Quản lý chất lượng con giống để đối phó với EMS
Năm 2014 ghi nhận một năm thắng lợi đối với ngành sản xuất tôm nước ta. Với việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh EMS, các cơ quan quản lý đã chỉ đạo sát sao, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ lịch thời vụ cũng như vật tư đầu vào cho sản xuất, vụ nuôi tôm đã đạt được kết quả khả quan nhất là đối với tôm chân trắng. Sản lượng tôm ước đạt 660 nghìn tấn, tăng 22% so với năm 2013, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đặc biệt, sản xuất tôm chân trắng tăng nhanh cả về sản lượng và diện tích nuôi trong khi đó tôm sú vẫn duy trì ổn định so với năm trước. Sản lượng tôm chân trắng ước đạt 400 nghìn tấn, tăng 42,9% so với 2013. Giá trị xuất khẩu (XK) mặt hàng tôm tăng 26,9%, chiếm tỷ trọng 50,8% trong tổng kim ngạch XK thủy sản năm 2014. Trong đó, XK tôm chân trắng tăng 46,3% và tôm sú tăng 4,2% với giá trị tương ứng đạt 2,31 tỷ USD và 1,64 tỷ USD.
“Nóng” vấn đề con giống
Việc phát triển nóng đối tượng tôm chân trắng đã tạo ra áp lực khá lớn về khả năng cung ứng con giống phục vụ nuôi cả về số lượng lẫn chất lượng. Năng lực sản xuất giống tôm sú và tôm chân trắng tăng dần trong giai đoạn 2009 – 2013. Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2014, vùng ĐBSCL có khoảng 1.250 cơ sở sản xuất giống tôm với sản lượng ước đạt 20 tỷ con giống. Trong đó, sản xuất giống tôm sú có xu hướng giảm dần trong giai đoạn này do nhiều diện tích nuôi tôm sú chuyển sang tôm chân trắng. Những cơ sở sản xuất giống tôm sú trước đó có công suất nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, chất lượng con giống thấp không thể cạnh tranh được nên dần đóng cửa.
Đối với tôm chân trắng, hiện nay các DN lớn như Việt – Úc, Number 1, Winco….đã đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, giống nhập về chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu cho nuôi thương phẩm. Hiện nay, nhiều DN có xu hướng đầu tư sản xuất giống tại khu vực ĐBSCL. Chính vì vậy, trong tương lai không xa, việc cung cấp con giống của DN sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu thả nuôi và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác quản lý chất lượng tôm giống còn nhiều hạn chế. Do tốc độ phát triển nuôi khiến nhu cầu con giống tăng nhanh, nên nhiều cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận, sản xuất sản lượng lớn, không xem trọng chất lượng làm cho chất lượng tôm giống ngày càng đi xuống. Nhiều cơ sở sản xuất giống sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, cho tôm đẻ nhiều lần trong năm dẫn đến tôm giống mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, chậm lớn, giảm tỷ lệ sống và khả năng chống chọi với mầm bệnh.
Mặc dù đã phát hiện nguyên nhân gây EMS và có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, tuy nhiên chất lượng con giống đang là một trong những mối nguy đe dọa dịch bệnh bùng phát trở lại. Theo tiến sĩ Trần Hữu Lộc, giảng viên Khoa Thủy sản, Đại học Nông Lâm Tp.Hồ Chí Minh, “Có đến 60% các mẫu tôm giống qua kiểm nghiệm phát hiện nhiễm bệnh EMS. Đây là nguy cơ rất lớn và là thách thức trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm. Tôm giống sạch bệnh EMS chỉ đóng góp 50% khả năng thành công nhưng tôm giống nhiễm bệnh EMS có thể tạo ra gần 100% khả năng thất bại. Chính vì thế, siết chặt chất lượng con giống sẽ là bước đầu tiên quyết định sự thành công của vụ nuôi”.
Quản lý dịch bệnh phải từ con giống
Chất lượng con giống là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến sự thành công trong công tác quản lý dịch bệnh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế. Chính vì thế, siết chặt quản lý chất lượng giống sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu cần phải được thực hiện. Ở góc độ quản lý dịch bệnh, theo tiến sĩ Trần Hữu Lộc, quan trọng hơn cả là phải quản lý dịch bệnh từ đầu nguồn, tức là từ con giống đầu vào và xa hơn nữa là từ con giống tôm bố mẹ.
“Việc hiện tại chúng ta chỉ kiểm soát mầm bệnh đã được tổ chức OIE (Tổ chức sức khỏe động vật thế giới) đề nghị đối với tôm đã để lại một lỗ hổng rất lớn cho việc kiểm soát các mầm bệnh mới xuất hiện, trên góc độ quản lý dịch bệnh trên tôm của cả thế giới” ông Lộc nhấn mạnh.
Trong phạm vi trại tôm giống, ngoài sự kiểm soát thông thường đối với các mầm bệnh virus, cần phải tập trung hơn nữa công tác an toàn sinh học theo hướng tích cực phòng các bệnh do vi khuẩn và cả ký sinh trùng gây ra. Nên thận trọng xem xét nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu từ các nước đang lưu hành mầm bệnh EMS/HPND và EHP. Ngoài ra, nên có khu cách ly được thiết kế đúng tiêu chuẩn và có sự kiểm soát chặt chẽ mầm bệnh virus, EMS, EHP trước khi có thể đưa vào sản xuất.
Đối với thức ăn tươi cho tôm bố mẹ cũng phải được kiểm soát mầm bệnh kỹ lưỡng, không nên sử dụng thức ăn tươi chế biến từ nguồn đánh bắt gần khu vực trại giống hay nuôi thương phẩm và cho ăn trực tiếp. Việc sử dụng thức ăn tươi NK từ các nước không có mầm bệnh và không có nghề nuôi tôm được xem là một lựa chọn tốt để làm thức ăn cho tôm bố mẹ. Trong hoàn cảnh sản xuất giống hiện tại, các trại giống nên cân nhắc việc thanh trùng thức ăn tươi bằng phương pháp Pasteur hay chiếu xạ Gamma. Các biện pháp này có thể làm cho tôm bố mẹ giảm khả năng sinh sản, lượng trứng sẽ ít hơn nhưng sẽ giúp tăng độ an toàn đối với trại giống cũng như trại nuôi sử dụng nguồm tôm giống này.
Ngoài ra, phải thực hiện thường xuyên công tác kiểm soát mầm bệnh bằng phương pháp PCR trong suốt quá trình sản xuất giống, từ các yếu tố đầu vào là tôm bố mẹ, thức ăn cho tôm bố mẹ cho tới đầu ra là tôm giống xuất bán. Bên cạnh đó, các phương pháp ương nuôi ấu trùng theo sinh học, vi sinh cũng nên được ứng dụng để khống chế các bệnh do vi khuẩn như EMS.
“Gần đây, nhiều trại giống tại Việt Nam đã mạnh dạn hơn trong việc xử lý, tiêu hủy đàn tôm bố mẹ không đạt tiêu chuẩn chất lượng, tích cực vệ sinh cơ sở sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị. Tôi cho rằng, đây là một động thái tích cực và tin chắc rằng trong mùa vụ sắp tới chúng ta sẽ có những đàn tôm giống chất lượng cao phục vụ sản xuất, từ đó dịch bệnh sẽ giảm và được kiểm soát chặt chẽ hơn” Tiến sĩ Lộc cho biết.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao