Tiêu Thụ Mạnh Cá Hú Thương Phẩm Tiêu Thụ Mạnh Xử Lý Chất Thải Nuôi Gia Cầm Xử Lý Chất Thải Nuôi Gia Cầm